Nhà nhà xe đạp, người người đạp xe

Nghe như một khẩu hiệu của Nhà Nước trong một cuộc vận động tiết kiệm nhiên liệu hay giảm ô nhiễm môi trường, nhưng không, đó là khẩu hiệu thật sự của một bộ phận không nhỏ người dân. Tôi đang đề cập đến những người có thu nhập ổn định, thậm chí là khá cao so với mặt bằng xã hội. Xe máy có, ô tô có, nhưng họ vẫn chọn xe đạp.

Không đâu xa, nếu các bạn còn nhớ CLB KCC (Kia Carens Club) – đã từng xuất hiện trong một bài viết của Autopro như một nhóm chơi xe hoạt động khá chuyên nghiệp. Thành viên gần 40 người đang chạy mẫu xe Carens của Kia, thì nay đã có 20 thành viên chuyển sang đi xe đạp ít nhất 1 ngày trong tuần. Các chuyến đi của hội thường vào sáng ngày Chủ Nhật với hành trình được tính toán và sắp xếp phù hợp (15km đổ lại và tăng dần).

img
Các thành viên KCC vừa có 1 chuyến đi dọc sông Hồng khá thành công

Một số gia đình trong hội còn trang bị đủ 3 người 3 xe để “cả nhà cùng vui” như anh Công “BigBoom” – một thành viên diễn đàn Otofun đã trang bị cho vợ và cô con gái 8 tuổi 2 chiếc xe đạp để cùng nhau thể thao hàng ngày quanh Hồ Tây.

Không chỉ những nhóm chơi ô tô, không ít nhóm xe máy cũng chuyển sang chơi xe đạp. Thành D.V – một thành viên CLB Vespa cổ Hà Nội khá mơ mộng: “Em đi Vespa cổ vì thích lãng mạn, bây giờ xe đạp cũng cho em cảm giác lãng mạn không kém, tiết thu mát mẻ, cứ chiều em lại đạp xe quanh Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu ngắm phố phường”. Thực tế hơn, Phúc Anh “style” – một thành viên cũ của nhóm Minsk Hà Nội chia sẻ: “1 tuần tiết kiệm 200 nghìn tiền xăng, 1 tháng giảm được 1kg, tội gì không đi xe đạp”.

img
"Giảm khí thải, giảm tiền xăng, giảm cả cân... tội gì không đạp"

Bỏ buôn ô tô, rẽ ngang xe đạp

Tiêu biểu nhất là trường hợp của chủ cửa hàng nội thất xe hơi khá có tiếng tại Hà Nội: Nội thất Minh Khôi. Nhanh nhạy với thời cuộc, ông chủ hàng kinh doanh nội thất ô tô mở ngay 1 cửa hàng kinh doanh xe đạp chủ yếu để phục vụ người đi ô tô có nhu cầu “rẽ ngang”. Hàng đặt hàng chờ, nhiều khi không kịp bán.

Nắm bắt thời cuộc, 1 loạt các cửa hàng xe đạp “xịn” liên tục xuất hiện để phục vụ nguồn cầu đang rất lớn. Tham khảo tại một cửa hàng xe đạp: GreenBike vừa khai trương trên phố Quán Thánh, ông chủ Nguyễn Công Sơn đang tất bật chuẩn bị cho những thủ tục cần thiết cho buổi khai trương nhưng vẫn không quên khoe: “Chưa khai trương mà khách đến nhiều quá, còn 3 xe trên gác anh vẫn đang lắp cho khách chưa xong”. Quả thật không ngoa, cách ngày khai trương 2 ngày mà khách đã vào mua bán khá đông.

img
Chơi xe đạp cũng là một thú chơi khá tốn kém và phải nghiên cứu kỹ càng

Chơi xe cũng là 1 thú chơi cầu kỳ

Từ đầu bài đến giờ, tôi vẫn dùng 1 từ “chơi xe”, bởi xe đạp để chơi hiện khác với những xe đạp để đi. Chơi người ta cầu kỳ đến từng chi tiết của chiếc xe, phải hiểu về xe, từng hãng sản xuất, bộ đề, khung, nhíp, group, pê đan… Giống như bất cứ thú chơi nào khác, chơi xe đạp phải “sâu”, tức cần có kiến thức cơ bản, tốt nhất là có 1 người dẫn đường chỉ lối, nếu không, bạn chắc chắn sẽ lạc vào một mê hồn trận mà không tìm được lối ra.

Dù xe đạp để “chơi” hay để đi, thì đó vẫn là một phong trào toàn cầu đang được nhân rộng. Như một thông điệp môi trường, sức khỏe của một công dân toàn cầu mà một bộ phận không nhỏ người Việt đang hướng tới.

 Ảnh: Otofun