Ngày 26/3/2018 có lẽ là một ngày lịch sử trong nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam và Đông Nam Á. Nơi đây từng diễn ra trận chiến khốc liệt tranh giành thị phần của hai ông lớn: Uber và Grab. Một dấu lặng dành cho hãng xe công nghệ có nguồn gốc bên ngoài châu Á - người ta vẫn ví von là vận hành hàng trăm triệu hành trình nhưng lại không sở hữu một chiếc xe nào. Gã khổng lồ Uber quyết định chính thức rời thị trường Đông Nam Á.

Đây đơn thuần chỉ là một chiến thuật kinh doanh của các cổ đông lớn đang ngồi trong ban quản trị của ông lớn này thôi. Họ không muốn hai đứa con cùng mẹ lại đấu đá sứt mẻ lẫn nhau. SoftBank là cổ đông lớn của cả Grab, Uber cũng như ứng dụng đi chung xe Trung Quốc – Didi Chuxing. Chính tổ chức này đã thúc đẩy quá trình rời đi, nhượng sân lại cho Grab.

Uber rời đi, một nỗi buồn để lại - Ảnh 1.

Mạng lưới vận tải mà SoftBank đang đầu tư. Ảnh: TheStreet.

Bản thân tôi sử dụng ứng dụng gọi xe này từ những ngày đầu tiên nó đặt chân vào thị trường Việt Nam. Cụ thể lúc đó là TP. HCM. Ngày đấy xe lưa thưa lắm. Rất khó bắt được xe. Nhu cầu, sự phổ biến và thói quen chưa hình thành nên Uber tự lọc được cho mình lượng khách ban đầu là những người biết chút ít về công nghệ nước ngoài. Phần nhiều trong đó là người làm văn phòng, dân trí thức.

Năm 2014, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã thực hiện đăt chuyến Uber đầu tiên trong hành trình sử dụng 4 năm liên tục. Ấn tượng đầu tiên khi đó là một anh tài xế chỉn chu về sắc diện, quần áo và cả thái độ phục vụ. Anh niềm nở chào hỏi và rỉ rả với nhau cả những câu chuyện về quan điểm cuộc sống. Người tài xế ấy là một dân văn phòng. Đúng thế, hồi đầu Uber trên thế giới lẫn Việt Nam, những đối tác hầu hết là những người tận dụng thời gian nhàn hạ "chạy cho vui, kiếm chút đỉnh" là chính. Chính vậy nên họ ít bị sức ép của cơm - áo - gạo - tiền. Tài xế và hành khách thật vui vẻ với nhau. Chẳng phải khó chịu kỳ kèo.

Uber rời đi, một nỗi buồn để lại - Ảnh 2.

Mở cửa cho khách - hình ảnh quen thuộc của tài xế Uber những ngày đầu có mặt ở Việt Nam. Ảnh: Genk.

Sau tạo nên thói quen và chuẩn mực cho những người lái Uber, lúc nào cũng niềm nở và văn minh. Chính họ trở thành điểm so sánh của người tiêu dùng với lực lượng tài xế taxi truyền thống. Đây là một mấu chốt để Uber hút được lượng lớn khách hàng. Chắc ít nhất một lần bạn đã bị taxi từ chối vận chuyển. Thêm một lần bị vẽ đường xa hơn. Rồi thêm một lần tức tối do thái độ khi tài xế. Qua thời gian, taxi truyền thống cũng buộc phải thay đổi thái độ. Gần đây đã tốt hơn rất nhiều.

Uber không chỉ đồng hành cùng tôi trong những chuyến đi công việc tại Sài Gòn, mà còn công tác tại Hà Nội hay du lịch ở Đông Nam Á. Từng một lần bị "chém" bởi taxi tại Hà Nội nên tôi có một phản xạ có điều kiện là dè chừng trước các phương tiện vận tải ở đây. Thật mừng là có Uber. Tôi tin dùng. Cái hay của Uber là họ có một đội ngũ đối tác đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ. Điều ấy cũng phần nào giúp người du lịch hiểu hơn về văn hóa địa phương.

Trong chuyến du lịch Malaysia hồi năm ngoái, tôi sử dụng Uber để di chuyển. Các tài xế ở đây sẽ không gọi cho khách hàng như tại Việt Nam mà đa số họ sử dụng ứng dụng chat được cài sẵn. Người lái xe có thể là những thanh niên trẻ hay người già về hưu lái xe cho đời đỡ nhàn. Tôi vẫn nhớ một anh tài xế là nhân viên công ty, tối chạy vài cuốc quanh Kuala Lumpur. Khi biết tôi là người nước ngoài, anh chủ động giới thiệu về đất nước của anh. Chuyến đi đầy tiếng cười nói sang sảng.

Bên cạnh việc buộc các tài xế taxi thay đổi thái độ và hành vi, Uber còn tham gia định hình lại ngành vận tải, kinh doanh công nghệ tại Việt Nam. Các hãng taxi nổi tiếng tại cả hai miền Nam và Bắc đều bắt tay vào thay đổi vận hành, sáng tạo cách thức tiếp cận với khách hàng. Và nhất là tạo ra sự cạnh tranh, gia tăng chọn lựa cho người dùng. Với tôi, taxi từng nằm trong danh sách là phương tiện di chuyển xa xỉ khi chưa có Uber.

Biết là thương trường khốc liệt. Biết là thay đổi để phát triển. Biết là Uber vẫn sẽ sống trong một hiện thân khác tại Việt Nam, Đông Nam Á. Nhưng vẫn có chút buồn ở lại.