Các nhà sản xuất ô tô và điện thoại thông minh không ngừng nỗ lực phát triển hệ thống điện thoại rảnh tay dễ sử dụng và hiệu quả, nhằm đảm bảo lái xe không bị phân tâm khi vừa lái xe vừa nghe điện thoại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của AAA Foundation for Traffic Safety, kết quả có vẻ đi ngược lại với mong đợi. Trong 13 hệ thống điện thoại rảnh tay được kiểm tra, có tới 9 hệ thống khiến lái xe bị sao nhãng hơn so với việc cầm và sử dụng trực tiếp điện thoại.

Nghiên cứu này do giáo sư David Strayer và Joel Cooper thuộc Đại học Utah tiến hành. Nghiên cứu đã so sánh các hệ thống rảnh tay lắp đặt ở các mẫu xe 2015 và các thiết lập kiểm soát giọng nói cài đặt trong 3 phần mềm smartphone phổ biến: Google Now, Apple Siri và Microsoft Cortana. David và Joel đã chia mức độ sao nhãng ra làm 5 bậc: bậc 1.0 là mức độ sao nhãng thấp nhất và bậc 5.0 là mức độ sao nhãng cao nhất. Mức độ sao nhãng từ 2.0 trở lên được đánh giá là mức độ nguy hiểm.

 

Bảng đánh giá mức độ sao nhãng khi sử dụng chế độ giọng nói để thực hiện cuộc gọi hoặc nghe nhạc khi đang lái xe. Nghiên cứu thực hiện trên một số mẫu xe hơi 2015.
Bảng đánh giá mức độ sao nhãng khi sử dụng chế độ giọng nói để thực hiện cuộc gọi hoặc nghe nhạc khi đang lái xe. Nghiên cứu thực hiện trên một số mẫu xe hơi 2015.

Theo kết quả cho thấy, bộ điện thoại rảnh tay của GM trên Chevy Equinox và Buick Lacrosse đạt 2.4, bộ hỗ trợ kích hoạt giọng nói của Google Now, Android đạt 3.0. Apple Siri đạt 3.4 trong khi Microsoft Cortana đạt 3.8. Hệ thống rảnh tay lắp đặt trên Mazda 6 cho kết quả thấp nhất với mức độ gây sao nhãng lên tới 4.6.

Trong đó, nghe nhạc hoặc nghe audio book khi đang lái xe có mức độ sao nhãng là 1.0, thực hiện đàm thoại có mức độ sao nhãng là 2.0. Mức độ sao nhãng có thể lên tới 4.0 nếu vừa lái xe vừa cập nhật các trang mạng xã hội.

Nguy hiểm hơn, hệ thống điện thoại rảnh tay còn khiến người điều khiển xe tiếp tục sao nhãng sau khi sử dụng. Cụ thể, theo nghiên cứu, mức độ mất tập trung gây nguy hiểm tiềm ẩn sau khi thực hiện hành động gây sao nhãng là 27 giây. Vậy mà, các hệ thống điện thoại rảnh tay ít gây sao nhãng nhất vẫn khiến các lái xe mất tập trung hơn 15 giây sau khi ngưng sử dụng.

Ngài Marshall Doney, giám đốc AAA, đưa ra cảnh báo: “Các lái xe nên bật chế độ cảnh báo khi sử dụng hệ thống kích hoạt giọng nói, ngay cả trong các tình huống có vẻ an toàn như lái xe trên đường vắng hoặc dừng xe ở ngã tư. Thực tế đã chứng minh, các lái xe có thể vẫn bị mất tập trung sau đó”.

 

Đoạn video của AAA ghi lại các tình huống mà người điều khiển xe gặp phải khi sử dụng hệ thống điện thoại rảnh tay.

 

Hà Vân