Trong những ngày vừa qua, miền Bắc Việt Nam rơi vào đợt rét đậm, rét hại kinh hoàng nhất mùa đông năm nay. Tại Hà Nội, nhiệt độ trong ngày hôm qua, 24/1/2016, rơi xuống mức thấp kỷ lục, chỉ khoảng 6-7 độ C. Trong khi đó, tại thị trấn Sapa của Lào Cai, nhiệt độ có lúc xuống còn -4,2 độ C. Không riêng gì tại Sapa, ở một số khu vực của miền Bắc Việt Nam như Bình Liêu (Quảng Ninh) hay Ba Vì (Hà Nội) đã có tuyết rơi.

Rất nhiều người đã thích thú vì tuyết rơi là hiện tượng cực kỳ hiếm xảy ra ở Việt Nam. Trong khi đó, cánh tài xế lái những chiếc ô tô tải hoặc chở khách sử dụng máy dầu lại đau đầu vì nhiệt độ thấp khiến xe không thể khởi động được.

Bước vào mùa đông, không khí lạnh sẽ khiến dầu dễ bị kết tủa do bản chất của dầu diesel có hàm lượng parafin rất cao. Điều này dẫn đến tình trạng xe khó khởi động khi nhiệt độ xuống thấp. Để có thể khởi động xe, các tài xế Việt buộc phải làm nóng bình dầu vì chất phụ gia chống đông dầu không phổ biến tại Việt Nam.


Đốt lửa để làm nóng bình dầu trên ô tô khách. Ảnh: Otofun

Đốt lửa để làm nóng bình dầu trên ô tô khách. Ảnh: Otofun


Có người lại đổ nước sôi vào cốc lọc dầu. Ảnh: Infonet

Có người lại đổ nước sôi vào cốc lọc dầu. Ảnh: Infonet

Để làm nóng bình dầu ô tô khi trời lạnh, các tài xế Việt đã sử dụng không ít cách khiến nhiều người choáng như đốt lửa, dùng đèn khò hoặc đổ nước nóng. Với những người bình thường, cách làm nóng bình dầu ô tô như vậy nghe có vẻ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, đối với cánh tài xế, đây chỉ là "chuyện thường ngày ở huyện".

img

Dùng đèn khò để làm nóng bình dầu ô tô. Video: Dmax Minh Vương/Otofun

Theo giải thích của các tài xế, cách đốt lửa hay dùng đèn khò để làm nóng bình dầu ô tô không có gì nguy hiểm như tưởng tượng. Nguyên nhân bắt nguồn từ bản chất của dầu diesel cũng như phương thức hoạt động của máy dầu trên ô tô.

Thứ nhất, so với xăng, dầu diesel khó cháy hơn. Thứ hai, động cơ diesel không dùng bugi để đốt cháy hỗn hợp nhiên liệu như máy xăng. Thay vào đó, động cơ diesel sử dụng nhiệt lượng từ khí nén để đốt dầu khi dầu được bơm vào buồng đốt. Nói cách khác, để cháy thì dầu diesel cần được nén và phun vào buồng đốt. Vì vậy, khi họ đốt lửa hay dùng đèn khó ngay bên dưới bình dầu ô tô thì dầu diesel cũng không bắt lửa và không gây cháy nổ.

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có trường hợp nào xe cháy nổ vì cách làm nóng bình dầu ô tô như trên. Sự nguy hiểm của những cách làm nóng bình dầu ô tô này cũng chưa được kiểm chứng. Do đó, nhiều tài xế tại các vùng cao vẫn thường áp dụng những cách này cho xe vào mùa đông. Thế nhưng, hình ảnh các tài xế đốt lửa hay dùng đèn khò làm nóng bình dầu ô tô không khỏi khiến người xem kinh hãi.