Sau khi triển khai hệ thống nhận dạng khuôn mặt tân tiến để hỗ trợ xử phạt giao thông, chính quyền Trung Quốc đã tiến thêm một bước để hạn chế tắc nghẽn giao thông
Theo đó, từ 1/7 tới đây, Bộ Công an Trung Quốc sẽ giám sát một chương trình đặc biệt cho phép họ cài đặt chip nhận dạng sử dụng tần số vô tuyến lên kính chắn gió trước của ô tô bán ra tại thị trường này. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, đây sẽ là một phần của biển số xe điện tử bắt buộc có mặt trên ô tô có hiệu lực từ 2019 trở đi.
Theo chính quyền Trung Quốc, việc gắn chip định vị sẽ góp phần cho phép họ hạn chế tắc nghẽn giao thông. Sẽ có hàng trăm ngàn thiết bị đọc chip định vị được lắp đặt trong thời gian tới trên toàn lãnh thổ quốc gia này.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Trung Quốc sẽ sớm có thêm trang bị hoàn toàn mới dành để đọc chip định vị gắn trên mỗi ô tô người dân.
Chương trình theo dõi xe đã được Trung Quốc đưa vào thử nghiệm giới hạn tại một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân hay Vô Tích từ năm 2016. Đơn vị sản xuất chip cho chính phủ là ZET – một trong những "điểm nóng" nằm giữa xung đột thương mại và công nghệ Mỹ-Trung.
Tại một số quốc gia khác trên thế giới, công nghệ tương tự những gì người Trung Quốc đang áp dụng được sử dụng để thu phí cầu đường tự động, tuy nhiên chắc chắn chính phủ nước này sẽ không chỉ dừng lại tại đây. Đã có nhiều câu hỏi và lo ngại được giới truyền thông lẫn người tiêu dùng Trung Quốc đặt ra về việc chính phủ có thể lạm dụng quyền lực của mình trong kiểm soát họ.
Đã có không ít phương pháp nhận diện và kiểm soát người dân được Trung Quốc thực hiện trong những năm qua (cả những người không thuộc diện tội phạm) như nhận dạng khuôn mặt hay lưu trữ DNA với nguyên nhân luôn luôn là "nhằm mang lại an toàn tối đa cho cộng đồng". Thậm chí tại các địa bàn phức tạp như Tân Cương, từng hành vi của người dân thiểu số tại đây được kiểm soát cực kỳ gắt gao để tránh bạo loạn, trong đó có việc yêu cầu tích hợp định vị GPS lên ô tô để chính phủ tiện kiểm soát 24/24.
Tham khảo: Quartz