Dù báo cáo của Hiệp hội Xe đạp Leo núi Quốc tế IPMBA đã khẳng định tính tương tác của dân với lực lượng cảnh sát tốt hơn khi áp dụng tuần tra bằng xe đạp nhưng, hiệu quả thực tế ở Việt Nam vẫn còn là câu hỏi để ngỏ.

Gần dân

Nhiều lý do được các tỉnh, thành viện dẫn cho việc triển khai lực lượng cảnh sát tuần tra bằng xe đạp. Thượng tá Nguyễn Đức Hải, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, việc cảnh sát khu vực sử dụng xe đạp tuần tra có mục đích giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm chi phí công vụ, nâng cao khả năng rèn luyện cho cán bộ chiến sĩ, tạo sự thân thiện giữa lực lượng công an và người dân, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an trong lòng người dân.

Đại tá Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an Hà Nội cho rằng, do địa bàn Thủ đô có nhiều ngõ ngách nhỏ nên lâu nay lực lượng Cảnh sát trật tự di chuyển bằng ôtô, xe máy đi làm nhiệm vụ gặp khó khăn, hiệu quả công việc không như mong muốn. "Không quan trọng phương tiện hiện đại hay thô sơ, loại nào phù hợp chúng tôi sẽ sử dụng nhằm đảm bảo công việc được hiệu quả", ông Hải nói.

“Cảnh sát khu vực xuống địa bàn bằng xe đạp rất gần gũi với bà con, nhất là trẻ em. Các cháu thấy mình đi xe đạp là xúm lại nói chuyện, từ đó mà chúng tôi tìm hiểu và nắm thêm được nhiều thông tin quan trọng”, trung tá Nguyễn Minh Đức, Trưởng Công an phường 1 (TP Bạc Liêu) chia sẻ.

Bản thân ông Đức cùng từng nhiều lần xuống địa bàn bằng xe đạp, khi ông làm cảnh sát khu vực.

Tại Bạc Liêu, theo thông tin từ đại tá Phạm Quang Chung, Trưởng Công an TP, chỉ với những tuyến tuần tra đường xa và truy bắt tội phạm, công an Bạc Liêu và các phường mới sử dụng xe máy.

Có phù hợp?

Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn về tính hiệu quả, và sự hợp lý của mô hình này, nhất là trên thực tế tại không ít địa phương xe đạp tuần tra chịu cảnh "đắp chiếu", bụi phủ ở các nhà xe hoặc trong kho tang vật.

Đại úy Nguyễn Trung Kiên, trưởng công an phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) cho hay, sau hai năm triển khai mô hình cảnh sát khu vực đi xe đạp ở phường này, đến nay số lần sử dụng đã không còn giữ thường xuyên.

Ông Kiên lý giải khó khăn là do các cảnh sát đã có thói quen đi bằng xe máy. Khi chuyển qua xe đạp, yên xe cứng nên khi sử dụng họ bị đau gây cảm giác mệt mỏi. Thứ hai, người dân hay báo tin khẩn cấp như cháy nổ, cướp giật,… thì chiếc xe đạp không thể sử dụng trong các trường hợp này. Thứ ba, địa bàn phường quá rộng, có đến 18 tổ dân phố, mỗi tổ trên 1.000 dân, trong khi có nhiều đoạn đường rất xấu, lầy lội vào mùa mưa nên nếu đi xe đạp sẽ rất khó khăn.

Theo thượng tá Hoàng Duy Hà, Phó trưởng công an TP Vinh (Nghệ An), việc sử dụng xe đạp đi tuần tra không hiệu quả.

"Tôi sợ không biết các phường có đi xe đạp để tuần tra nữa hay không. Giờ đây xã hội công nghệ thông tin, mình chỉ đi cho hay chứ tội phạm giờ đi phân khối lớn, làm sao mà đi xe đạp được", thượng tá Hà nêu.

Nếu nhìn thấy một tên cướp, vậy công an đi xe đạp thì làm sao mà đuổi bắt được khi chúng đi xe máy, ông Hà đặt câu hỏi. Đó cũng là mối lo của thượng úy Hoàng Văn Huấn, Phó trưởng công an phường Lê Lợi (TP Vinh - Nghệ An).


6 trong tổng số 8 xe được cấp của công an phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An; trong đó có 3 xe còn nguyên tem cơ sở sản xuất, nilon bao bọc khung và chỗ ngồi phía sau vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: P.H

6 trong tổng số 8 xe được cấp của công an phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An; trong đó có 3 xe còn nguyên tem cơ sở sản xuất, nilon bao bọc khung và chỗ ngồi phía sau vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: P.H

Thượng úy Huấn cho rằng xe đạp chuyên dụng có ưu điểm là khi tuần tra buổi tối sẽ không gây tiếng ồn, thuận tiện cho việc đi vào các ngõ ngách của các khu dân cư và nâng cao sức khỏe, tạo sự thân thiện với người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại tồn tại rất nhiều nhược điểm như không phù hợp, thuận tiện để phục vụ tuần tra; hạn chế thời gian và có nhiều bất cập khác.

Một vị lãnh đạo Công an phường ở TP Vinh xin giấu tên chia sẻ: Thực chất những người làm trong ngành công an như chúng tôi cũng thừa nhận việc nhà tài trợ quan tâm, cung cấp xe đạp, trang thiết bị cho anh em là rất cảm ơn. Điều này là không phủ nhận nhưng nói thật là thời đại ngày nay ai đi xe đạp để tuần tra nữa.

"Kể cả địa bàn Hà Nội có nhiều ngõ ngách cũng không phù hợp chứ đừng nói đến nơi có đường sá rộng như TP Vinh. Tuy nhiên, chẳng nhẽ họ cho mà mình không nhận thì không được. Còn tôi thẳng thắn nói việc tuần tra bằng phương tiện này là không phù hợp, không hiệu quả và hợp lý chút nào cả", ông nói.

Còn trung tá Trần Việt Thắng, Trưởng công an phường Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An) cũng cho rằng, xe đạp tuần tra sử dụng không hiệu quả, không hợp lý cũng như phù hợp tình hình an ninh trật tự, địa hình của phường. Vị này cho biết, địa bàn phường Hưng Dũng có 20 khối, dân số khoảng gần 30.000 nhân khẩu trong đó có 12.000 người tạm trú.

"Địa bàn rộng như vậy nên việc tuần tra chúng tôi phải sử dụng nhiều lực lượng như công an, dân quân, bảo vệ dân phố. Chẳng lẽ công an đi xe đạp mà những người khác lại đi xe máy. Đây rõ ràng là không hợp lý, chưa kể việc đi xe đạp gặp tội phạm thì sẽ phản ứng không kịp", ông Thắng cho hay.

Trong khi đó, vị Phó giám đốc công an Hà Nôi, đại tá Đào Thanh Hải cho rằng, đặc thù địa bàn thủ đô có các ngõ, ngách nhỏ, phố phường nhiều điểm giao cắt khiến việc di chuyển bằng ôtô, xe máy đi làm nhiệm vụ của cảnh sát trật tự gặp khó khăn, hiệu quả công việc không như mong muốn. "Tuần tra bằng ôtô chỉ vào được các đường lớn, còn ngõ nhỏ gặp khó. Xe công an phường đến thì họ dẹp bàn ghế lấn chiếm, vừa đi khỏi thì người dân, hộ kinh doanh lại vi phạm", ông Hải chia sẻ.

Ngoài ra, cảnh sát sử dụng xe đạp chuyên dụng đi tuần tra kiểm soát, tuyên truyền sẽ giúp anh em thân thiện với người dân hơn, có điều kiện thăm hỏi bà con sinh sống trên địa bàn, nắm bắt tình hình.

Theo đại tá Nguyễn Xuân Đình – Trưởng phòng Cảnh sát trật tự Công an Hà Nội, việc các đơn vị không sử dụng xe đạp thường xuyên là cá biệt, ở các quận ngoại thành. “Cán bộ chiến sĩ công an các phường nội thành vẫn đạp xe đều, không phải ở đâu cũng như phản ánh”.

Theo Zing