Hiệp định thương mại tự do VN - EU (EVFTA) vừa kết thúc vòng đàm phán cuối cùng với những cam kết chắc chắn từ hai phía. Theo đó, VN và EU sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế nhập khẩu. Ngay khi hiệp định có hiệu lực (có thể vào cuối năm 2015 hoặc đầu 2016 - PV) VN sẽ mở cửa 65% dòng sản phẩm cho EU và ngược lại EU mở 71% dòng sản phẩm cho thị trường VN. Điểm đáng chú ý, thuế suất với ô tô nhập khẩu sẽ được xóa bỏ sau 10 năm về mức 0%. Riêng loại có động cơ lớn hơn 3.000 cc (với động cơ xăng) hoặc lớn hơn 2.500 cc (với động cơ diesel) sẽ được gỡ bỏ thuế quan sớm hơn 1 năm (tức 9 năm).

 

Người tiêu dùng đang mong muốn giá thấp hơn

 

Tại thị trường VN, hiện nay xuất hiện khá nhiều tên tuổi, thương hiệu xe nổi tiếng đến từ châu Âu như: Audi, BMW, Mercedes-Benz, Renault, Land-Rover, Porsche... Phần lớn các hãng đều thâm nhập thị trường bằng con đường nhập khẩu, trừ một số ít hãng có cơ sở lắp ráp ở trong nước. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, với cam kết trên người tiêu dùng đang rất kỳ vọng thời gian tới giá xe hơi nhập khẩu từ khu vực châu Âu sẽ giảm nhanh. “Tất cả các dòng xe được nhập về từ trước đến nay giá vẫn cao ngất ngưởng, gấp 2 - 3 lần các nước trong khu vực. Người tiêu dùng đang mong muốn một mức giá thấp hơn đi cùng với chất lượng tốt hơn”, ông Thanh nói.

"Nếu giảm thuế suất nhập khẩu từ 60% xuống còn 40%, nhưng đồng thời lại tăng thuế TTĐB từ 40% lên 60% thì giá xe cũng chẳng có gì thay đổi. Người tiêu dùng không được lợi gì."

TS Ngô Trí Long - chuyên gia tài chính

 

Tuy nhiên, với thời hạn cắt giảm thuế suất nhập khẩu về 0% trong 10 năm và trước đó một loạt các hiệp định thương mại tự do giữa VN - ASEAN, VN - Hàn Quốc, kể cả WTO đã được ký kết, ông Thanh cho rằng giá các dòng xe này sẽ bị bão hòa, cạnh tranh gay gắt. Đối với cam kết trong WTO, tất cả các loại ô tô sẽ phải cắt giảm thuế suất xuống 70% sau 7 năm gia nhập, tức năm 2014. Và đến năm 2017, thuế suất áp dụng chỉ còn khoảng 47%. Mức thuế này tiếp tục được cắt giảm cho đến năm 2019.

Còn theo lộ trình giảm thuế đến năm 2018, một số dòng xe nhập khẩu thuộc khối ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Lào, Myanmar và Campuchia sẽ có mức thuế ưu đãi đặc biệt 0%.

Thuế tiêu thụ đặc biệt rục rịch tăng

Thế nhưng, rào cản lớn nhất cho việc giảm giá xe hơi nhập khẩu từ EU nằm ở việc điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong thời gian tới. Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay phương án sửa đổi chính sách về thuế TTĐB, thuế thu nhập DN đối với ngành công nghiệp ô tô đã cơ bản hoàn thiện. Theo đó, mức thuế TTĐB đối với ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi sẽ có thể được điều chỉnh tăng cao hơn so với mức hiện hành (hiện có 3 mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô du lịch 9 chỗ ngồi trở xuống gồm: 45% cho xe có dung tích dưới 2.0 lít, 50% cho xe từ 2.0 đến 3.0 lít và trên 60% cho các dòng xe trên 3.0 lít - PV). “Hiện nay Bộ Tài chính đã cơ bản xây dựng xong phương án sửa đổi và đang chuẩn bị xin ý kiến của các bộ, ngành có liên quan để trình các cơ quan cấp trên cho ý kiến”, ông Thi cho biết.

Chuyên gia tài chính TS Ngô Trí Long cho rằng, việc giảm thuế suất nhập khẩu các dòng xe từ châu Âu sẽ không tác động lớn tới giá xe nếu cùng với đó Bộ Tài chính lại tăng thuế TTĐB lên. Bởi thực tế, trong cơ cấu giá xe nhập khẩu, hai dòng thuế này có mức thuế suất cao nhất, tác động lớn nhất tới giá thành. “Nếu giảm thuế suất nhập khẩu từ 60% xuống còn 40%, nhưng đồng thời lại tăng thuế TTĐB từ 40% lên 60% thì giá xe cũng chẳng có gì thay đổi. Người tiêu dùng không được lợi gì”, TS Long nói.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Thanh nhận định chính việc giảm thuế nhập khẩu sẽ tác động đến ngành sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. “Giảm thuế để ngành công nghiệp ô tô trong nước thấy rằng họ phải thay đổi, phải tái cơ cấu. Nếu không làm được, không cạnh tranh được thì xóa bỏ. Giảm thuế để người tiêu dùng được mua xe tốt, phù hợp với nhu cầu của mình...”, ông Thanh phân tích.

 

Theo Anh Vũ

Thanh Niên