Kinh tế tăng trưởng cao, nhu cầu ô tô cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao, trong khi các chính sách thuế tương đối ổn định được cho là những nguyên nhân chính giúp thị trường ô tô Việt Nam lập kỷ lục mới về doanh số một cách ngoạn mục trong năm 2015.

Theo số liệu thống kê được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố ngày 11/1, doanh số bán của toàn thị trường ô tô Việt Nam (gồm cả xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc) năm 2015 đạt 244.914 xe, tăng 55% so với năm 2014 và bỏ xa kỷ lục cũ (khoảng 160.000 xe năm 2009). Như vậy, thị trường ô tô Việt Nam đã tăng gấp 2,7 lần chỉ trong 3 năm qua, từ mức hơn 92.000 xe của năm 2012.


Kia Morning lập kỷ lục doanh số với hơn 8.000 xe bán ra.

Kia Morning lập kỷ lục doanh số với hơn 8.000 xe bán ra.

Tính theo phân khúc, xe du lịch tăng 44% đạt 143.392 xe; xe thương mại tăng 74% đạt 89.327 xe và xe chuyên dụng tăng 105% đạt 12.195 xe. Nếu tính theo nguồn gốc, xe sản xuất lắp ráp trong nước năm qua đạt 173.040 xe, tăng 48% so với năm trước; xe nhập khẩu đạt 71.874 xe, tăng 74% so với năm 2014. Trường hợp tính theo thành viên VAMA, các doanh nghiệp thành viên VAMA bán 208.568 xe, tăng 56% so với năm trước; các thành viên ngoài VAMA bán gần 40.000 xe còn lại, trong đó đứng đầu là thương hiệu Hyundai do Hyundai Thành Công lắp ráp và nhập khẩu nguyên chiếc.


Doanh số bán từng tháng và cả năm 2015, tính theo nguồn gốc xe.

Doanh số bán từng tháng và cả năm 2015, tính theo nguồn gốc xe.

Tính theo từng thành viên VAMA có công khai số liệu bán hàng, sự tăng trưởng như vũ bão của Trường Hải (Thaco) không chỉ giúp doanh nghiệp này tiếp tục dẫn đầu ở doanh số cộng dồn mà còn tạo khoảng cách rất lớn với đơn vị đứng thứ hai, dù chỉ mới là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu thị trường.


Mazda3 dẫn đầu phân khúc C ngoạn mục.

Mazda3 dẫn đầu phân khúc C ngoạn mục.

Cụ thể, năm qua Thaco bán ra tới 80.421 xe các loại, tăng đúng 90% so với năm trước đó. Trong số này mảng xe du lịch với các thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot đều tăng trưởng rất ngoạn mục để tạo ra một thế lực có thể cạnh tranh ngang ngửa với những thương hiệu dẫn đầu thị trường. Với 21.310 xe bán ra, Kia đứng đầu với mức tăng tương đương mức tăng chung 90% của Thaco; trong khi Mazda tăng mạnh hơn với tỷ lệ 116%, đạt 20.359 xe; Peugeot có doanh số gấp hơn 5 lần năm trước, dù mức tuyệt đối vẫn khiêm tốn ở trên 540 xe. Các mức tăng trưởng ấn tượng này nhờ hàng loạt sự bùng nổ của các mẫu xe Kia như Morning, Rio, K3, Sorento, Sedona…, các mẫu xe Mazda như Mazda3, CX-5, Mazda2, BT-50, Mazda6; xe Peugeot như 3008, 508…


Toyota Vios vẫn là xe du lịch bán chạy nhất VAMA.

Toyota Vios vẫn là xe du lịch bán chạy nhất VAMA.

Vẫn đứng thứ hai về doanh số và đứng đầu về xe du lịch nhưng vị trí của Toyota đang có sự đe dọa nghiêm trọng khi thương hiệu xe Nhật chỉ đạt 50.285 xe bán ra trong năm 2015 vừa qua, tăng 23% so với năm trước – mức tăng chưa bằng một nửa mức tăng chung toàn thị trường. Dù mẫu xe chủ lực Vios lập kỷ lục mới về doanh số cho riêng mình và vẫn dẫn đầu VAMA nhưng nhiều mẫu xe khác như Corolla Altis hay Camry lại không được như kỳ vọng.

Vị trí thứ 3 khá vững chắc của Ford được duy trì khi liên doanh xe Mỹ đạt mức tăng 48% để đạt 20.740 xe bán ra, mức kỷ lục ấn tượng trong dịp kỷ niệm 20 năm có mặt tại Việt Nam. 3 mũi chủ công là Ranger, Transit và EcoSport giúp Ford lập kỷ lục mới tại Việt Nam, trong đó Ranger tăng ngoạn mục nhất, hai tháng cuối năm vươn lên dẫn đầu thị trường ô tô Việt Nam.


Ford Ranger làm mưa làm gió trên thị trường ô tô Việt Nam 2015.

Ford Ranger "làm mưa làm gió" trên thị trường ô tô Việt Nam 2015.

Ngoại trừ mẫu Odyssey mới chỉ trưng bày, Honda không có xe hoàn toàn mới trong năm qua. Tuy nhiên nỗ lực làm mới mẫu xe nhỏ City với trang bị nhiều hơn, giá chỉ tăng nhẹ, đã góp phần không nhỏ giúp Honda đứng ở vị trí thứ 4 về doanh nghiệp và thứ 5 về thương hiệu của mảng xe du lịch trong VAMA năm qua, với mức tăng 28%, đạt 8.312 xe bán ra.


Honda City được làm mới.

Honda City được làm mới.

Sau nhiều năm đầu tư cho việc hoàn thiện hệ thống, GM đã có được mức tăng trưởng ấn tượng 43%, đạt 7.345 xe bán ra trong năm qua. Cruze và Spark (gồm cả xe Van) là hai mẫu xe chủ lực tạo ra mức tăng cao của GM trong năm qua, trong khi mẫu xe mới Colorado được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong năm 2016 này.


Cruze 2015 - xe chủ lực về doanh số của GM Việt Nam.

Cruze 2015 - xe chủ lực về doanh số của GM Việt Nam.

Cùng đạt khoảng 5.900 xe bán ra nhưng các thương hiệu có xe tải là chủ đạo như Suzuki và Hino có mức tăng tương ứng 34% và 114% so với năm 2014. Nhu cầu phục vụ sản xuất tăng cao, đặc biệt ảnh hưởng bởi chính sách siết chặt tải trọng, đã khiến nhiều mẫu xe tải rơi vào tình trạng cháy hàng trong năm qua.

Với chính sách “chỉ nhập” để đảm bảo sự tồn tại và tối đa hóa lợi nhuận, Mitsubishi đã đi đúng xu hướng của thị trường nên đã đạt mức tăng tới 80% so với năm trước với 4.145 xe bán ra. Doanh số bán các mẫu xe Mitsubishi dàn khá đều, với hơn 900- 1.000 xe mỗi mẫu Pajero Sport , Triton và Attrage, gần 700 xe với Mirage và 550 xe với Outlander Sport.


Mercedes có được sự tăng trưởng cao nhờ sự đa dạng hóa sản phẩm.

Mercedes có được sự tăng trưởng cao nhờ sự đa dạng hóa sản phẩm.

Ở mảng xe sang thuộc VAMA, sự đa dạng mẫu xe mới đã giúp Mercedes có được mức tăng tới 55%, đạt 4.361 xe bán ra trong năm 2015 vừa qua. Trong số này, các mẫu xe du lịch, xe thể thao đa dụng chiếm đại đa số với gần 3.600 xe bán ra, còn lại xe tải với gần 800 xe.

Về phần mình, Lexus có mức tăng trưởng ngoạn mục với mức tăng tới 150% so với năm trước, đạt 961 xe bán ra. Sự xuất hiện của đại lý thứ hai và là đại lý đầu tiên tại khu vực phía Bắc – Lexus Thăng Long- đã góp phần quan trọng giúp Lexus thăng hoa. Ngay trong năm đầu xuất hiện, doanh số bán của đại lý này đã vượt qua đại lý Lexus Sài Gòn.


Lexus NX 200t tại Việt Nam.

Lexus NX 200t tại Việt Nam.

Theo Hữu Thọ

VnMedia