Sau khi quy định xe ô tô con phải có bình chữa cháy có hiệu lực, nhiều người dân đổ xô đi mua bình cứu hỏa mini để tránh bị công an xử phạt. Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm khẳng định: Vẫn đăng kiểm mà không quan tâm có bình chữa cháy hay không.
Trước nỗi lo của nhiều người dân về việc ô tô không có bình cứu hỏa sẽ không được đăng kiểm, ông Nguyễn Hữu Trí- Phó Cục trưởng Đăng kiểm cho hay: Trong các hạng mục kiểm tra hiện nay đối với xe con dưới 9 chỗ ngồi không có phần nào yêu cầu kiểm tra bình cứu hỏa. “Sau khi kiểm tra lại các quy định pháp luật, chúng tôi đã phổ biến cho các trung tâm đăng kiểm tiếp tục đăng kiểm, không bắt buộc các xe dưới 9 chỗ phải có bình cứu hỏa mà chỉ thông báo cho chủ phương tiện biết có quy định phải lắp bình cứu hỏa”, ông Trí nói.
Để bình cứu hỏa trong xe con rất nguy hiểm
Liên quan đến sự cần thiết của bình cứu hỏa đối với xe ô tô, ông Trí cho rằng: Bình cứu hỏa là cần thiết khi xảy ra cháy. Tuy nhiên phải có quy định cụ thể, nếu không sẽ phản tác dụng. Thứ nhất, với quy định xe ô tô con phải có bình cứu hỏa tối đa 5 lít (không quy định tối thiểu), chủ xe sẽ trang bị các bình cỡ nhỏ để đối phó. Trong khi đó, đặc thù của một vụ cháy ô tô, theo ông Trí, thường xảy ra ở bộ phận máy dưới nắp ca-pô hoặc gầm xe nên bình dung tích nhỏ khó có tác dụng. Thậm chí, vụ cháy ô tô dễ dẫn đến nổ bình xăng, với bình chữa cháy nhỏ phải tiếp cận gần hiện trường, lúc đó sẽ rất nguy hiểm.
“Về lý thuyết chế tạo ô tô, các nhà sản xuất hiện nay hướng đến việc chế tạo bằng các vật liệu ngăn không cho vụ cháy lan nhanh. Với ô tô con, rất ít nhà sản xuất trang bị bình cứu hỏa. Việc trang bị bình cứu hỏa chủ yếu trang bị cho xe khách, phương tiện có thể mang theo bình cứu hỏa lớn và cũng chỉ nhằm mục đích ngăn vụ cháy lan nhanh để khách thoát nạn” – ông Trí nói.
Ông Trí cũng cho biết, việc Bộ Công an không quy định cụ thể vị trí lắp bình cứu hỏa sẽ dễ phát sinh nguy hiểm. “Nếu không lắp đặt vị trí an toàn, khi phanh dồn, người trong xe có thể dễ va vào bình cứu hỏa gây chấn thương. Như hướng dẫn của đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), bình cứu hỏa có thể dắt vào hộc cửa xe sẽ rất nguy hiểm. Bình có thể va chạm, dễ bị nổ; nếu bình cứu hỏa lăn ra ngoài, chèn vào chân phanh sẽ hết sức nguy hiểm” – ông Trí phân tích.
Một đại diện Vụ An toàn giao thông của Bộ GTVT cũng cho hay, với khí hậu Việt Nam, khi xe để ngoài nắng, nhiệt độ có thể lên đến 50, thậm chí 70 độ C, khả năng cháy nổ cao. Trước đó, vào tháng 10/2015, khi góp ý cho dự thảo thông tư quy định về vấn đề này của Bộ Công an, Bộ GTVT cho rằng: “Việc lắp đặt thêm phương tiện phòng cháy và chữa cháy lên các xe không có sẵn vị trí lắp đặt sẽ có thể ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe hoặc không đảm bảo khả năng phòng cháy, chữa cháy”.
Chiều 7/1, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, trong vài ngày gần đây, lượng người đổ xô tới những khu phố bán bình cứu hỏa mini ở Hà Nội, như: Khâm Thiên, Yết Kiêu, chợ trời (Nguyễn Công Trứ, Hà Nội)… đông hơn rất nhiều thường lệ. Chưa kể việc ra bán loại bình cứu hỏa này trên mạng rôm rả không kém.
Liên ngành chịu trách nhiệm chất lượng bình
Theo chuyên gia chăm sóc xe và an toàn ô tô, ông Trần Hồng Ninh (Tổng GĐ Bệnh viện Ô tô) cho biết, lo ngại nguy cơ cháy nổ của người sử dụng xe là có thực, bởi điều kiện khách quan (khí hậu nhiệt đới) và chủ quan (thị trường cung cấp bình cứu hỏa chưa đảm bảo chất lượng). “Quy định của Bộ Công an cần làm rõ nên đặt ví trí nào cũng như tiêu chí đối với bình cứu hỏa ra sao để không trở thành nguy cơ cháy nổ như lo ngại của người sử dụng xe”, ông Ninh cho biết.
Còn Đại tá Đoàn Hữu Thắng-Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: Khi dự thảo thông tư đã tính toán đến việc nguy cơ cháy nổ phương tiện trong tham gia giao thông. Thống kê trong vài năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 120 vụ cháy xe ô tô và hơn 60 vụ liên quan đến xe máy. Việc ban hành chính sách này nhằm đảm bảo an toàn người tham gia giao thông cũng như an toàn phòng chống cháy nổ cho xã hội.
Khi được hỏi về lo ngại bình chữa cháy nguy cơ nổ trong mùa hè, hoặc chịu tác động va đập, ông Thắng thừa nhận vấn đề này. Ông cho biết, về lý thuyết, bình chữa cháy vẫn có thể nổ trong một số điều kiện nhất định liên quan đến áp suất và tác động vật lý. “Nếu bình chữa cháy không đúng tiêu chuẩn và không được kiểm định vẫn có thể nổ. Bình chữa cháy được kiểm định chất lượng và đúng tiêu chuẩn luôn có van xả trong trường hợp tác động làm thay đổi áp suất trong bình vượt quá ngưỡng cho phép”, ông Thắng nêu.
Vậy làm sao để người dân mua bình đúng chất lượng, ông Thắng cho biết, Cục sắp đưa thông tin bình chữa cháy đảm bảo chất lượng lên trang chủ để người dân nắm bắt, thực hiện. “Việc kiểm soát chất lượng bình là của nhiều cơ quan liên ngành, không riêng gì lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy”, ông Thắng nói. Ông cũng nói rằng, Thông tư ban hành từ cuối tháng 10/2015, đến ngày 6/1 vừa rồi mới có hiệu lực. Theo quy định đã có thể xử phạt, nhưng vẫn chưa phạt mà chỉ nắm bắt tình hình, tuyên truyền cho người dân hiểu và thực hiện để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Chưa phát hiện lợi ích nhóm
“Chúng tôi không khẳng định là không có lợi ích nhóm trong việc ban hành chính sách này. Tuy nhiên, đến lúc này Cục chưa phát hiện được lợi ích nhóm” - Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nói.
Theo Tiền Phong