Theo số liệu mới nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã khiến địa phương này thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng. Trong khi đó, thống kê từ 8 doanh nghiệp có thị phần bảo hiểm lớn, số tiền bồi thường cho những khách hàng tham gia bảo hiểm chỉ đạt trên 14 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 1% thiệt hại khổng lồ nêu trên.

Riêng trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, các công ty bảo hiểm cho biết có tới hàng nghìn chiếc xe ô tô bị hư hại do ngập nước, thủy kích nhưng tỷ lệ bồi thường cũng rất thấp do chủ xe không mua bảo hiểm vật chất hoặc không chọn mua thêm điều khoản về ngập nước, thủy kích. Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện PTI cho biết họ đang tiến hành bồi thường cho gần 40 chủ xe với số tiền khoảng hơn 1 tỷ đồng, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) bồi thường hơn 800 triệu đồng cho 13 xe bị thiệt hại...

Số liệu cập nhật của Bảo hiểm Bảo Việt cho biết số xe bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua mới chỉ ghi nhận ở Quảng Ninh có 30 xe, tổng thiệt hại được bảo hiểm chi trả khoảng hơn 400 triệu đồng, trong đó thiệt hại đa phần đều do ngập nước vào trong xe nên số tiền bồi thường không lớn. Trong số này, có 10 xe bị hư hỏng máy do bị hiện tượng thủy kích. Đây là hiện tượng nước lọt vào động cơ qua đường hút gió, làm cong, gãy tay biên, trục khuỷu hoặc thậm chí vỡ lốc máy.

Đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, số tiền bồi thường cho xe bị thủy kích có thể lên tới hàng tỷ đồng (ví dụ trường hợp ngập nước của xe May Bach xảy ra năm 2012 đã được Bảo hiểm Bảo Việt bồi thường hơn 5 tỷ đồng), trong khi với các xe thông dụng thì số tiền thiệt hại cũng khoảng hơn 50 triệu đồng. Trong khi đó, phí bảo hiểm cho rủi ro thủy kích khoảng 0,1-0,3% giá trị xe, với xe giá trị 500 triệu đồng thì phí bảo hiểm chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng.

“Chủ xe ô tô nên mua bảo hiểm vật chất xe có kèm điều khoản bảo hiểm ngập nước, thủy kích bởi phí bảo hiểm nộp thêm cho tình huống thiệt hại do ngập nước vào khoảng 1triệu đồng /xe/năm là không đáng kể so với thiệt hại nếu xe bị ngập nước. Đó là cách phòng ngừa rủi ro và giảm thiểu thiệt hại về tài chính cho chủ xe ” – một cán bộ nghiệp vụ Bảo hiểm Bảo Việt, cho biết.

Cũng theo các chuyên gia bảo hiểm, để hạn chế thiệt hại xe thì khi trời mưa to, tốt nhất chúng ta không nên di chuyển xe ra đường vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trong những trường hợp bất đắc dĩ xe lưu thông vào vùng ngập nước, khi có dấu hiệu giật tắt máy hoặc tắt máy đột ngột thì chủ xe nên ngừng vận hành xe hoàn toàn, chủ xe tuyệt đối không thử đề máy trở lại để cố cho xe vận hành qua khu vực ngập nước. Điều đó sẽ hạn chế những thiệt hại hư hỏng đáng tiếc.

Trong trường hợp gặp sự cố, chủ xe gọi ngay đường dây nóng của của các doanh nghiệp bảo hiểm để được tư vấn xử lý tại chỗ ngay lập tức và nhận được hỗ trợ trong thời gian nhanh nhất.

Theo Dương Vũ - VnMedia