Sẽ chứng kiến làn sóng tăng giá xe

Khảo sát tại thị trường Hà Nội cho thấy, các cửa hàng bán xe đều tính theo USD (giá thị trường tự do). Vì vậy, khi quy đổi ra VND, tất cả các mẫu xe bán ra giá đều tăng. Không những thế, giá bán tính bằng USD cũng tăng từ 3-5% so với trước. Với các mẫu xe có giá trị từ 150.000 USD trở lên, giá đang tăng so với trước từ 100 triệu tới trên 200 triệu đồng, tùy loại. Giá xe cũng không thống nhất.

Cùng một mẫu xe, nhưng giá giữa các cửa hàng cũng chênh nhau tới cả chục triệu đồng. Ngay cả các mẫu xe nhập khẩu từ châu Âu cũng bị đẩy giá lên, với lý do là tỷ giá thay đổi. Một DN nhập khẩu ô tô cho biết, giá tính thuế nhập khẩu cũng căn cứ trên tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Vì thế, không chỉ tăng chi phí nhập khẩu mà DN còn tốn thêm một khoản khi đóng thuế, do vậy giá xe bị đội lên càng nhiều.

Tuy nhiên, các DN nhập khẩu xe chính hãng hầu hết vẫn chưa công bố tăng giá, nhưng tất cả đều bỏ ngỏ khả năng tăng giá. Và như vậy, rất có khả năng cuối tháng 9-2015, thị trường sẽ chứng kiến một làn sóng tăng giá xe ô tô. Các DN chính hãng tăng giá sẽ kéo theo các DN không chính hãng tăng giá tiếp. Giấc mơ ô tô giá rẻ tại Việt Nam đã tan.

Mặc dù trên nguyên tắc các giao dịch mua bán ô tô đều tính bằng tiền đồng Việt Nam, tuy nhiên khoản tiền đồng đó thực chất là quy đổi từ USD còn giá xe thật bao giờ cũng tính bằng USD. Với quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá VND thêm 1% so với USD, đồng thời cũng tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%, có hiệu lực từ ngày 19-8, thì chỉ trong vòng 1 tuần, tỷ giá VND so với USD đã tăng thêm mức 3%.

Với mức điều chỉnh này, cũng có nghĩa là hàng hóa nhập khẩu bằng USD chịu chi phí tăng thêm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tỷ giá VND với USD, vào các ngày 7-1-2015 và 7-5-2015 với tổng mức điều chỉnh là 2%. Như vậy, tính từ đầu năm, VND đã mất giá đáng kể so với USD.

Khảo sát trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khi quy đổi ra VND, tất cả các mẫu xe bán ra giá đều tăng. Không những thế, giá bán tính bằng USD cũng tăng từ 3-5% so với trước. Đồng USD tăng giá, trong khi các hoạt động nhập khẩu từ vận chuyển, mua linh kiện lắp ráp… đều dùng USD.

Vì vậy các đơn vị nhập khẩu phải bỏ thêm nhiều tiền đồng Việt Nam hơn để mua USD nhập ôtô về. Từ nguyên nhân trên, khách hàng mua xe qua các đơn vị nhập khẩu phải bỏ ra thêm hàng chục triệu đồng so với lúc USD chưa biến động. Các chi phí này hoàn toàn chưa phải chịu những chế tài mới về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có thay đổi mạnh kể từ 1-2016.

Dự báo thị trường đến cuối năm 2015

Muốn có xe bán ở thị trường Việt Nam thì các  hãng xe hoặc là nhập khẩu nguyên chiếc hoặc là nhập linh kiện về lắp ráp. Kiểu gì cũng phải nhập. Mà nhập khẩu thì luôn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá. Nhà nhập khẩu rất khoái tỷ giá giảm nhưng ở thị trường Việt Nam thì không được như vậy. Tình hình  là giá xe Toyota và các hãng xe khác sẽ tăng từ tháng 9-2015. Nguyên nhân là tỷ giá USD đang tăng mạnh và giá xe Toyota sẽ tăng thêm tối thiểu 3%.

Nếu tỷ giá USD tăng thêm 2% nữa thì chắc chắn giá xe sẽ tăng từ 3%-4% so với giá hiện tại, còn tháng 9 hay tháng 10 áp dụng giá mới thì chưa biết. Các năm gần đây tỷ giá USD thường  tăng chậm và Toyota chỉ tăng giá khi quá sức chịu đựng của mình, giới hạn đó là 2%.

Toyota Việt Nam đã quyết định tăng giá xe 4% áp dụng từ 1-1-2015. Thông báo đã được phát đi cho tất cả đại lý trên toàn quốc. Đối tượng bị ảnh hưởng là khách hàng chuẩn bị mua xe nhưng không có xe giao tháng 9 mà phải ký tháng 10 trở đi. Hoặc nhưng những hợp đồng đã ký trước đây nhưng thời gian giao xe tháng 10 trở đi. Trước đó, chính Toyota Việt Nam và một số hãng lắp ráp đã tăng giá bán xe ô tô.

Các thông cáo cho biết Toyota đã tăng giá từ 100 đến hơn 1.000 USD/một xe cho hầu hết các sản phẩm kể từ đầu tháng 8. Cùng thời gian đó, Honda Việt Nam cũng có sự điều chỉnh giá tương tự đối với xe Civic, trong đó có một phiên bản xe này tăng giá hơn 2.000 USD. Đại diện một showroom ôtô trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM cho hay, các hãng xe sang cũng đã có quyết định tăng giá bán xe. Đại diện các  hãng xe vừa thông báo sắp tới sẽ điều chỉnh mức giá mới. Theo đó, giá những dòng xe cao cấp như BMW, Mercedes… tăng khá mạnh. Cụ thể, một chiếc xe BMW giá từ 100.000 USD trở lên, tăng thêm hơn 3.000 USD/xe.

Tuy nhiên, nhiều DN chính hãng và không chính hãng vẫn chưa thông báo tăng giá. Chưa, không có nghĩa là không tăng. Theo nhiều chuyên gia, với nhiều hãng xe giá xe chưa tăng là do lượng nhập từ đầu tháng 8 về trước, khi tỷ giá chưa bị điều chỉnh, vẫn còn nhiều. Thời gian qua, cũng có một vài đơn vị mong muốn tăng giá, song vẫn nhìn nhau và chờ đợi để đồng loạt tăng.

Ngoài ra, đây là thời điểm các DN đang soát xét lại, xem mẫu xe nào cần tăng giá và mẫu nào không phải tăng, sau khi có con số cụ thể mới có ra quyết định chính thức. Thời điểm tăng giá xe có lẽ sẽ diễn ra vào giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới. Nói chưa tăng, nhưng hầu hết các DN đều khẳng định, để đảm bảo được lợi nhuận, một chiếc xe có giá 20.000 USD sẽ tăng thêm 600-1.000 USD, còn với xe sang, có giá trị từ 100.000 USD trở lên, giá sẽ tăng thêm khoảng 3.000 USD/xe.

Làm sao để giảm được giá ô tô?

Không thể. Đó là câu trả lời của tất cả các chuyên gia kinh tế. Trước khi chúng ta cải thiện được hạ tầng giao thông tại các đô thị, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, ô tô cá nhân là mặt hàng không được chính sách hoan nghênh. Chi phí cho việc nhập khẩu và lắp ráp có giảm thì thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng. Không chỉ vì đảm bảo nguồn thu ngân sách mà chủ yếu đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo hạ tầng giao thông đáp ứng với số lượng xe.

Nhưng đó mới là rào cản chính sách. Chi phí cho nhập khẩu và lắp ráp xe ô tô trên thị trường Việt Nam rất khó giảm. Cả nước có hơn 20 DN sản xuất ô tô nhưng trong mấy năm nhưng tỷ lệ nội địa hóa thì đạt cực thấp, đơn cử tại Toyota Việt Nam, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 7%; Suzuki là 3% và Ford Việt Nam là 2%, trong khi lẽ ra các tỷ lệ này phải lần lượt đạt là 30% đối với Toyota và 38,2% đối với Suzuki sau 10 năm đầu tư vào Việt Nam đã được yêu cầu rõ ràng tại Giấy phép đầu tư được cấp lần đầu (năm 1996). Đặc biệt, sản xuất phụ trợ ô tô cũng rất kém phát triển.

Đến nay, cả nước có khoảng 210 DN tham gia sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô nhưng sản phẩm chủ yếu đều là các linh kiện giản đơn, ít bí quyết công nghệ, có giá trị thấp trong cơ cấu nội địa hóa sản phẩm. Công nghệ chủ yếu là lắp ráp, hầu hết không có chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài. Tổng số các DN phụ trợ cũng chưa phải là nhiều, chỉ bằng 1/5 so với Indonesia, 1/8 so với Malaysia và 1/50 so với Thái Lan. Vậy là chủ yếu trông cậy vào nhập khẩu. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta không có cơ tăng được tỷ lệ nội địa hóa, cải thiện được công nghiệp phụ trợ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ khi nào chúng ta có được một hạ tầng giao thông đảm bảo đủ diện tích mặt đường cho ô tô cá nhân hoạt động, rào cản chính sách được gỡ bỏ, giá ô tô cá nhân mới có thể rẻ đi. Hiện nay giá bán xe ô tô cùng loại ở Việt Nam trung bình đắt hơn 2, 3 lần so với Anh, Mỹ. Như vậy, bạn đọc yên tâm đi. 10 năm nữa, chúng ta sẽ có ô tô cá nhân giá rẻ.

Bộ Công Thương đang kiến nghị một biểu thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới 9 chỗ ngồi cao ngất ngưởng. Kỷ lục áp thuế cao nhất thuộc về các siêu xe có dung tích trên 6.0 lít,Bộ Công Thương kiến nghị mức thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 195% (tăng 135% so với mức thuế hiện nay). Những dòng xe có dung tích nhỏ được áp thuế suất thấp, như xe dung tích dưới 1.5 lít, sẽ chỉ áp thuế 30%, giảm 15% so với mức hiện nay.

Xe có dung tích từ trên 1.5-2.0, thuế suất được kiến nghị giữ nguyên 45%. Trái với mong đợi của người tiêu dùng về thuế nhập khẩu các loại đối với ô tô sẽ giảm từ năm 2015 để giá xe ô tô tại Việt Nam không còn đắt đỏ, những chi phí do tỷ giá, do giá USD tăng và thuế sẽ kéo theo giá xe tăng cao.

Theo Đức Phan - An Ninh Thủ Đô