Hãng sản xuất “vỗ tay”

Thông tư số 53, do Bộ GTVT vừa ban hành, quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông đường bộ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12 tới. Theo đó, sẽ yêu cầu các tổ chức, cá nhân, DN bắt buộc bảo dưỡng xe sau một thời gian chạy nhất định.

Quy định bảo dưỡng định kỳ được tính như sau: Đối với ô tô con, đi từ 5.000-10.000 km hoặc thời gian 6 tháng phải bảo dưỡng. Ô tô chở người, ô tô chuyên dùng từ 10 chỗ trở lên: Đi từ 4.000-8.000 km hoặc từ 3-6 tháng. Ô tô tải, ô tô tải chuyên dùng, rơmooc, sơmi rơmooc các loại, ô tô chuyên dùng: Đi từ 4.000-8.000 km thời gian đi từ 3-6 tháng.

Theo Bộ GTVT, quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông do chất lượng phương tiện không bảo đảm, buộc các đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Trao đổi PV.VietNamNet, hầu hết đại diện các DN ô tô tại Việt Nam khi được hỏi đều đồng tình và ủng hộ. Theo đại diện một hãng xe có vốn đầu tư nước ngoài, quy định trên phù hợp với khuyến cáo của nhà sản xuất là chủ xe nên đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ 6 tháng 1 lần. Ở nhiều nước tiên tiến, quy trình bảo dưỡng cũng rất nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông.

Ông cho hay, thông thường 6 tháng một lần, chủ xe vẫn đến các đại lý do nhà sản xuất uỷ quyền để bảo dưỡng, tối thiểu nhất cũng là thay dầu. Khi đó, nhân viên kỹ thuật sẽ tiến hành kiểm tra xe miễn phí. Nếu xe bình thường thì ra về, còn có hỏng hóc, hay có lỗi gì thì sẽ khắc phục và sửa chữa, thay thế kịp thời. Sau khi bảo dưỡng vẫn là nghiệm thu, ghi sổ... vì vậy quy định này ra đời không làm ảnh hưởng hay gây phiền nhiễu, phức tạp gì.

Người có xe lo bị “chém đẹp”

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các chuyên gia về ô tô và người có xe lại không đồng tình với quy định này.

Theo ông Dư Quốc Thịnh, Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam, thì ngay cả các nước tiến tiến, chẳng hạn như CHLB Đức luôn yêu cầu xe ô tô phải chạy với tốc độ rất cao khi tham gia giao thông, cũng không có quy định đó. Họ chỉ yêu cầu kiểm định xe định kỳ, còn bảo dưỡng hay không là quyền của chủ xe.“Nếu xe có các linh kiện hỏng, lỗi, không thay thế, đến kỳ đăng kiểm sẽ không được chấp nhận và như vậy, sẽ không được tham gia giao thông. Thông tư 53 có vẻ đã gây ra sự chồng chéo và gây thêm phiền phức cho người sử dụng xe, nếu có các chế tài đi kèm”, ông Thịnh nhận xét.

Chủ xe lo tốn kém khi bắt buộc phải bảo dưỡng 6 tháng 1 lần.

Chủ xe lo tốn kém khi bắt buộc phải bảo dưỡng 6 tháng 1 lần.

Còn ông Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức, từng là chuyên gia thiết kế định hướng của tập đoàn xe hơi Volkswagen, khẳng định, trên thế giới không có nước nào ban hành quy định kiểu như vậy cả. Theo ông, quy định này chỉ làm lợi cho các nhà sản xuất ô tô, bởi nhiều khi bán xe không có lãi bằng việc bảo dưỡng, thay thế phụ tùng. Vì vậy, các nhà sản xuất đồng tình không có gì phải ngạc nhiên cả, nhưng phía người sử dụng xe sẽ gặp thêm phiền phức và tốn kém.

Ông Nguyễn Thế Hùng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, thắc mắc, vậy những chủ xe không tuân thủ, không thực hiện bảo dưỡng định kỳ có bị làm sao không? Câu trả lời không tìm thấy trong Thông tư 53 do chưa có chế tài.

Nếu bắt buộc phải thực hiện, nhiều người còn lo ngại sẽ bị cơ sở bảo dưỡng “hành”. Trước đây, bảo dưỡng chỉ là khuyến cáo từ nhà sản xuất. Để thu hút khách hàng mang xe vào xưởng, họ thường kiểm tra miễn phí nhiều hạng mục. Nay bắt buộc bảo dưỡng, nhà sản xuất có duy trì như vậy không hay sẽ tính phí? Hoặc, để moi tiền khách hàng, người ta sẽ tìm đủ lỗi để bắt khách phải thay linh kiện mới, sẽ rất mệt mỏi - anh Hoàng Trung, Lò Đúc, Hà Nội, người đang chạy một chiếc xe Ford, đặt câu hỏi.

Hiện chi phí thay phụ tùng của khi sửa chữa bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam khá cao. Một chiếc vành đúc 16 inch nhập từ Trung Quốc có giá 600.000 đồng có thể bị nâng lên gấp 2-3 lần. Rõ ràng, nỗi lo bị "chém đẹp" mỗi khi đưa xe vào xưởng bảo dưỡng định kỳ đang hiển hiện với nhiều người.

Theo Trần Thủy

Vef