Thông tin mới được đăng tải về việc bộ Giao thông vận tải đang tiến hành sửa đổi, bổ sung thông tư 46, trong đó bổ sung chương trình đào tạo và cấp giấy phép lái xe số tự động cho người dân, đã làm nổ ra cuộc tranh cãi về việc có cần thiết phải có bằng lái xe số tự động ở Việt Nam hay không.

Thực tế, nhu cầu sử dụng xe số tự động là tất yếu và phổ biến của người dân và ngày càng có nhiều người sử dụng xe số tự động vì tính tiện lợi và ưu việt của nó so với xe số sàn. Việc bộ Giao thông vận tải xét thấy cần thiết phải có giấy phép lái xe riêng cho loại xe này cũng là điều dễ hiểu.

Theo bộ Giao thông vận tải, những người muốn điều khiển ôtô số sàn vẫn được đào tạo và cấp giấy phép lái xe hạng B1, B2 như hiện nay. Người được cấp giấy phép lái xe số sàn được phép điều khiển cả xe số tự động, tuy nhiên, người được cấp bằng lái xe số tự động sẽ không được phép lái xe số sàn.

Nếu người có bằng lái xe số tự động muốn chuyển sang xe số sàn thì sẽ phải học và thi lấy giấy phép. Trường hợp có giấy phép số tự động, nhưng lại điều khiển xe số sàn, sẽ bị xử lý.

Nhìn rộng ra trên thế giới, có rất nhiều quốc gia cũng cấp bằng lái riêng cho người học, thi và sử dụng xe số tự động. Quy định cho loại bằng lái xe số tự động cũng tương tự như đề xuất của Bộ giao thông vận tải Việt Nam.

Ở châu Âu, các quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Nauy, Italia đều có quy định cho phép cấp phép cho người lái xe số tự động. Ở châu Á, Nhật Bản đã áp dụng loại bằng lái xe số tự động từ lâu. Chi phí học và thi cho xe số tự động thậm chí còn rẻ hơn cho xe số sàn.

Đất nước cùng khu vực Asean với Việt Nam là Malaysia cũng áp dụng bằng lái xe số tự động từ tháng 4/2014. Việc áp dụng sát hạch và cấp bằng lái xe số tự động được coi là khuyến khích việc lái xe đúng luật và nhã nhặn cho người tham gia giao thông. Mục tiêu của bằng lái xe mới là nhắm tới đối tượng đông đảo hơn, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi được có bằng lái xe và tham gia giao thông bằng xe số tự động.

Có thể thấy, việc áp dụng cấp bằng lái xe số tự động ở nhiều quốc gia là nhằm mục tiêu tăng số lượng người được cấp bằng lái xe đúng luật, giúp người dân có thể dễ dàng thi đỗ bằng lái xe và được điều khiển xe trên đường. Việc thi lấy bằng lái xe ở nhiều quốc gia rất nghiêm ngặt và khó khăn. Tại Anh Quốc, đã có trường hợp một cô gái thi bằng lái xe 14 năm không đỗ và tốn khoản tiền tương đương tới 160 triệu đồng.