Qua thống kê cho thấy, một số Gen Z Trung Quốc vay hơn 300 nghìn tệ (tương đương 1,05 tỷ đồng) để trả góp tiền mua xe hơi sang trọng; một số thậm chí có khoản nợ lên đến hơn 1 triệu tệ (tương đương 3,5 tỷ đồng) chỉ để mua hàng xa xỉ.

Nhiều lần tự tử vì không trả hết nợ

Tiểu Lưu (tên nhân vật đã được thay đổi), 20 tuổi, sinh viên Học viện Kinh doanh và Công nghệ Trịnh Châu, Trung Quốc là 1 trong những con nợ "có thâm niên". Sau khi lên đại học, cô gái bắt đầu "làm quen" với thẻ tín dụng và coi đó là phao cứu sinh của cuộc đời.

Vào tháng 1/2019, Tiểu Lưu đã vay trực tuyến từ 1 công ty thẩm mỹ để thực hiện liệu trình điều trị mụn 3.000 tệ (tương đương 10,5 triệu đồng)/năm. Nhân viên giới thiệu cho cô khoản vay được chia thành 12 đợt, mỗi đợt 400 tệ (tương đương 1,4 triệu đồng), có bao gồm cả lãi suất.

"Chi phí sinh hoạt của tôi vào thời điểm đó là 1.200 tệ (tương đương 4,2 triệu đồng) mỗi tháng, nên thiết nghĩ chia nhỏ ra trả sẽ không có vấn đề gì." - Tiểu Lưu nói.

Nhưng chỉ nửa năm sau, cô gái sa đà vào mua sắm để rồi mỗi nơi nợ 1 ít, cộng gộp lại cũng trên dưới 50.000 tệ (tương đương 175 triệu đồng).

Trào lưu tiêu tiền không nhìn ví của Gen Z xứ Trung: Sự thật phía sau những màn chốt đơn chẳng phải nghĩ, lương tháng 14 triệu vẫn mạnh dạn mua hẳn siêu xe - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hình thức phổ biến nhất mà những kẻ đòi nợ sử dụng là quấy rối người trong danh bạ điện thoại của con nợ. Sau khi khoản vay quá hạn, cô nhận được cuộc gọi đòi nợ đầu tiên: "Phải trả hết trong vòng 3 ngày, nếu không sẽ khủng bố danh bạ điện thoại." Tiểu Lưu tuyệt vọng nên chọn cách "vay chỗ này để đập vào chỗ kia". Song tình hình không khá lên mà ngày càng tồi tệ hơn khi tiền lãi cứ chồng lên ngày một dày.

Trong những nơi cô vay, có 1 nền tảng trực tuyến tên LeLeDai, vay 5.000 tệ (tương đương 17,5 triệu đồng), lãi 36% và còn phải nộp thêm 1.080 tệ (3,8 triệu đồng) phí thủ tục.

"Đến ngày đáo hạn, bên cho vay thi nhau gọi điện tới, thậm chí họ còn gọi điện đe dọa bạn bè tôi, nhưng tôi không dám báo cảnh sát."

Trào lưu tiêu tiền không nhìn ví của Gen Z xứ Trung: Sự thật phía sau những màn chốt đơn chẳng phải nghĩ, lương tháng 14 triệu vẫn mạnh dạn mua hẳn siêu xe - Ảnh 2.

Cô gái chìm vào trong bóng tối của nợ nần, cuối cùng quyết định tự tử nhưng bất thành (Ảnh minh họa)

Vài năm sau đó, khoản nợ khổng lồ vẫn đè nặng lên vai cô, cho đến đỉnh điểm cả gốc lẫn lãi cộng vào đã hơn 1,1 triệu tệ (tương đương 3,8 tỷ đồng).

Theo quyết định của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc về sửa đổi một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật trong phiên tòa của các trường hợp khoản vay tư nhân, số tiền lãi vượt quá mức các khoản vay trong ngân hàng tương ứng với cùng thời kỳ sẽ bị coi là "tín dụng đen". Nhưng nếu khởi tố thì người bất lợi sẽ là Tiểu Lưu, vì chính cô là người đi vay và không trả đủ tiền lãi đúng hạn.

Do bị công ty đòi nợ quấy rối trong thời gian dài, Tiểu Lưu sau đó mắc bệnh tâm thần nặng, gia đình cô đành phải thương lượng riêng với công ty cho vay và trả nợ gốc cùng 1 phần lãi. Nhưng dẫu vậy, gia đình cô mãi vẫn chưa thể trả hết nợ.

Vay tín dụng mua xe sang sống ảo

A Lâm, 20 tuổi, làm việc trong 1 tiệm cắt tóc ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc. Dù lương tháng chưa đến 4.000 tệ (tương đương 14 triệu đồng) nhưng anh chàng luôn đưa bạn gái đến những nơi sang trọng, tiêu tiền như nước. Chỉ vì 1 chữ "sĩ" nên A Lâm đã phải trả giá bằng 1 khoản nợ lên đến hàng tỷ đồng.

Vào ngày 17/10/2020, A Lâm đã chính thức thiết lập "kỷ lục mới" - nợ hơn 340.000 tệ (tương đương 1,2 tỷ đồng).

Trào lưu tiêu tiền không nhìn ví của Gen Z xứ Trung: Sự thật phía sau những màn chốt đơn chẳng phải nghĩ, lương tháng 14 triệu vẫn mạnh dạn mua hẳn siêu xe - Ảnh 3.

Vì bốc đồng, A Lâm đã quyết định quẹt thẻ tín dụng mua trả góp xe sang mà không cần suy nghĩ tới hậu quả (Ảnh minh họa)

"Trong mắt bạn gái, tôi là 1 người có tiền, nên có đôi khi tôi cũng 'nghĩ vậy' và vung tiền như 1 đại gia thực thụ." - A Lâm trải lòng.

Ban đầu khi mới tiếp xúc với tín dụng, anh chỉ định vay xong trả luôn, nào ngờ chỉ trong tích tắc, tiền dư trong tài khoản nhiều hơn gấp mấy lần khiến anh chàng không nhịn được mà tiêu pha xả láng, kết quả trở thành con nợ.

Sau khi chàng trai trẻ "rước" chiếc xe hơi Porsche sang trọng về, chẳng bao lâu sau nợ nần cũng rủ nhau kéo đến. Tuy nhiên, A Lâm không đủ khả năng trả lãi vào những kỳ trả góp tiếp theo của chiếc xe. Đến ngày 11/2/2021, anh bị ngân hàng khởi tố, thu hồi xe, và cũng mất luôn bạn gái.

Tại sao phải tiêu nhiều tiền như vậy?

"Không thể dừng lại." - Đây là lời giải thích của hầu hết những người đã từng đi vay tiền.

Trào lưu tiêu tiền không nhìn ví của Gen Z xứ Trung: Sự thật phía sau những màn chốt đơn chẳng phải nghĩ, lương tháng 14 triệu vẫn mạnh dạn mua hẳn siêu xe - Ảnh 4.

Hiện nay với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần có căn cước công dân và điện thoại di động là có thể vay được tiền (Ảnh minh họa)

Đối với Tiểu Lưu mà nói, thỏa mãn ham muốn mua sắm là 1 điều hạnh phúc. Cha mẹ ly hôn, phương châm sống tằn tiện của mẹ chỉ khiến cô cảm thấy chán nản. Sau khi lên đại học, thoát khỏi sự kìm kẹp của gia đình, Tiểu Lưu bắt đầu tiêu tiền để "trả đũa". Còn A Lâm vay tiền tiêu pha phung phí cũng chỉ để thỏa mãn sự phù phiếm của bản thân. 1 khi đã tạo dựng được cái danh "giàu sang", họ phải tiếp tục "vay mượn" để duy trì nó.

Nói về tác động của việc tiêu dùng quá mức, Vương Bằng, luật sư từ Công ty Luật Chính Phương Viên tỉnh Hà Nam cho biết: "Các bạn trẻ không đủ khả năng trả nợ và kiểm soát rủi ro đối với các khoản nợ cao, dễ dẫn đến rủi ro vỡ nợ sau khi khoản vay quá hạn."

Vào ngày 17/3 năm nay, Ủy ban quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc cùng các bộ phận liên quan đã cùng ban hành "Thông báo về việc điều chỉnh thêm việc giám sát và quản lý các khoản cho vay tiêu dùng qua Internet của sinh viên đại học". Đồng thời tích cực điều tra, chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp, kiên quyết khống chế hiện tượng các nền tảng Internet "chặt chém" sinh viên đại học, cũng như nghiêm túc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của sinh viên.

Nguồn: QQ