Thị trường ô tô Việt Nam đang ngày càng trở nên sôi động khi đón nhận những mẫu xe mới và bản nâng cấp mới. Xe lắp ráp có; xe nhập khẩu cũng có. Một số hãng xe bắt đầu khoe công nghệ và lấy đó làm điểm mạnh, chứ không chỉ đơn thuần thay đổi mẫu mã theo kiểu bình mới rượu cũ.

Ngược lại, với sức bán tốt, Toyota vẫn duy trì một số mẫu xe từ nhiều năm nay mà không có cải tiến đáng kể, điển hình là Vios. Từ tháng 3/2014 đến nay, tức trong hơn 4 năm, Toyota Vios chỉ có thay đổi hộp số, từ tự động 4 cấp sang vô cấp. Trang bị vẫn vậy, giữ nguyên CD 1 đĩa để giải trí, chìa khoá cơ... Tính năng an toàn chỉ dừng lại ở hỗ trợ phanh (ABS, EBD, BA) và 2 túi khí.

Toyota trước cuộc đua “full option” của xe Mỹ, Hàn tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nội thất chiếc Toyota Vios bản cao cấp nhất. Ảnh: Đại lý.

Toyota thêm đối thủ

Bước sang tháng 4/2018, Toyota Vios - mẫu sedan hạng B bán chạy nhất tại Việt Nam - gặp phải đối thủ mới là Hyundai Accent 2018 với nhiều công nghệ cùng giá bán "mềm" hơn hẳn. Mẫu xe Hàn Quốc chuyển sang lắp ráp trong nước, được phân phối với 4 phiên bản, từ loại cắt giảm tối đa cho taxi hay xe dịch vụ cho đến "full option" phục vụ tập khách hàng gia đình.

Accent sở hữu nhiều trang bị hàng đầu phân khúc như màn hình cảm ứng 7 inch, hỗ trợ nhiều kết nối không dây, đề nổ bằng nút bấm, cốp mở điện, cửa sổ trời. Công nghệ an toàn gồm hỗ trợ phanh, phanh đĩa 4 bánh, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, camera kết hợp cảm biến lùi và 6 túi khí.

Toyota trước cuộc đua “full option” của xe Mỹ, Hàn tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nội thất chiếc Hyundai Accent với giá thấp hơn Vios khoảng 25 triệu đồng. Ảnh: HTC.

Giá xe Accent từ 425-540 triệu đồng. Đối thủ Vios có giá từ 513-586 triệu đồng. Những tính năng mơ ước một thời ở phân khúc B được gói gọn trong chiếc Hyundai Accent giá chỉ ngang chiếc Toyota Vios bản số tự động thấp nhất.

Dòng SUV 7 chỗ mà Toyota Fortuner đang giữ ngôi vương doanh số cũng đón thêm mẫu xe mới. Chevrolet Trailblazer lần đầu tiên được mở bán tại Việt Nam đã giành ngay danh hiệu xe giá rẻ nhất phân khúc. Kết hợp khuyến mại sâu, giá xe Trailblazer chỉ từ 809 triệu đồng.

Tương tự Accent, xe Trailblazer ngoài việc sử dụng giá bán thấp để tiếp cận khách hàng còn dùng công nghệ để khoe sự vượt trội. Những tính năng an toàn hiện đại như cảnh báo điểm mù, báo lệch làn đường hay phát hiện phương tiện cắt ngang phía sau… lần đầu tiên có mặt trên mẫu SUV body-on-frame giá dưới 1 tỷ đồng (sau khuyến mại).

Những công nghệ an toàn chủ động trên Chevrolet Trailblazer mà chưa đối thủ nào cùng tầm giá 1 tỷ đồng có. Video: GM.

So với Toyota Fortuner, giá xe Chevrolet Trailblazer thấp hơn khoảng 300 triệu đồng (một phần vì thuế nhập khẩu 0%). Xe có tới 4 phiên bản cùng 3 tuỳ chọn động cơ. Số tự động vẫn được ưu tiên hơn cả với 3 phiên bản.

Một minh chứng cho sự cạnh tranh khốc liệt

Toyota Corolla Altis là ví dụ điển hình cho sức ép từ các đối thủ "full option". Mazda3 và Kia K3/Cerato đổ bộ khiến mẫu xe vốn "thần thánh" trong phân khúc tụt hạng về doanh số. Lượng xe Corolla Altis bán ra ngày càng dãn khoảng cách với các mẫu xe khác. Liên doanh Nhật Bản đã phải hạ giá sâu để vực Corolla dậy.

Toyota trước cuộc đua “full option” của xe Mỹ, Hàn tại Việt Nam - Ảnh 4.

Mazda3 vươn lên rõ rệt từ năm 2016. Nguồn số liệu: VAMA. Đồ hoạ: Trần Đức.

So về trang bị, Corolla Altis vẫn chỉ dừng ở mức xe để đi chứ chưa hẳn để tận hưởng như Mazda3, Kia Cerato hay Hyundai Elantra. Thiết kế nội thất đơn giản, ngoại thất già dặn, ít tính năng giải trí khiến Corolla Altis ít sức hút với giới trẻ hơn. Theo thống kê bằng Google Analytics trên một website cập nhật giá ô tô tại Việt Nam, lứa tuổi 25-34 quan tâm về xe nhất trong năm 2017, chiếm 33,5%.

Toyota sẽ vẫn duy trì phong độ nếu…

Toyota vẫn nổi tiếng với các danh hiệu lành, bền, hiếm khi hỏng vặt, tiết kiệm nhiên liệu và giữ giá khi bán lại. Bởi ô tô vẫn là tài sản lớn với đại đa số người tiêu dùng Việt, các yếu tố trên vẫn thường được đặt lên hàng đầu khi mua xe, chứ không hẳn chỉ so đo về công nghệ.

Nếu các mẫu xe Mỹ, Hàn kể trên đáp ứng được một, hay một vài yếu tố như vậy sẽ tạo sức ép lên Toyota. Ví dụ với Mazda3, hiện được nhận xét là lành, tiết kiệm nhiên liệu, giá bán phải chăng và nhiều "option" đã hạ Corolla Altis trong cuộc đua doanh số. Có thể sẽ mất thêm thời gian để các mẫu xe mới xác định hay chứng tỏ mình.

Toyota trước cuộc đua “full option” của xe Mỹ, Hàn tại Việt Nam - Ảnh 5.

Mazda3 là đối thủ đáng gờm của Toyota Corolla Altis từ khi ra mắt và hiện tại đã vượt về doanh số. Ảnh minh hoạ: Paultan.

Ngược lại, nếu không đủ vượt trội, xe mới vẫn sẽ bị xe Toyota áp đảo. Chevrolet sẽ khó hơn Hyundai trong công cuộc chinh phục người tiêu dùng, bởi… "Ngày xưa có một huyền thoại công nghệ tên Captiva, tốn xăng và đỏng đảnh. Mỗi lần chiếc xe đau đầu, sổ mũi nghĩ lại đến lạnh người. Hồi 2008 mua xe mất tổng cộng 33.500 USD, còn giờ nhìn giá xe cũ thì biết," anh Long, một người từng đi Chevrolet Captiva, chia sẻ.

Tất nhiên, chiếc Captiva mang công nghệ của 10 năm trước nhưng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý người dùng khi chọn một chiếc xe khác cùng thương hiệu. Nhìn theo một hướng khác, Trailblazer đang sử dụng chung gầm bệ và công nghệ với Colorado. Mẫu bán tải của GM đang nhận được nhiều phản hồi tốt, doanh số tăng trưởng đều (đứng thứ 2 sau Ford Ranger) nên mẫu SUV "anh em" hứa hẹn sẽ kế thừa được những lợi thế đó.