Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu của Toyota, ông Gill Pratt tin rằng hệ thống đánh giá xe tự lái hiện nay đang gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về độ tân tiến của xe tự lái cũng như chính các công ty chế tạo ra chúng.

Khung đánh giá đang được sử dụng ngày nay do tổ chức ô tô SAE định ra từ năm 2014 với 6 cấp độ tự lái khác nhau. Chúng bắt đầu từ cấp độ 0 (hệ thống xe chỉ có thể gửi cảnh báo nguy hiểm tới người lái) tới cấp độ 5 (vô lăng không còn cần thiết, xe tự vận hành hoàn toàn).

Toyota: Cần thêm thước đo để đánh giá xe tự lái - Ảnh 1.

Concept i-Ride - ý tưởng về xe tự lái trong tương lai của Toyota.

Hầu hết hãng xe hiện nay đang phát triển công nghệ tự lái ở cấp độ 2 (hiểu ngắn gọn là có thể rời tay), cấp độ 3 (có thể rời mắt) hoặc hiếm hoi là 4 (có thể không cần tập trung). Tuy nhiên theo ông Pratt, cách đánh giá này đang khiến vị trí của từng thương hiệu tham gia cuộc đua phát triển xe tự lái có phần sai lệch khi nhiều thương hiệu ở cùng cấp độ nhưng công nghệ giữa họ có sự chênh lệch rất nhiều.

"Chúng ta cần có cái nhìn khách quan và không nhầm lẫn giữa cấp độ tự lái của SAE và tiến độ của mỗi hãng xe khi nói về hệ thống cấp độ này. Kể cả khi một hãng xe phát triển nên 1 dòng xe mà theo họ là đạt cấp độ tự lái 4, nếu họ vẫn phải chạy thử nghiệm xe với người điều khiển an toàn bên trong, công nghệ của họ vẫn ở mức 2 mà thôi. Theo tôi, yếu tố cốt lõi ở đây là ta nên có một cách đánh giá nữa xem công nghệ tự lái có thể xử lý bao nhiêu tình huống, bao nhiêu trường hợp mà chúng gặp phải", ông Pratt chia sẻ.

Trước đó, Tesla đã từng giới thiệu Autopilot như 1 hệ thống tự lái gần hoàn chỉnh nhưng thực tế công nghệ này chỉ ở mức 2. Dù vậy, vẫn có nhiều khách hàng hiểu lầm rằng họ đã có thể rời tay khỏi vô lăng để làm việc khác dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.

Ảnh: Autocar