Vấn đề xe không sang tên đổi chủ, không đóng phí bảo trì sẽ chính thức bị xử phạt từ ngày 1/7 tới - theo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt - tiếp tục làm "nóng" dư luận những ngày qua.

Trong khi dự thảo do Bộ Giao thông Vận tải soạn thảo vẫn chờ lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và người dân, thì ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, mâu thuẫn nhau từ chính các bộ chủ quản, như diễn biến của Hội nghị góp ý cho dự thảo này, do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì vào chiều nay (11/3).

Bộ Giao thông đòi bỏ phạt

Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban soạn thảo thuộc Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) đã nhận được hơn 300 ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định, với rất nhiều quan điểm trái chiều nhau. 

“Thậm chí, ngay cả các thành viên, đại diện các Bộ, ngành trong Ban soạn thảo cũng còn có những ý kiến trái chiều,” đại diện Vụ An toàn giao thông thừa nhận. Đại diện khá nhiều Bộ, ngành đã đồng tình việc chưa xử phạt xe không sang tên đổi chủ vào thời điểm này, trong đó có Vụ An toàn giao thông.

“Mặc dù trong các văn bản pháp luật đã có quy định xử phạt về việc đăng ký phương tiện như quy định tại Nghị định 45 ban hành năm 2003 và trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Song, hệ thống văn bản hướng dẫn hiện nay có nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Chỉ khi nào hệ thống văn bản hướng dẫn đã đầy đủ và hoàn thiện, cũng như mức lệ phí sang tên đổi chủ được giảm xuống thì sẽ bổ sung quy định xử phạt này,” đại diện Vụ An toàn giao thông nhận định.

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, các cơ quan liên quan cần phải tính đến tính khả thi của quy định xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ.

“Nên gom việc phạt hành vi không sang tên đổi chủ xe vào một số trường hợp như phạt 'nguội' (qua camera), hay gây  ra tai nạn giao thông,” bà Thoa lấy ví dụ.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng cơ quan chức năng cần nghiên cứu hình thức nào để quản lý rõ ràng, minh bạch hơn thì mới nên đưa quy định xử phạt này vào Nghị định, bởi nếu xử lý hết các đối tượng đang lưu thông trên đường về lỗi sang tên đổi chủ thì rất rắc rối.

“Việc xác minh xe đã qua chuyển nhượng, mà không sang tên đổi chủ, phải làm sao vừa dễ, nhanh và chính xác, còn nếu phát hiện chỉ qua đối chiếu giữa người điều khiển và giấy đăng ký phương tiện là không chính xác,” ông Quyền phân tích.

Tuy nhiên, phía cơ quan Bộ Công an cho rằng việc xử phạt phương tiện không sang tên đổi chủ nên được đưa vào Nghị định này. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, phải chờ đến sau năm 2014 mới có thể tiến hành xử phạt các phương tiện đã mua bán, chuyển nhượng mà không sang tên đổi chủ khi một số thông tư (số 36 và 12 của chính Bộ Công an) hết hiệu lực.

Ngành công an muốn giữ

Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông đường sắt đường bộ (Bộ Công an) khẳng định, lỗi về không chuyển quyền sở hữu với phương tiện đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ. 

“Quan điểm của Bộ Công an là vẫn đề nghị đưa hành vi này vào Nghị định xử phạt, vì trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng đã có quy định, cần tránh tình trạng luật không chuẩn, không đi vào cuộc sống và cũng tránh tình trạng đưa luật vào nhưng khi ban hành thì không thực hiện được”, Đại tá Trần Sơn Hà chia sẻ.

Theo Đại tá Hà, Nghị định mới phải kế thừa được nghị định cũ. Hơn nữa, việc xử phạt xe không chính chủ không phải là mới. Sở dĩ việc này vừa qua có nhiều ý kiến khác nhau, và không đồng tình là do từ khi Nghị định 71 nâng mức phạt cao lên, cho nên dân mới có ý kiến.

“Về những hành vi này, chúng tôi có hướng dẫn xử lý trong quá trình thực hiện. Việc mượn phương tiện không bị xử phạt. Hơn nữa, hiện nay việc mất xe liên tỉnh rất khó điều tra, đặc biệt những vụ án mạng liên quan đến xe cộ càng khó khăn hơn, cho nên xử phạt xe không chính chủ cũng là biện pháp bảo vệ tài sản của người dân. Tới đây, nên xử phạt thẳng vào tài khoản của người sử dụng phương tiện vì hiện nay, việc sử dụng thẻ ATM là rất nhiều,” Đại tá Hà nhận định.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho rằng, liên quan đến vấn đề chuyển quyền sở hữu phương tiện, hiện Bộ Công an đang có 2 Thông tư hướng dẫn. 

“Bộ Công an có 2 Thông tư số 36 và 12 quy định về việc đăng ký và chuyển đổi quyền sử dụng phương tiện. Hai thông tư này hiện đang còn hiệu lực đến hết 2014. Sau năm 2014 mới tiến hành xử phạt đối với các phương tiện đã mua bán, chuyển nhượng mà không sang tên đổi chủ sau khi Thông tư 12 hết hiệu lực để tăng cường quản lý Nhà nước,” đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Công an) cho hay.

Chờ Chính phủ quyết?

Với Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đường sắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, Nghị định xử phạt được xây dựng với mục tiêu nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, đồng thời nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

“Quy định phải tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến người dân. Tất cả các quy định không phải để xử phạt, mà là để nâng cao ý thức chấp hành của người dân, tránh khuynh hướng không quản được thì phạt,” Bộ trưởng Thăng lưu ý các thành viên Ban soạn thảo dự thảo Nghị định.

Đề cập đến việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định, Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Việc không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được quy định tại các Nghị định trước. Trong quá trình thực hiện Nghị định 71 do mức phạt tăng cao, điều khoản thực hiện khó, tính khả thi lại không cao. Bởi vậy, nên rút quy định này ra khỏi dự thảo Nghị định mới để tiếp tục nghiên cứu đồng bộ, tính khả thi cao thì mới bổ sung hoặc đưa vào văn bản khác.”

Ngoài ra, Bộ trưởng Thăng cũng thẳng thắn thừa nhận, việc đưa quy định xử phạt này vào Nghị định rất dễ dẫn đến tình trạng người vi phạm một hành vi nhưng lại bị kéo vào quy trình xác minh xe chính chủ. 

“Trong lúc này, cần trao đổi minh bạch, kỹ lưỡng hơn. Nếu trong trường hợp các Bộ, ngành vẫn còn ý kiến trái chiều nhau thì sẽ báo cáo Chính phủ để biểu quyết,” Bộ trưởng Thăng kiến nghị.
Theo TTXVN