Hiện có khá nhiều xe có dung tích động cơ trên 3.0L được sử dụng tại Việt Nam, với các dòng thấp cấp như Toyota Camry, Nissan Teana; cao cấp như Lexus, Acura, Infiniti, Mercedes, BMW, Audi; hay siêu xe như Ferarri, Bentley, Rolls Royce.

Xe có dung tích xi-lanh lớn hơn 3.0 lít sẽ bị đánh thuế nặng 1
Xe ô tô dung tích lớn trên 3.0L nằm trong tầm ngắm của cơ quan thuế

Kể từ năm 2009, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô dưới 9 chỗ ngồi được chia theo các mức dung tích động cơ khác nhau. Cụ thể, với dung tích xi lanh dưới 2.0L, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 45%; loại có dung tích động cơ trên 2.0L đến 3.0L chịu mức thuế suất 50% và trên 3.0L có mức thuế suất 60%. Còn trước đó, xe dưới 15 chỗ ngồi có mức thuế tiêu thụ đặc biệt chung là 30%.

Lý giải cho đề nghị tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có động cơ trên 3.0L, đại diện Tổng cục Hải quan cho hay, mặt hàng ô tô loại dưới 24 chỗ ngồi, có dung tích xy lanh trên 3.000 cm3 (tương đương 3.0L) là loại xe tiêu hao nhiên liệu lớn, chiếm nhiều diện tích khi tham gia lưu thông. Vì vậy, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 60% hiện nay lên 75%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, ông chưa nghe thông tin gì về đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 75% với xe có động cơ trên 3.0L. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, trên thực tế, các loại xe ô tô có dung tích động cơ trên 3.0L đều là những xe được xếp vào hàng xa xỉ, có giá trị cao, đối tượng mua là những người giàu, có thu nhập cao, nên nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thì cũng không có gì ngạc nhiên.

Cũng theo ông Quang, trong Dự thảo Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô đang được cập nhật để trình Chính phủ, các chuyên gia của Bộ Công thương đang đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với thời hạn và lộ trình nhất định cho các loại xe thuộc phân khúc xe dưới 10 chỗ ngồi, có dung tích xi lanh đến 2.0L để kích cầu tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để không tạo ra sự thiếu hụt về thu ngân sách khi đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích động cơ đến 2.0L, các chuyên gia của Bộ Công thương cũng tính tới việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại xe có dung tích xi lanh trên 2.0L nhằm định hướng tiêu dùng theo mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường cũng như bù đắp thiếu hụt ngân sách.

Được biết, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có động cơ đến 2.0L mà Dự thảo Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô đưa ra đã nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, lắp ráp hiện có mặt tại Việt Nam, vì đây là nhân tố làm giảm giá bán loại xe đang có mặt nhiều nhất trên thị trường hiện nay.

Đối với dòng xe 4 - 9 chỗ hạng sang, hiện hầu hết là nhập khẩu, cũng được Ban soạn thảo cho biết, đó không phải là phân khúc thị trường mà các nhà sản xuất ô tô trong nước hướng tới.

Theo thống kê của cơ quan hải quan, trong giai đoạn 2009 – 2012, số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt thu được của ô tô thuộc diện nhập khẩu là 23.396 tỷ đồng, nghĩa là mỗi năm thu được gần 800 tỷ đồng. Đáng nói là, đa phần các loại xe ô tô nhập khẩu đều là những xe có giá trị cao, dung tích động cơ lớn.

Trong 11 tháng đầu năm 2013, có 15.063 ô tô dưới 15 chỗ ngồi được nhập khẩu nguyên chiếc, với trị giá 176 triệu USD. Tuy nhiên, trong số ô tô nhập khẩu nguyên chiếc này, có rất nhiều chủng loại như Toyota Hiace, các dòng xe bán tải có động cơ dưới 2.5L, hay một số mẫu xe nhỏ có động cơ dưới 1.5L, cùng với xe chuyên dụng.

Tổng hợp số lượng xe nhập khẩu của Việt kiều hồi hương, xe biếu tặng và xe được một số nhà nhập khẩu chính hãng của các nhãn hiệu BMW, Mercedes-Benz hay Audi nhập khẩu và đối chiếu với số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ước tính lượng xe có dung tích động cơ trên 3.0L được nhập khẩu hàng năm chỉ khoảng 3.000 chiếc.

Theo Hoàng Nam - Báo đầu tư