Trả lời cho những thông tin trái chiều về việc có xử phạt xe không sang tên đổi chủ hay không, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc đăng ký xe chính chủ sẽ đi kèm với chế tài xử phạt nhưng cơ quan chức năng đang tính toán để tuyệt đối không gây khó cho người dân.

Phát biểu trong phiên họp báo Chính phủ tháng 3 diễn chiều 29/3, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, phương tiện giao thông có thể là nguồn gây hậu quả liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân; cũng có thể là phương tiện thực hiện các hành vi phạm tội khác, nên phải đăng ký.

"Khi cần đăng ký chính chủ thì đương nhiên phải đi kèm với chế tài xử phạt và việc xử phạt vi phạm phải đúng đối tượng là phải chủ phương tiện chứ không phải người điều khiển," Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, sau khi có những ý kiến "vênh" nhau giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an trong việc xử phạt xe không chính chủ, lãnh đạo hai Bộ đã có trao đổi để cùng xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi trình Chính phủ.

Từ đó, Chính phủ sẽ xem xét với tinh thần là quản lý tốt xã hội nhưng phải theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết thêm, theo thông tin chưa đầy đủ, cả nước còn tới trên 10 triệu xe máy không chính chủ. Một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng này là do chính quy định không hợp lý trong một thời gian dài trước đó như việc hạn chế số lượng xe máy dẫn tới việc người dân phải đăng ký tên người khác khi mua xe mới.

Bởi vậy, theo Bộ trưởng, mặc dù Bộ Tài chính, Bộ Công an đã có những đề xuất như giảm phí, thuế khi đăng ký lại, hay đơn giản hóa thủ tục nhưng để giải quyết được số lượng xe trên thì cần thời gian nhất định, đặc biệt là khi nhiều phương tiện đã qua tay nhiều chủ.

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ tính tới các biện pháp nhắc nhở đi kèm với chế tài.

"Chúng ta phải tính giải pháp sao cho không phải một lúc xử lý hết ngay các vi phạm mà mọi người dân phải có ý thức chuyển đổi sở hữu phương tiện," Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Theo TTXVN