Làng Vi Rin của người Xê Đăng nằm sâu dưới thung lũng, bên con suối Nước Ngôn, chỉ có vỏn vẹn 40 nóc nhà và chưa đầy 150 nhân khẩu. Vậy mà hơn một tháng trở lại đây, Vi Rin khiến các làng khác phải “ngả mũ” chào thua khi lần lượt gần chục chiếc ôtô con cũ được dân làng tậu về, xếp thành hàng dài trước cửa nhà.

Người thì mua xe hiệu Toyota, người mua U-oát, người mua Ssangyong... Toàn bộ số tiền mua xe hàng tỉ Đồng này đều từ tiền đền bù ruộng nương, hoa màu.

Đổ tiền sắm xe, ăn nhậu

Người khởi xướng cho phong trào chơi xế hộp là Trưởng thôn A Sơn. A Sơn cho biết, khi nhận được số tiền lớn (gần một tỉ Đồng) đền bù diện tích lúa, hoa màu từ BQL công trình thủy điện Thượng Kon Tum, anh liền nghĩ ngay đến chuyện mua ôtô.

“Mình lấy chiếc xe Toyota cũ này của bà chị ở ngoài xã Đăk Long, chỉ hết 130 triệu Đồng à”, A Sơn hồ hởi nói.

Cách nhà A Sơn mấy bước chân là nhà A Do (37 tuổi) và vợ là Y Thu (33 tuổi). Khi chúng tôi tới, vợ chồng A Do đang tổ chức ăn nhậu, bia lon vứt tung tóe dưới sàn nhà. Thấy khách khen ôtô đẹp, mạnh mẽ, A Do cười tít mắt, khoe: “Mình mới xuống TP. Kon Tum mua về đó. Mình đưa họ 80 triệu Đồng, họ đưa toàn bộ giấy tờ xe cho mình”.

Sang hơn, vợ chồng A Đe (34 tuổi) và Y Hạnh (32 tuổi) xuống tận Quảng Ngãi để tậu chiếc xe hiệu Ssangyong với giá 300 triệu Đồng.

Ngôi làng người dân tộc và phong trào sắm... ôtô 1
Xe ôtô xếp hàng trước làng.

Điều đáng nói, tất cả những người mua ôtô ở Vi Rin không ai có giấy phép lái xe. A Do liến thoắng: “Mình chạy xuống tận TP. Kon Tum mấy lần rồi, đi lần nào cũng... thoát công an. Duy có lần bị kiểm tra, mình nhảy xuống trình bày và xin họ, cuối cùng chỉ bị phạt có 50.000 Đồng rồi cho mình đi tiếp”.

Một chủ xe khác cho hay: “Làng Vi Rin cách trung tâm xã Đăk Tăng chừng 7 km, mình chủ yếu chạy trong làng, trong xã thôi, chứ có dám đi ra huyện đâu vì sợ công an bắt, thu mất xe”.

Đường vào làng Vi Rin lắm đèo dốc hiểm trở, trong khi các tài xế đều học lỏm cách lái xe, chưa được đào tạo bài bản nên mỗi khi chạy xe ra đường, nguy cơ tai nạn luôn rình rập những người xung quanh và cả với chính họ.

 Ngôi làng người dân tộc và phong trào sắm... ôtô 2
Một cặp vợ chồng trong chiếc xe mới tậu - Ảnh: Trùng Dương
 
Hỏi về điều này, A Do gãi đầu: “Mình đang tính cho đứa em trai xuống TP. Kon Tum học lấy cái bằng, đi đâu khỏi sợ bị công an hỏi thăm, rồi có ngày mất xe thì hối hận lắm. Nó bảo đưa 17 triệu Đồng để nộp tiền học, mình đưa luôn”.
 
Theo Soha