Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho rằng, vì xe máy không được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian qua đã trở thành nguyên nhân gây tai nạn, ùn tắc và ô nhiễm không khí. Theo dự thảo Bộ GTVT đang xem xét trình Chính phủ, đối với xe máy lưu hành từ 5 năm trở lên sẽ phải kiểm tra khí thải. Bước đầu sẽ kiểm tra tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Loại thiết bị kiểm tra khí thải sẽ phải nhập khẩu vì trong nước chưa sản xuất được. Các hãng sản xuất xe máy sẽ cùng tham gia kiểm định.

Khi kiểm định, chủ phương tiện sẽ phải trả một khoản phí nhất định. Đối với xe đạt tiêu chuẩn sẽ được cấp tem kèm theo giấy chứng nhận. Nếu xe máy không đạt tiêu chuẩn, tùy theo mức độ sẽ yêu cầu chủ phương tiện đi sửa chữa, bảo dưỡng hoặc phải loại bỏ. Trường hợp xe lưu thông không có giấy chứng nhận sẽ bị xử phạt theo nghị định 71.

Mặc dù dự thảo này không "sốc" bằng quy định xử phạt xe không chính chủ nhưng chắc hẳn nó sẽ là mối quan tâm lớn của nhiều người. Bởi trên thực tế có đến 95% phương tiện người dân đang sử dụng trong việc đi lại là xe máy. Mặt khác số xe máy lưu thông từ 5 năm trở lên (trong diện phải kiểm tra) lại chiếm đa số. Mặc dù chưa có điều kiện tìm hiểu sâu về vấn đề này, nhưng Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng khuyến cáo nên làm thận trọng, từng bước cho phù hợp với điều kiện kinh tế còn đang hết sức khó khăn hiện nay.

Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông với nhiều kinh nghiệm tỏ ra ngạc nhiên, nhưng cũng cảnh báo quá trình kiểm định tiêu chuẩn khí thải phải được thực hiện theo lộ trình, tránh tư duy nóng vội. TS. Thủy cho rằng tình trạng ô nhiễm khí thải, tiếng ồn hiện nay đã trở nên trầm trọng. Ô tô, xe máy lưu thông thải ra các khí thải carbon, nitơ, thủy nguyên... ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, khí quản cũng như sức khỏe của người dân. Nhiều nước khí thải ô nhiễm tạo thành những đám mây, khiến cả một khu phải đeo mặt nạ, bịt khẩu trang.

Trước tình trạng báo động hiện nay, ông Thủy cho rằng Việt Nam cũng nên có quy định hạn chế ô nhiễm trong điều kiện cần và đủ. Cái chính là việc áp dụng xử phạt như thế nào, đo đạc có chính xác không, tiêu chuẩn thế nào cho hợp lý?... "Tiêu chuẩn khí thải ở các nước rất cao. Thậm chí những xe người ta thải ra rồi, nhưng về nước khác dùng vẫn tốt. Nhưng trong điều kiện đời sống của người dân nước ta còn nhiều khó khăn, chúng ta không thể đưa ra tiêu chuẩn cao như vậy. Thực tế có nhiều gia đình chỉ trông chờ vào một chiếc xe máy "cà tàng". Nếu tịch thu hay loại bỏ cũng đúng, nhưng với điều kiện sống hiện nay thì không nhất thiết phải làm như vậy. Ở nước ta hiện nay mức độ tiêu chuẩn chỉ cần bằng 40 – 50% mức trung bình so với các nước là phù hợp".

Đồng tình với việc loại bỏ những chiếc xe đã quá cũ nát, xả khói mù mịt khi lưu thông, nhưng ông Thủy cũng tỏ ra lo ngại dễ dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi.

"Người ta dễ đưa ra sai số khi kiểm định để khẳng định xe của họ tốt, hoặc vì muốn loại bỏ xe cũ để bán được hàng. Vì thế việc kiểm định phải do cơ quan đăng kiểm phối hợp với ngành công an thực hiện. Nhưng vì tại các thành phố lớn, lượng xe máy vài triệu chiếc nên phải làm có lộ trình, kế hoạch, tránh tình trạng chủ phương tiện phải xếp hàng chờ đợi".

Giám đốc một DN vận tải trên địa bàn Hà Nội cho rằng, trên thực tế việc xác định và dán tem đủ tiêu chuẩn cho xe máy tại các thành phố lớn càng khó, bởi đa phần xe cũ nát do những người lao động nghèo, làm những công việc vận chuyển hàng hóa đơn giản sử dụng, và đa số những người này lại không có hộ khẩu tại các thành phố lớn. Việc kiểm tra kiểm soát cũng sẽ khó thực hiện. Còn nếu chỉ phụ thuộc vào lực lượng CSGT bằng mắt thường thấy xe cũ nát thì tuýt còi kiểm tra và xử phạt thì người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người nghèo, thu nhập thấp, không có điều kiện sử dụng phương tiện mới.

"Ngay cả đối với việc đăng kiểm ô tô hiện nay cũng còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Không ít vụ tại nạn xảy ra vì phương tiện không đảm bảo lưu hành, tuy nhiên vẫn qua được "cửa" đăng kiểm. Vì vậy, cũng khó khẳng định việc đăng kiểm xe máy với số lượng lớn hơn nhiều lần số lượng ô tô đang lưu hành, lại có thể làm chặt chẽ hơn, đảm bảo mục tiêu chính sách, không phát sinh tiêu cực", giám đốc đơn vị vận tải này nói.

"Chiếc xe máy tôi dùng đã 15 năm nay nhưng vẫn còn tốt lắm. Bằng mắt thường thì không có vấn đề gì, nhưng nếu đưa đi kiểm định chưa biết thế nào. Những chiếc xe như vậy có nhất thiết phải đi kiểm định không? Trước mắt theo tôi chỉ nên kiểm định, loại bỏ những chiếc xe độ mòn đã quá giới hạn, thải khói mù mịt khi lưu thông" – TS. Thủy khuyến cáo.

Chưa kể, với kế hoạch dự kiến thực hiện cấm xe máy cũ nát tại 5 thành phố lớn cũng không khác nhiều việc "xua" xe cũ về các tỉnh. Trong khi cơ quan quản lý cũng chưa đưa được giải pháp để ngăn tình trạng này.
 
Theo Infonet