Bắt đầu từ tháng 4/2013, hãng Fisker một thời nổi tiếng với mẫu xe điện giá cao Karma đã sa thải phần lớn các nhân viên của mình. Hãng Fisker cũng không tiếp tục lắp ráp xe vì phải gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ. Ngoài ra, Fisker còn vấp phải một số khó khăn khác như thu hồi một số chiếc Karma, chứng kiến đối tác cung cấp pin, A123 Systems, phá sản và 16 xe bị "kết liễu" trong cơn bão Sandy.

Để giải quyết tình trạng thê thảm của mình, Fisker đã tìm kiếm đối tác và các nhà đầu tư tại Trung Quốc. Hãng Fisker từng thương thuyết với Grand Automotive Services, một tập đoàn đại lý lớn tại Trung Quốc. Bản thân Grand Automotive Services cũng đang phân phối xe Fisker tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Ngoài ra, Fisker còn liên hệ với Wanxiang Group, hãng thắng thầu vụ phá sản của A123 Systems.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của hãng Fisker đều không mang lại kết quả khả quan. Do đó, hôm thứ sáu, ngày 18/10, vừa qua, nhãn hiệu Fisker đã bị Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) mang ra bán đấu giá. DoE quy định những hãng tham gia phiên đấu giá nhãn hiệu Fisker phải trả từ 30 triệu USD trở lên. Hiện nay, Fisker đang nợ DoE tổng số tiền lên đến 168 triệu USD.

Đã có một số ứng cử viên tham gia phiên đấu giá nhãn hiệu Fisker. Điển hình như ông Bob Lutz, cựu giám đốc tập đoàn GM. Hiện nay, ông Lutz đang giữ chức vụ giám đốc hãng VL Automotive. Bên cạnh đó là tập đoàn đầu tư Nol Fritz AG đến từ Đức và hãng cung cấp phụ kiện ôtô Wanxiang của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Reuters, người chiến thắng trong phiên đấu giá nhãn hiệu Fisker lại là ông Lý Trạch Khải, con trai út của tỷ phú Lý Gia Thành giàu nhất châu Á. Dữ liệu của tạp chí Forbes khẳng định, ông Lý Trạch Khải hiện đang nắm trong tay tổng tài sản lên đến 1,9 tỷ USD.

Tạm thời, cả DoE và ông Lý Trạch Khải đều chưa lên tiếng xác nhận thông tin trên.