Ngày 26/12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm đầy tranh cãi tới ngôi đền chiến tranh Yasukuni vốn bị một số nước láng giềng coi như biểu tượng cho quá khứ quân phiệt của Nhật. Đây là chuyến thăm tới ngôi đền chiến tranh Yasukuni đầu tiên của một thủ tướng đương chức Nhật Bản kể từ năm 2006.

Tuy ông Abe phát biểu rằng chuyến viếng thăm của ông như một lời cam kết rằng Nhật Bản sẽ không tiếp tục gây chiến, nhưng Trung Quốc đã có phản ứng giận giữ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã gọi động thái này là “không thể chấp nhận được với nhân dân Trung Quốc” và yêu cầu Tokyo “nhìn lại quá khứ xâm lược của mình”.

Chuyến thăm đền Yasukuni lần này của ông Abe diễn ra đúng một năm sau khi ông tái đắc cử Thủ tướng Nhật, và cũng trùng với thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Những tín hiệu nguy hiểm

 “Họ chọn ngày hôm nay để viếng tượng đài, điều đó khiến người Trung Quốc càng khó chấp nhận hơn”, Cui Dongshu, phó tổng thư ký Hiệp hội Xe chở khách Thượng Hải lên tiếng. “Tín hiệu mà họ gửi đi rất nguy hiểm. Nó sẽ khiến người mua lo lắng hơn về sự an toàn cho xe của họ, thậm chí là bản thân họ, nếu như môi trường chính trị trở nên xấu đi.”

Các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản đã dần hồi phục lại ở Trung Quốc, tuy nhiên bằng cái giá đổi lợi nhuận lấy doanh số. Chuyến thăm viếng này có thể đẩy các nhà sản xuất xe hơi Nhật vào tình thế tồi tệ năm ngoái, khi phong trào tẩy chay xe Nhật lên rất cao tại Trung Quốc.

Trước nhận định này của ông cui Dongshu, đại diện Honda và Toyota đều từ chối bình luận.Đại diện Nissan cho biết họ sẽ “giám sát nghiêm ngặt” việc kinh doanh ở Trung Quốc từ sau chuyến thăm của ông Abe.

Zhang Yulan, 58 tuổi, một công nhân đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh cho biết chị sẽ ngăn cản con trai mình mua xe ô tô Nhật.  Bà bày tỏ: “Có rất nhiều sự lựa chọn khác, sao phải mua xe Nhật. Tôi biết rằng hầu hết xe Nhật hiện được sản xuất tại Trung Quốc, vậy sao phải làm giàu cho họ?”.

Tại Thượng Hải, lãnh sự quán Nhật Bản kêu gọi người Nhật nên thận trọng, bởi có nguy cơ một “làn sóng bài Nhật mạnh mẽ” trên truyền thông Trung Quốc. Hiện lãnh sự quán không đưa ra cảnh báo về các cuộc biểu tình hay tuần hành phản đối như thời điểm cao trào năm ngoái.

Còn nhớ năm 2012, hàng trăm cảnh sát chống bạo loạn đã được huy động để giám sát nhóm những người biểu tình khi họ tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Nhật Bản với những khẩu hiệu gây kinh sợ: “Đả đảo Nhật Bản. Tẩy chay hàng Nhật. Trả lại Diaoyu (Điếu Ngư – tên theo tiếng Trung của quần đảo Trung – Nhật đang tranh chấp)”.

Hàng ngàn xe Nhật đã bị tấn công, đập phá, đốt cháy trong các cuộc biểu tình hồi năm ngoái. 2 đại lý bán xe Toyota và Honda ở miền đông Trung Quốc đã bị đốt cháy bởi những kẻ bài Nhật ở Trung Quốc. Rất nhiều người đang sở hữu xe Nhật run sợ không dám lái xe ra đường. Hoặc họ phải treo cờ Trung Quốc và dán các khẩu hiệu yêu nước khác, nếu không muốn bị tấn công. Tình hình kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc, không chỉ các hãng xe, chưa bao giờ khốn khó đến vậy.