Một trong những hãng xe có động thái phản ứng sớm nhất chính là Toyota. Trước đây, Toyota đã quyết định tạm thời đóng cửa chi nhánh tại Ai Cập vì các cuộc biểu tình chống tại Tổng thống Mohamed Morsi. Đến nay, hãng Toyota đã đưa chi nhánh tại Ai Cập trở lại hoạt động. May mắn thay, không có đại lý nào của Toyota tại Ai Cập bị đập phá.

Trao đổi với tờ Autonews Europe, phát ngôn viên của hãng Toyota khẳng định doanh số bán hàng không bị ảnh hưởng. Nhà máy lắp ráp CKD của Toyota đặt tại thủ đô Cairo, Ai Cập cũng không bị tác động.

Tại nhà máy CKD, hãng Toyota hiện đang lắp ráp mẫu xe SUV cỡ trung Fortuner quen thuộc. Nhà máy CKD có tổng cộng 700 nhân viên.
 
Các hãng xe "nghe ngóng" động tĩnh tại Ai Cập 1
Toyota Fortuner được sản xuất tại nhà máy CKD.

Không riêng gì Toyota, tập đoàn General Motors cũng gặp nhiều rắc rối vì tình hình chính trị bất ổn tại Ai Cập. Mới đây, hãng GM đã phải giải thể hoàn toàn một nhà máy tại Cairo, Ai Cập. Tạm thời, tập đoàn xe Mỹ chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào liên quan đến những hoạt động kinh doanh khác tại Ai Cập.

Nắm trong tay 38 đại lý tại Ai Cập, Renault lại không bị ảnh hưởng từ những cuộc biểu tình nổi dậy. Hãng xe Pháp khẳng định đã cẩn thận giám sát mọi diễn biến. Tham gia thị trường Ai Cập từ năm 1979 nhưng Renault không đặt cơ sở sản xuất tại đất nước vùng Bắc Phi.

Hiện nay, Ai Cập là quốc gia sản xuất xe hơi lớn thứ 3 tại châu Phi, chỉ sau Nam Phi và Morocco. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe quốc tế (OICA), các hãng đã sản xuất tổng cộng 36.800 chiếc ôtô tại Ai Cập, giảm 11%.

Doanh số bán xe tại Ai Cập trong 4 tháng đầu năm 2013 đã tăng 14% lên con số 68.106 chiếc. Trong đó, Chevrolet là nhãn hiệu bán chạy nhất (16.124 xe) rồi mới đến Hyundai (10.510), Toyota (6.798), Kia (5.435) và Renault (3.155).