Tiêu chuẩn mới khiến nhiều hãng khó đạt mức 5 sao của ASEAN NCAP  - Ảnh 1.

ASEAN NCAP vừa thông báo họ đã triển khai các quy định thử nghiệm an toàn và hệ thống chấm điểm mới. Theo đó, chúng yêu cầu các phương tiện phải được trang bị nhiều công nghệ hỗ trợ người lái hơn để giảm thiểu tai nạn liên quan đến hành khách và xe máy.

Theo Quy định ASEAN NCAP mới cho giai đoạn 2021 - 2025, cơ quan này sẽ xếp hạng các phương tiện theo 4 hạng mục khác nhau: Bảo vệ Người lớn (40%), Bảo vệ Trẻ em (20%), Hỗ trợ An toàn (20%) và An toàn cho Người đi xe máy (20%). Trong khi đó, các quy định trước đây chỉ tập trung vào việc bảo vệ người lớn, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ an toàn.

Về phần An toàn cho Người đi xe máy, ASEAN NCAP sẽ trao điểm cho những phương tiện được trang bị các công nghệ an toàn như: Hỗ trợ Quan sát Điểm mù, Điều chỉnh Tia sáng Tự động, Nâng cao Quan sát Phía sau và Bảo vệ Người đi bộ.

Bên cạnh việc bổ sung tiêu chuẩn An toàn cho Người đi xe máy, cơ quan này cũng đưa thêm Hệ thống Phanh khẩn cấp Tự động (AEB) vào phần Hỗ trợ An toàn, kết hợp cũng các hệ thống cũ như: Chống bó cứng phanh (ABS), phân bổ lực phanh điện tử (EBD), ổn định thân xe điện tử (ESC) và nhắc nhở cài dây an toàn (SBR).

Mẫu xe đầu tiên được thử nghiệm theo Quy định mới của ASEAN NCAP 2021-2025 là Perodua Ativa, phiên bản nội địa Malaysia của Toyota Raize và Daihatsu Rocky. Xe đã đạt 83,4 điểm, xếp hạng 5 sao dù tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.

Theo ASEAN NCAP, việc gia tăng các vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ, người đi xe máy và đi xe đạp trong khu vực Đông Nam Á đã khiến họ phải sửa đổi các quy trình thử nghiệm để khiến những con đường an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Viết Hoàng

Theo Autoindustriya