Ngày 18/3 vừa qua, một chiếc xe Volvo tự hành chạy thử nghiệm tại Tempe, Arizona đã gây tai nạn dẫn tới một nạn nhân nữ tử vong. Đây là trường hợp tai nạn gây chết người đầu tiên xảy ra giữa xe tự lái và người tham gia giao thông.

Đây là điều khó tránh, vấn đề chỉ là thời gian. Các hãng xe tự lái đã đồng loạt gửi lời chia buồn đồng thời bắt tay tìm hiểu các dữ liệu thu thập được từ tai nạn để thu về thêm cho mình những bài học quý báu, tránh tình trạng tương tự xảy ra. Các nhà lập pháp và hành pháp Mỹ bắt tay vào điều tra. Uber cũng như các hãng xe khác tại Mỹ tạm ngưng chương trình thử xe tự lái trên đường phố công cộng.

Thử xe tự lái tại Mỹ và Nhật Bản: Bài học từ câu chuyện rùa và thỏ - Ảnh 1.

Vụ việc của Uber có thể làm chậm tiến độ ra mắt công nghệ tự lái tại Mỹ thêm vài năm.

Tuy nhiên, phản ứng từ phía Nhật Bản lại hoàn toàn khác và nó cũng thể hiện cách tiếp cận về nghiên cứu cũng như triển khai xe tự lái giữa họ với các công ty tới từ Mỹ.

Trái với các đối thủ ở bên kia bờ đại dương, các công ty nghiên cứu tự lái Nhật luôn rất kín tiếng về hoạt động phát triển công nghệ này. Nhiều người ngoài ngành thì cho rằng họ làm vậy là bởi tiến bộ về công nghệ tự lái của họ chưa đủ cao, tuy nhiên điều này hoàn toàn không đúng.

Trong khi các công ty tại Mỹ xuất hiện dày đặc trên các mặt báo về tiến độ thử xe tự lái, đối thủ của họ tại Nhật lại áp dụng phương thức tiến chậm mà chắc. Daisuke Okanohara, nhà đồng sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo (AI) nổi tiếng Preferred Networks – một đối tác thân cận của Toyota trong lĩnh vực tự lái, cho biết việc bạn thử xe ngoài đường phố công cộng hay không không nói lên gì về bức tranh toàn cảnh của thị trường và cũng không nói lên gì về công nghệ của bạn phát triển đến đâu. Theo ông, đây cũng chỉ là một phần rất nhỏ của công nghệ tự lái và thậm chí còn là một phần chiến lược tiếp thị.

Thử xe tự lái tại Mỹ và Nhật Bản: Bài học từ câu chuyện rùa và thỏ - Ảnh 2.

Cách tiếp cận khác nhau giữa các công ty công nghệ tự lái Nhật và Mỹ không có nghĩa công nghệ giữa họ có sự chênh lệch trong khả năng hay tốc độ phát triển.

Theo ông, cách để hiện thực hóa tầm nhìn của 2 bên là khác hẳn nhau. Chẳng hạn, dân số tại Nhật Bản có tỉ lệ cao là người lớn tuổi. Phần lớn trong số họ sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển hàng ngày, dẫn tới tỉ lệ các vụ tai nạn liên quan tới người lớn tuổi cũng đang tăng lên. Sau này, xe tự lái sẽ là phương tiện chính của nhóm đối tượng này. Do đó, các công ty tự lái Nhật Bản luôn đặt vấn đề an toàn và tin cậy lên hàng đầu cho các sản phẩm của mình.

Tình thế ở Mỹ thì lại khác. Thị trường xe tự lái nhắm đến là nhóm khách hàng trẻ - những người coi trọng tiện ích và sáng tạo công nghệ. Bởi vậy, các hãng xe phải luôn "thể hiện" mình là người đi đầu trong lĩnh vực sáng tạo, trong đó việc thử nghiệm rộng rãi trên đường phố công cộng là một phương thức hay được áp dụng. Tuy vậy, như đã nói, cách thể hiện của cả 2 bên không liên quan gì tới những tiến bộ công nghệ tự lái mà họ đạt được.

Với tai nạn gần đây, xe tự lái tại Mỹ chắc chắn sẽ phải đối mặt thêm với các quy định an toàn ngặt nghèo từ phía chính phủ, điều có thể làm chậm tiến độ ra mắt công nghệ này thêm tới hàng năm. Trong khi đó, tại Nhật, hướng đi chậm và chắc vốn đã được xác định từ đầu, do đó họ không cần phải thay đổi bất cứ điều gì. Niềm tin và chấp nhận của đại bộ phận người tiêu dùng tới từ kết quả, thay vì những bài thử nghiệm, những thông số hào nhoáng mà các hãng xe công bố. Ai là rùa, ai là thỏ, ai chiếm ưu thế ở đây có lẽ đã rõ.

Thử xe tự lái tại Mỹ và Nhật Bản: Bài học từ câu chuyện rùa và thỏ - Ảnh 3.

Tư tưởng chậm, chắc và an toàn lại đang tạo ưu thế không nhỏ cho các công ty tự lái Nhật, đặc biệt là trong việc gây dựng lòng tin của người tiêu dùng.

Phân khúc xe tự lái đầu tiên có thể được thương mại hóa theo nhiều chuyên gia là phân khúc xe bus tại khu vực nông thôn bởi chúng không yêu cầu công nghệ quá cao. Các tuyến đường di chuyển đều cố định, đường phố nông thôn không hay tắc nghẽn, phức tạp như đô thị đồng thời một hệ thống như vậy có thể mang tới hiệu quả kinh tế rất cao so với hệ thống bus do người điều khiển truyền thống.  

Tham khảo: Forbes