Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí, chủ trương khoán kinh phí sử dụng xe công đi làm đã được đưa ra từ năm 2007, với lộ trình khoán dần với những lãnh đạo có tiêu chuẩn định mức sử dụng xe công. Sau đó, Thủ tướng có thêm Quyết định 59/2007, 61/2010, tới Quyết định 32/2015, đều có chủ trương về khoán xe công, nhưng tất cả đều là khuyến khích mang tính tự nguyện, nên ít người thực hiện. Bộ Tài chính đã họp bàn và quyết định khoán xe công cho các lãnh đạo bộ.

“Nhà tôi cách trụ sở bộ 10km, mỗi ngày 2 lần đi về, mỗi tháng đi 22 ngày, mỗi kilomet được tính giá 15.000 đồng, nên mỗi tháng tôi được khoán chi phí đi lại là 6,6 triệu đồng”, ông Chí nói.

Ngay ngày đầu đi làm khi thực hiện khoán xe công (ngày 1/10), ông Chí đã được bắt gặp khi bước xuống cổng Bộ Tài chính từ taxi. Theo vị lãnh đạo này, có nhiều người hỏi ông đi làm bằng taxi như vậy có gặp vấn đề gì không, ông đều trả lời thấy bình thường.

“Việc đi làm bằng taxi rất bình thường, cũng đã thống nhất thực hiện, nhưng tôi rất ngại báo chí đưa lên xuống hoài. Không đi xe này mình đi xe khác, có sao đâu. Khi tôi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng có lúc đi xe Honda (xe máy - PV), xe đạp đâu có sao. Thấy tôi đi làm về bước xuống từ taxi, cũng có người hỏi tôi đi bằng taxi thật à? Tôi bảo, đi thật chứ giả gì. Cũng có người nói không đi xe công làm sao đi làm đúng giờ, sợ mất tài liệu, xe biển trắng không cho vào cơ quan… đó cũng chỉ là lý do thôi. Tôi đi làm từ 7h sáng, có hôm hẹn taxi rồi họ lại không tới, mình bắt taxi khác đi cũng đâu có sao”, ông Chí nói.

Theo ông Chí, sau một thời gian Bộ Tài chính thực hiện khoán kinh phí đi lại với các lãnh đạo, Bộ sẽ tổng kết để báo cáo Chính phủ.

Sau khi thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe công đi làm đối với lãnh đạo cấp Thứ trưởng, Tổng cục và tương đương, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các đơn vị có xe phục vụ chức danh chuyển sang chế độ khoán thực hiện rà soát, sắp xếp lại đội ngũ lái xe công. Các đơn vị phải rà soát, sắp xếp lại gồm: Văn phòng bộ, đại diện Văn phòng bộ tại TPHCM, Tổng Hải quan, Thuế, Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cục thuộc Bộ Tài chính.

Theo đó, các đơn vị thực hiện rà soát tổng thể số lượng các lái xe phục vụ công tác chung, số lượng lái xe phục vụ các chức danh đã được khoán. Trên cơ sở đó xây dựng phương án sắp xếp, bố trí lại các lái xe theo nguyên tắc giảm dần số lượng hiện có. Đồng thời sắp xếp, điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu, điều chuyển dần lái xe phục vụ xe chức danh đã được khoán sang lái xe phục vụ công tác chung hoặc bố trí làm công việc khác.

Theo quyết định của Bộ Tài chính, từ ngày 1/10, các thứ trưởng bộ này và lãnh đạo các đơn vị có hệ số lương từ 1,25 trở lên sẽ thực hiện khoán kinh phí đi lại. Người có mức kinh phí khoán thấp nhất là 3,96 triệu đồng/tháng, cao nhất là 9,9 triệu đồng/tháng.

Theo Tiền Phong