Ô tô gắn thương hiệu Việt Nam VinFast vừa được bán ra trên thị trường, đây là bước đầu tiên trong kế hoạch để trở thành một trung tâm sản xuất ô tô mới của quốc gia hình chữ S.
VinFast, một công ty con của VinGroup - tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, tháng trước đã tung ra mẫu xe sản xuất trong nước đầu tiên. Đó là một chiếc hatchback động cơ đốt trong với giá khoảng 19.000 USD, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Công ty hy vọng sẽ tung ra 12 mẫu ô tô khác nhau trong tương lai gần, bao gồm cả xe điện vào năm 2020, hướng tới mục tiêu sản xuất 250.000 xe/năm trong giai đoạn đầu tiên. Nhà máy có diện tích 335 ha được xây dựng ở một thị trấn ven biển phía Bắc Hải Phòng với khoản đầu tư 3,5 tỷ USD.
Công ty đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 500.000 xe/năm từ năm 2025.
Công nhân vận hành dây chuyền lắp ráp ô tô tại tổ hợp nhà máy VinFast tại Hải Phòng vào ngày 14 tháng 6 năm 2019. Ảnh: AFP/Manan Vatsyayana.
"Đây là bước đi đầu tiên để tiến vào ngành công nghiệp nặng", bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast nói tại Bangkok. "Chúng tôi sẽ bắt đầu với thị trường nội địa, nhưng mục tiêu là biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất ô tô".
Những từ này có thể được hiểu là Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh với ngành công nghiệp ô tô Thái Lan, nơi từ lâu được coi là Detroit của châu Á, đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu xứ chùa Vàng.
Thật vậy, sự thần tốc của VinFast (khởi công dự án sản xuất ô tô vào tháng 9/2017) đã gây ra mối lo ngại cho chính quyền Thái Lan.
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thái Lan dự kiến tăng dưới 3,5% trong năm nay, trong khi Việt Nam được dự đoán tăng thêm 6,7%. GDP bình quân đầu người mỗi năm của Thái Lan là 7.200 USD, trong khi Việt Nam hiện là 2.600 USD. Tuy nhiên, con số sẽ là 6.000 USD đối với hai thành phố lớn Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Các nhà kinh tế thường coi thu nhập 3.000 USD/người/năm là điểm bắt đầu cho sự bùng nổ của người tiêu dùng ở các thị trường mới nổi. Việt Nam có 98 triệu người tiêu dùng tiềm năng, so với 69 triệu của Thái Lan, nhưng nhiều trong số đó đã già hoặc thậm chí đang chìm sâu trong nợ nần.
"Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang ở điểm bùng phát của việc tiêu thụ ô tô", bà Thủy nói. "Số người sở hữu ô tô ở Việt Nam rất thấp, cứ 1.000 người mới có 20 chiếc xe. Trong khi con số ở Thái Lan gấp 10 lần. Việc tăng số lượng người sở hữu ô tô ở Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian".
Một công nhân tại nhà máy của Ford Thái Lan ở tỉnh Rayong, phía Đông Bangkok. Ảnh: Facebook
Ngành công nghiệp ô tô Thái Lan có lý do để lo lắng, đặc biệt Việt Nam gần đây đã tham gia 2 hiệp định thương mại tư do (FTA) lớn, bao gồm cả Liên minh châu Âu mà Thái Lan đã bỏ lỡ. Điều đó một phần do tình trạng đất nước Thái Lan liên tục đối mặt với các cuộc đảo chính trong 5 năm qua.
Ngày 30/6, Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), hứa hẹn sẽ giảm thuế theo cả hai chiều, kể cả đối với ô tô do Việt Nam sản xuất xuất khẩu ra các quốc gia châu Âu.
Năm ngoái, Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPATPP), một nhánh của TPP do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng, nhưng bị Tổng thống đương nhiệm Donald Trump từ chối. CPATPP sẽ hạ thuế quan đối hàng xuất khẩu của Việt Nam sang 11 quốc gia, ví dụ Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand và Singapore.
Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại của Thái Lan đã cảnh báo rằng, Thái Lan không phải thành viên của một số Hiệp định thương mại tự do, các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện ô tô ở Thái Lan nên chuẩn bị tinh thần trước việc nhiều nhà sản xuất ô tô nước ngoài sẽ chuyển đến Việt Nam để tận dụng các thỏa thuận trong Hiệp định và chi phí lao động rẻ hơn.
Xe bán tải cỡ trung là một trong những thành công của Thái Lan. Ảnh: Nikkei.
Năm ngoái, ô tô, phụ tùng và phụ kiện ô tô là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Thái Lan, lên tới 38,4 tỷ USD, giúp ngành này chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, theo số liệu của Ngân hàng Thái Lan.
Năm 2018, Úc là thị trường lớn nhất của ngành xuất khẩu ô tô Thái Lan, với giá trị tổng lô hàng lên tới 5,8 tỷ USD, tương đương 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sang nước này. Đối với phụ tùng và phụ kiện ô tô do Thái Lan sản xuất, thị trường lớn nhất là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (10 thành viên) với lô hàng trị giá 6 tỷ USD.
Thái Lan đã ký tổng cộng 13 Hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định thương mại tự do ASEAN và TAFTA với riêng nước Úc.
Thái Lan phát triển ngành công nghiệp ô tô từ giữa những năm 1990, và hiện đứng thứ 12 trên toàn thế giới về sản xuất ô tô, thu hút nhiều thương hiệu lớn như Toyota, Honda, BMW, Mercedes-Benz, Ford và Chevrolet tới đặt nhà máy.
Hiện có hơn 2.500 nhà cung cấp phụ tùng có trụ sở tại nước này, cung cấp cụm linh kiện ô tô lớn nhất trong khu vực.
Mọi người nhìn vào một mẫu xe hơi Proton ở Kuala Lumpur vào ngày 25 tháng 5 năm 2011. Ảnh: Kamarul Akhir
Tham vọng thành lập một ngành công nghiệp ô tô là bước đầu tiên để công nghiệp hóa rộng lớn là bước đi không chỉ có ở Việt Nam hay Thái Lan. Hầu hết các nền kinh tế lớn của ASEAN đã cố gắng trở thành cơ sở sản xuất ô tô (trừ Singapore), nhưng với mức độ thành công khác nhau. Malaysia đi theo con đường xe hơi quốc gia với Proton, ban đầu là một liên doanh với Mitsubishi Motors, nhưng bây giờ hãng xe Trung Quốc Geely là đối tác chiến lược.
Mỗi quốc gia có chiến lược riêng biệt. Malaysia chọn cách phát triển thương hiệu ô tô quốc gia nhưng chưa thành công như mong đợi. Thái Lan và Indonesia thu hút nhà sản xuất nước ngoài và thành công ở mức khác nhau.
Asia Times
Sau khi từ bỏ kế hoạch xe hơi quốc gia, Indonesia xúc tiến đầu tư vào các mẫu xe xanh giá rẻ từ năm 2013, cung cấp ưu đãi thuế cho một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản với điều kiện 80% phụ tùng, linh kiện sản xuất tại địa phương. Các mẫu xe xanh giá rẻ chiếm 20% doanh số ô tô tại quốc gia này.
Mặc dù bất cứ chiếc xe nào có hơn 40% linh kiện sản xuất trong khu vực ASEAN đều được hưởng thuế nhập khẩu 0% nội khối theo AFTA, nhưng có rất ít sự phối hợp sản xuất trong khối.
Titikorn Lertsirirungsun, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của LMC Automotive, một nhà nghiên cứu thị trường ô tô có trụ sở chính tại Anh Quốc cho biết, mỗi quốc gia có chính sách riêng và họ cạnh tranh với nhau.
Thái Lan không chọn con đường phát triển xe hơi quốc gia, thay vào đó là tập trung vào việc khuyến khích các nhà sản xuất ô tô tới quốc gia đặt nhà máy, bằng các ưu đãi thuế cho cả việc lắp ráp và sản xuất phụ tùng, linh kiện trong nước.
Nhờ thế mà Thái Lan đã có những thành công nhất định, cụ thể là phân khúc xe bán tải cỡ trung, chiếm 40% doanh số bán hàng trong nước và 20,5% xuất khẩu ô tô của quốc gia này trong năm ngoái. Thái Lan chỉ đứng sau Mỹ và Mexico trong lĩnh vực sản xuất xe bán tải trên thế giới.
Công nhân trên dây chuyền lắp ráp ô tô tại một nhà máy của Honda ở Ayuthaya, phía bắc Bangkok. Ảnh: AFP/Barshe Archambault.
Năm 2007, chính phủ nước này đưa ra thêm các ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào nền tảng xe thân thiện với môi trường, một loại phương tiện tiêu thụ nhiên liệu thấp, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải châu Âu.
Kết quả là 5 thương hiệu Nhật Bản đã đầu tư vào giai đoạn một, và 6 thương hiệu Toyota, Nissan, Honda, Mitsubishi, Mazda và Suzuki đầu tư vào giai đoạn hai của đề án. Đề án quy định sản xuất tối thiểu 100.000 xe/năm đối với mỗi nhà đầu tư, một điều khoản nhằm khuyến khích các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Cú hích mới nhất của Thái Lan là xe điện, vốn được cho là những chiếc xe của tương lai. Ủy ban Đầu tư (BOI) đã đưa ra các ưu đãi về thuế để khuyến khích các thương hiệu lớn đầu tư lắp ráp xe điện trong 4 năm qua.
Chính phủ tuyên bố đã thu hút 4,7 tỷ USD cho các ứng dụng để sản xuất ô tô hybrid-điện, cơ sở sản xuất xe điện và pin hybrid, bên cạnh đó là các trạm sạc EV.
Mercedes-Benz có doanh số ấn tượng về dòng ô tô hybrid và plug-in lắp ráp tại địa phương trong năm 2017-2018, với các công nghệ hấp dẫn người giàu có.
Chi phí cao là rào cản lớn nhất để xe điện phổ rộng, hầu hết các nhà phân tích không thấy xe điện có cơ hội thay thế xe sử dụng động cơ đốt trong ở Thái Lan, chưa nói đến thị trường mới nổi như Việt Nam. Riêng bộ phận pin đã chiếm khoảng 30-40% chi phí sản xuất một chiếc xe điện, đó là chưa kể đến tình trạng giá lithium đang tăng lên trên toàn cầu.
Xe điện sạc trong nhà để xe. Ảnh: iStock
Trung tâm nghiên cứu Kasikorn có trụ sở tại Bangkok, Thái Lan, ước tính rằng xe điện sẽ chiếm 10% doanh số bán xe tại Thái Lan vào năm 2028 và tăng lên 20% vào năm 2038. Năm 2018, xe điện chỉ chiếm 1,3% doanh số bán xe tại Thái Lan, trong tổng số 1,261 triệu xe bán ra.
Điều này có thể đặt ra một số câu hỏi về tham vọng của VinFast khi ra mắt một số mẫu xe điện tại Việt Nam, nơi thu nhập bình quân đầu người vẫn còn tương đối thấp, mặc dù thu nhập bình quân trên đầu người đang tăng nhanh.
Các nhà phân tích cho rằng VinFast có thể gặp "may mắn" hơn khi tập trung vào xe máy điện, sản phẩm đã được tung ra thị trường nội địa vào tháng 12 năm ngoái. Nhu cầu xe máy hàng năm của Việt Nam là gần 3,5 triệu.
Triển vọng VinFast giúp Việt Nam đánh bại Thái Lan để trở thành trung tâm sản xuất ô tô Đông Nam Á hiện mới ở giai đoạn đầu. Tập đoạn VinGroup hiện có cổ phiếu niêm yết lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi người sáng lập Phạm Nhật Vượng được cho là có tài sản ròng 6,7 tỷ USD.
Một chiếc VinFast Lux SA2.0 chuẩn bị xuất xưởng. Ảnh: VinFast.
Doanh thu của VinGroup chủ yếu đến từ đầu tư bất động sản (năm 2017 tổng doanh thu là 4 tỷ USD, với lợi nhuận ròng 254 triệu USD). Vào tháng 12/2018, họ cũng khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại thông minh đầu tiên của Việt Nam.
Công ty này dường như được hỗ trợ rất nhiều từ chính phủ, vì Việt Nam muốn tạo ra các doanh nghiệp dẫn đầu trong nước để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu.
3,5 tỷ USD là một khoản đầu tư khổng lồ, nó có thể dựng lên hoặc phá vỡ thành công của VinGroup trong tương lai
Lê Hồng Hiệp, tác giả cuốn "Tham vọng công nghiệp hóa của Việt Nam: Trường hợp của VinGroup và ngành công nghiệp ô tô" xuất bản gần đây.
Theo: Asia Times