Ở một số quốc gia, chạm tay vào tấm bằng lái là điều không hề đơn giản một chút nào. Như Nhật Bản chẳng hạn, chỉ có 35% thí sinh lấy được bằng trong mỗi kỳ thi mà thôi.
Bất kỳ đâu cũng vậy, muốn lái một chiếc ô tô trên đường một cách hợp pháp, bạn cần phải có bằng lái xe. Đó là thứ dùng để chứng nhận rằng bạn có đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn.
Tuy nhiên, điều kiện để nhận bằng thì mỗi nước mỗi khác. Trong khi một số nơi cho phép người dân lấy bằng khá dễ dàng, thì cũng có một vài quốc gia biến nó thành một kỳ thi siêu khó, đầy khắt khe và phải "trầy vi tróc vảy" mới vượt qua được.
1. Nhật Bản: Đất nước khó lấy bằng nhất
Ở Nhật Bản, một người phải đủ 18 tuổi mới được phép tham gia thi lấy bằng lái xe. Và phải nói rằng đó là một kỳ thi cực kỳ khốc liệt. Chỉ cần phạm bất kỳ lỗi nào - chẳng hạn như lái xe lệch phải quá nhiều, bạn lập tức bị đánh trượt, không có cơ hội thứ 2.
Thực tế, mỗi kỳ thi lấy bằng chỉ có khoảng 35% vượt qua được mà thôi. Nguyên do cũng bởi kỳ thi này có quá nhiều quy tắc. Chẳng hạn như bài thực hành, tài xế sẽ luôn phải duy trì tốc độ 30km/h trên những tình huống mô phỏng lại các điều kiện thực tế, trong khi phải nhớ hô thành tiếng trước khi thực hiện động tác. Ví dụ, họ phải nói "Tôi chuẩn bị rẽ đây", rồi mơi được phép đánh tay lái.
2. Trung Quốc: kỳ thi kéo dài... 6 năm
Sở dĩ nói như vậy là vì sau khi lấy được bằng lái, thử thách cho các tài xế tại Trung Quốc vẫn chưa kết thúc.
Đầu tiên, họ sẽ phải trải qua kỳ thực tập kéo dài 12 tháng. Trong giai đoạn này, họ sẽ phải dán chữ "thực tập" vào phía sau xe, nếu không sẽ bị phạt khoảng 30 USD khi bị phát hiện.
Họ cũng không được phép để bị phạt, vì mỗi lỗi sẽ bị trừ điểm, tổng cộng là 12 điểm. Nếu bị trừ trong khoảng 1 - 11 điểm vào năm đầu tiên thì bên cạnh việc nộp tiền phạt, thời hạn thực tập sẽ tự động bị gia hạn thêm 1 năm nữa.
Trong năm kế tiếp, điểm sẽ được khôi phục lên con số 12, nhưng nếu bị trừ hết thì tư cách tài xế sẽ bị hủy bỏ, và họ sẽ phải đăng ký thi lấy bằng một lần nữa.
Nhưng ngay cả khi kỳ thực tập kết thúc, mọi chuyện vẫn chưa dừng lại. Trong vòng 6 năm kế tiếp, họ sẽ phải đảm bảo rằng số điểm không bị trừ quá 12 để được đổi sang bằng lái có hiệu lực 10 năm. Trong 10 năm kế nếu vẫn chưa bị trừ điểm, tấm bằng sẽ được đổi sang loại có hiệu lực vĩnh viễn.
3. Đan Mạch: Kỳ thi dài lê thê
Độ tuổi tối thiểu được phép lái xe ở Đan Mạch là 17 - nghĩa là về mặt lý thuyết thì một cậu học sinh trung học tại Đan Mạch đã có thể lái xe một cách hợp pháp. Tuy nhiên trước khi cậu học sinh ấy ngồi lên xe, cậu sẽ phải trải qua tổng cộng 28 giờ học lý thuyết giao thông đường bộ, cùng 7h huấn lyện sơ cứu.
Giả sử mỗi buổi học kéo dài 2h đồng hồ, nghĩa là bạn sẽ mất ít nhất 17 ngày chỉ để nạp khối kiến thức này. Ngoài ra, các tài xế còn phải thực hành lái xe trên đường trơn, trải qua một vài giờ phụ đạo để chạy lùi, chạy zig zag, cua vòng số 8...
Sau khi hoàn thành toàn bộ khóa huấn luyện, đó mới là điều kiện đủ để bạn chính xức tham gia kỳ thi lấy bằng thực sự.
4. Nga: 150h lý thuyết
Để có được bằng lái xe tại Nga, bạn cần phải tham dự ít nhất 150h học lý thuyết, kèm 56 tiếng thực hành sau tay lái.
Kỳ thi thực hành tại Nga cũng không dễ dàng gì, với 2 phần thi phải vượt qua là lái xe trong trường hướng dẫn, và thực hành lái xe ngoài đường phố.
5. Thụy Sĩ: chi cả trăm triệu cũng chưa chắc có bằng
Lấy bằng lái xe tại Thụy Sĩ là một chuyện khá tốn kém. Người đi thi sẽ được yêu cầu tham gia khá nhiều khóa học, và mỗi nơi sẽ "hút" của bạn một ít tiền.
Đầu tiên, bạn sẽ phải tham gia khóa học sơ cứu với giá khoảng $150. Sau đó là đi khám mắt - mất thêm $20, rồi tiền chụp ảnh (bắt buộc - khoảng $15), tiền tài liệu (khoảng $10)...
Phí tham dự kỳ thi lý thuyết tốn khoảng $35. Nếu vượt qua, bạn sẽ được phát một tấm bằng học lái - có giá trị trong 2 năm - rồi tốn thêm $100 nữa để nhập trường và 200 đô học lý thuyết kéo dài khoảng 8h.
Đó là những điều kiện bắt buộc, trước khi bạn tham gia kỳ thi thực hành (tốn thêm $130) nữa, cộng thêm $50 tiền giấy tờ thi cử.
Và tất cả chỗ tiền ấy chỉ để đem lại cho bạ một tấm bằng có thời hạn... 2 năm. Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ phải tham dự thêm 2 khoá học nữa (tốn khoảng $600), và cuối cùng mới được cấp bằng lái xe.
Tổng cộng, số tiền phải tiêu tốn sẽ rơi vào khoảng $3400 (nếu bạn may mắn không trượt).
6. Brazil: Phải khám tâm lý trước khi thi
Brazil là một trong những quốc gia có quy định khắt khe nhất dành cho kỳ thi lấy bằng lái. Trước khi tham dự kỳ thi, các tài xế phải trải qua một bài kiểm tra tâm lý nhằm xác định xem có đủ năng lực tinh thần để ngồi sau tay lái không.
Nghe tưởng đơn giản, nhưng bài kiểm tra có thể xác định xu hướng bạo lực và dấu hiệu lạm dụng đồ uống có cồn. Nếu trượt, có khả năng là rất lâu sau đó bạn mới có thể thi lại được đấy.
Ngay cả khi vượt qua được bài kiểm tra, các tài xế còn phải tham dự ít nhất là 9/15 lớp học lái xe, và chỉ nhận được bằng lái tạm thời có thời hạn 1 năm. Trong thời gian này họ phải đảm bảo không gây ra bất kỳ vi phạm luật lệ nào mới có thể nhận được bằng chính thức.
Tham khảo: Business Insider