Thấy gì từ thỏa thuận bảo lãnh tỷ đô của 2 ngân hàng thế giới cho VinFast? - Ảnh 1.

VinFast không dùng nguồn vốn Việt để xây nhà máy tại Mỹ

Ngày 13/7, VinFast chính thức kí kết thỏa thuận thu xếp vốn với Credit Suisse và Citigroup. Cụ thể, ngân hàng Credit Suisse (Singapore) Ltd là bên thu xếp cho các đợt phát hành, chào bán chứng khoán của VinFast hoặc công ty con trên toàn cầu với quy mô tối thiểu 2 tỷ USD. Trong khi ấy, Citigroup Global Markets Inc (Mỹ) sẽ là đơn vị tư vấn cho quá trình huy động tối thiểu 2 tỷ USD để xây dựng nhà máy của VinFast tại Bắc Carolina (Mỹ).

Theo TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương (CIEM), điều này có nghĩa, VinFast kinh doanh ở nước ngoài theo cách không dùng vốn hiện có, từ Việt Nam. Nguồn lực để hãng xe Việt thực hiện những kế hoạch lớn ở Mỹ sẽ hoàn toàn được huy động ở nước ngoài.

Để thực hiện, trước hết VinFast cần đơn vị bảo lãnh uy tín để đảm bảo thành công cho huy động vốn, trong trường hợp này là Credit Suisse và Citigroup. Các tập đoàn trên thế giới thường cũng chọn cách này. Với doanh nghiệp Việt, đây được coi là một thành công lớn khi tạo ra bệ phóng để phát triển ra toàn cầu.

Thực tế, trước đó Vingroup là một trong số không nhiều doanh nghiệp Việt Nam từng huy động được các khoản vay lớn từ nguồn vốn ngoại. Đơn cử như năm 2018, VinFast được Euler Hermes – cơ quan tín dụng xuất khẩu thuộc Chính phủ Đức – bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD nhằm nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ việc thiết lập nhà xưởng tại Hải Phòng. Hay, mới đây nhất tháng 5/2022, Vingroup đã phát hành thành công 525 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế để bổ sung vốn cho Vingroup, góp vốn trực tiếp vào VinFast.

Bình luận về việc này, chuyên gia Vũ Đình Ánh nhận định: "VinFast đang vươn lên tầm doanh nghiệp toàn cầu. Đối thủ cạnh tranh là toàn cầu. Bởi thế, nguồn lực tài chính cũng phải mang tầm toàn cầu".

Có chung góc nhìn, TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, hãng xe Việt đang khẳng định mình là "tay chơi toàn cầu quốc tịch Việt". Bởi thế, mọi thao thác cũng cần dựa trên nguyên tắc hội nhập, trong đó bao gồm cả hội tụ nguồn lực tài chính toàn cầu, giống như thông lệ mà nhiều tập đoàn thế giới đang triển khai.

Theo vị chuyên gia, trong lúc nguồn lực Việt Nam còn thiếu, việc huy động vốn từ nước ngoài cũng là cách làm thể hiện trách nhiệm của những doanh nghiệp lớn, nhằm phân bổ nguồn lực phát triển cho đất nước.

"Hãng xe Việt Nam đang thể hiện uy tín toàn cầu"

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Đình Cung phân tích, không dễ để lọt vào mắt xanh của những tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Credit Suisse hay Citigroup. "Không phải doanh nghiệp nào cũng được họ bảo lãnh", ông khẳng định.

Theo ông, việc đồng ý tư vấn bảo lãnh với thương hiệu xe Việt chứng tỏ hai ngân hàng lớn đánh giá cao chiến lược đầu tư kinh doanh của VinFast. "Giới đầu tư thế giới, nhất là Mỹ, họ không quan tâm doanh nghiệp tới từ đâu mà họ quan tâm tới thị trường, mô hình kinh doanh, ý tưởng, ngành nghề, tương lai của doanh nghiệp ấy", ông Cung nói.

Quan trọng hơn, ông Cung cho rằng VinFast đã thể hiện và được công nhận "uy tín toàn cầu". Chính vì thế, hồi tháng 3/2022, khi thông báo đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất pin và ô tô điện Bắc Carolina, VinFast đã được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố "hoan nghênh" vì là nhân tố tác động tích cực tới lực lượng lao động cũng như nền kinh tế của Mỹ. Trong hàng nghìn doanh nghiệp muốn đặt chân vào thị trường này mỗi năm, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ uy tín để được chào đón một cách trân trọng như vậy.

Theo TS. Trần Đình Thiên, điều khiến giới đầu tư nước ngoài coi trọng VinFast là tầm nhìn của một doanh nghiệp đã từng "dám" quyết đoán buông một số mảng kinh doanh đang phát triển mạnh  để tập trung cho lĩnh vực cốt lõi, trong đó lựa chọn tương lai là xe điện. "Đó là lựa chọn phù hợp với tương lai và loài người. Cách tiếp cận phát triển chính là điều quan trọng thế giới nhìn thấy ở VinFast. Họ không chỉ nhìn vào VinFast mà còn đánh giá cả một lịch sử của Vingroup", TS. Trần Đình Thiên phân tích.

Về bức tranh tổng thể, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, một doanh nghiệp Việt, dù tư nhân hay Nhà nước có sản phẩm công nghiệp, công nghệ cao đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu cao và cạnh tranh gay gắt như Mỹ luôn cần được hỗ trợ, khuyến khích. Tuy vậy, trên thực tế vẫn tồn tại tư duy tiêu cực trong những trường hợp tương tự, cho rằng việc đầu tư ra thị trường quốc tế là "chảy máu" nguồn lực Việt hay "làm giàu" cho nước ngoài.

"Trong môi trường mở như hiện tại, doanh nghiệp muốn thành công thì không có cách nào khác là Go Global – tiến ra thế giới để đầu tư, cạnh tranh sòng phẳng ngay trên sân khách. Khi doanh nghiệp phát triển thì nền kinh tế Việt Nam mới phát triển được. Xu hướng đó rất cần thiết luôn cần những người tiên phong", ông Cung nói.

https://cafef.vn/thay-gi-tu-thoa-thuan-bao-lanh-ty-do-cua-2-ngan-hang-the-gioi-cho-vinfast-20220713230757792.chn