Trong năm ngoái, Tesla ra mắt gói "Full Self-Driving" (FSD – tạm dịch tự lái hoàn chỉnh) trong sự chỉ trích của giới chuyên môn và không ít người tiêu dùng khi cho rằng tên gọi này là gây hiểu lầm và không chính xác. Hệ thống của Tesla còn xa mới chạm tới mức tự lái hoàn chỉnh khi vẫn yêu cầu người dùng chiếm quyền điều khiển bất cứ lúc nào và thậm chí còn chưa tới cấp 4 trên 5.

Tesla sau đó khẳng định người dùng đã sử dụng sai mục đích hệ thống FSD trong khi không nói gì tới tên gọi trên. Sự thực tại thung lũng Silicon chỉ có 1: người tiêu dùng không phải là thượng đế mà chỉ là "chuột bạch" của các đại gia công nghệ.

Kể từ khi các dòng xe Tesla xuất hiện trên thị trường vào thập kỷ trước, chúng đã được mệnh danh là iPhone 4 bánh, thể hiện rõ sự trân trọng của người tiêu dùng khu vực tới bước nhảy vọt tạo thành từ các dòng xe trên. Màn hình cảm ứng cỡ lớn, mạng lưới sạc rộng khắp, khả năng vận hành đỉnh cao và sự đồng nhất giữa phần cứng với phần mềm – mọi thứ đều gây liên tưởng tới Apple khi đó.

Thấy bóng hình Apple trong Tesla, người dùng bắt đầu lo sợ về động thái tương lai của hãng xe này - Ảnh 1.

Tương tự Apple, Tesla cũng xây dựng thương hiệu của mình dựa trên sự tươi mới, hào nhoáng, tính độc quyền và cả đắt đỏ. Họ cũng là một trong những đại gia hiếm hoi ưu tiên trải nghiệm sản phẩm hơn là tính đa dụng của sản phẩm – yếu tố có thể nói là "độc nhất vô nhị" làng xe bấy giờ.

Và như vậy, cũng tương tự Apple, Tesla "khóa" người dùng của họ vào một hệ sinh thái riêng đắt đỏ hơn phần còn lại của thị trường – nơi luật lệ, chi phí hay thậm chí là quyền sử dụng sản phẩm của người dùng đều nằm trong tay hãng. Tesla từng thuê nhiều lãnh đạo Apple về để học hỏi ngôn ngữ thiết kế và văn hóa của họ, những người này lại dẫn theo nhân viên dưới quyền mình.

"Tesla không phải là một hãng xe. Họ là một công ty công nghệ có khả năng lắp ráp xe", một cựu nhân viên giấu tên từng làm việc tại cả Apple và Tesla khẳng định. Việc lãnh đạo và cả nhân viên 2 phía… đổi chỗ qua lại không hề là việc hiếm gặp, họ thậm chí còn có nguồn tuyển dụng giống nhau.

Thấy bóng hình Apple trong Tesla, người dùng bắt đầu lo sợ về động thái tương lai của hãng xe này - Ảnh 2.

Ngay cả CEO Elon Musk cũng có nhiều điểm giống Steve Jobs. Ông có thể lướt điện thoại trong phần lớn thời gian một buổi họp trước khi "bùng nổ" trước một ý tưởng thiếu sáng tạo hay hợp lý để quát tháo và rồi sa thải nhân viên "không hoàn thành phần việc của mình", một người khác từng làm việc cùng cả 2 tiết lộ.

Các dòng sản phẩm của Apple và Tesla cũng vô cùng giống nhau. Chúng có thể đặc biệt nhanh, nhạy khi mới ra mắt thị trường nhờ phần cứng và mềm được đồng bộ nhưng khi phần cứng đã có tuổi còn phần mềm được nâng cấp dần theo năm tháng, khả năng vận hành của sản phẩm lập tức gặp vấn đề.

Tuổi đời pin trên điện thoại Apple cũng như xe Tesla là yếu tố "xuống cấp" nhanh nhất trong những tình huống như vậy. Không ít người dùng Tesla khẳng định tầm vận hành xe của họ rồi sau đó là khả năng tăng tốc và cả thời gian sạc đều giảm dần theo thời gian khi hãng xe Mỹ tiến hành nâng cấp phần mềm xe tự động qua Internet. Hiện Apple vẫn đang bị NHTSA điều tra vì sự việc này.

Thấy bóng hình Apple trong Tesla, người dùng bắt đầu lo sợ về động thái tương lai của hãng xe này - Ảnh 3.

Về phần mình, Apple cũng đã phải trả 113 triệu USD tiền đền bù và dàn xếp một vấn đề tương tự khi giới hạn khả năng vận hành phần cứng trên các dòng thiết bị cũ để "tiết kiệm pin".

Một điểm giống giữa Tesla và Apple khác là việc các dòng sản phẩm của họ rất khó chỉnh sửa. Với cả 2, dòng sản phẩm của họ trên thị trường đã ở ngưỡng "tối ưu" và không muốn người dùng hay các bên thứ 3 đụng chạm nhiều. Thiên hướng thử nghiệm những cái mới… không hiệu quả và chẳng giống ai (bàn phím cánh bướm, cổng sạc riêng… trên Apple hay cần gạt số và vô lăng mới trên xe Tesla) cũng là một điểm tương tự khác.

Điểm khác chăng, giữa Tesla và Apple, là đại gia công nghệ trên không bao giờ để các sản phẩm nửa vời tới tay khách hàng trong khi Tesla, từ Autopilot "tự lái" tới các dòng xe mới, đều ra mắt thị trường trong tình trạng chưa hoàn tất.

Nếu có một ngày Apple thật sự tham chiến làng xe toàn cầu, họ sẽ phải đối mặt với một "bản sao" đã có bề dày lịch sử ít nhất một thập kỷ với cách tiếp cận gần như y chang mình - điều sẽ ngăn trở hãng rất nhiều nếu tham vọng của họ là trở thành một trong những đại gia mới nổi trong làng xe điện.

Tham khảo: Washington Post

Thấy bóng hình Apple trong Tesla, người dùng bắt đầu lo sợ về động thái tương lai của hãng xe này - Ảnh 4.