Lịch sử tàu siêu tốc Shinkansen của Nhật Bản

Shinkansen là một khái niệm hoàn toàn mới do người Nhật đưa ra vào khoảng những năm '40. Vào thời điểm đó, chính phủ Nhật đã thông qua dự án thành lập tuyến đường nối Tokyo và Osaka với tham vọng giảm thời gian đi hết khoảng cách 550 km từ 7 tiếng xuống còn 4 tiếng. Đây là thời điểm từ "Shinkansen" bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản. Dự án này có tên Shinkansen cũng bởi mang một ý nghĩa khác, đó là tuyến đường sắt mới với hệ thống toàn tuyến đều dùng điện.

Để có thể thực hiện được dự án này, Nhật Bản đã phải gửi các kỹ sư sang Pháp hay Đức để học hỏi kỹ thuật xây dựng đường ray khổ 1.435 mm của phương Tây. Trước đó, Nhật Bản sử dụng đường ray khổ hẹp 1.067 mm. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng phải phải nhập khẩu một số bộ phận chính của Đức hay Pháp lắp ráp vào các loại xe điện bình thường.

Nước Nhật đã mất hơn mười năm để chuẩn bị và phải đến tận những năm đầu của thập niên '50, họ mới chính thức tự làm chủ toàn bộ thiết kế, kỹ thuật của toa tàu điện bình thường, kỹ thuật điện áp và kỹ thuật đường ray mà không còn phụ thuộc vào phương Tây. Ba thương hiệu công nghiệp của Nhật Bản là Hitachi, Kawasaki và Mitsubishi là ba hãng chế tạo chính các đầu xe bên cạnh một số công ty khác của ngành đường sắt. Năm 1957, Nhật đã nâng tốc độ của tàu điện lên 145 km/h và chỉ đến 2 năm sau, tốc độ tiếp tục được cải thiện lên 163 km/h.


Tàu điện Shinkansen Hayabusha với tốc độ thực tế khoảng 300 km/h.

Tàu điện Shinkansen Hayabusha với tốc độ thực tế khoảng 300 km/h.

Cuộc chạy đua để phát triển tàu điện cao tốc Shinkansen

Nhật Bản không chú trọng chạy đua về tốc độ tối đa của những đoàn tàu Shinkansen với các nước châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc, Hàn Quốc mà họ chỉ ưu tiên độ an toàn trên hết. Nhiều năm sau chuyến Shinkansen đầu tiên, các tuyến đường mới nối các tỉnh thành khác lần lượt ra đời nhưng tốc độ vẫn chỉ giới hạn 210 km/h.

Phải tới cuối những năm '80, một số loại tàu Shinkansen mới ra đời với công nghệ tân tiến hơn cùng công nghệ đèn tín hiệu được nâng cao thì Nhật mới dần dần tăng tốc độ cho Shinkansen. Trên thực tế, các đoàn tàu điện Shinkansen luôn chạy với tốc độ thấp hơn từ 80-100 km/h so với tốc độ thực nhằm bảo đảm an toàn.


Tàu điện Shinkansen Linear có tốc độ thực tế lên tới 581 km/h.

Tàu điện Shinkansen Linear có tốc độ thực tế lên tới 581 km/h.

Mỗi khi các kỹ sư Nhật cho ra đời loại tàu điện Shinkansen mới thì tốc độ cũng chỉ được nâng lên khoảng 20-30 km/h trong khi độ an toàn tăng gấp hai, ba lần so với các thế hệ cũ. Chỉ duy nhất một thế hệ Shinkansen mang tính chất đua tốc độ với nước ngoài là Linear. Loại tàu từ trường này được Nhật đưa vào chạy thử nghiệm từ tháng 7/1977. Cho đến đầu năm 2009, Nhật Bản mới lên kế hoạch thương mại hóa và đang xây dựng tuyến đường riêng cho loại tàu này.

Shinkansen Linear 2 lần nắm giữ kỷ lục "Tàu điện chạy nhanh nhất trên thế giới" vào năm 1979 và 2003 với tốc độ lần lượt là 517 km/h và 581 km/h. Chúng ta có thể xem chiếc tàu điện Shinkansen Linear chạy như thế nào ở đoạn video dưới đây.

img

Shinkansen Linear - tàu điện nhanh nhất thế giới của người Nhật

Vào năm 2015, công ty vận tải đường sắt JR Tokai, Nhật Bản đã công bố kết quả chạy thử nghiệm tuyến tàu cao tốc thế hệ mới nhất Linear với vận tốc 603 km/giờ. Để có thể thực hiện được điều này, tàu Shinkansen Linear được sử dụng nguyên lý Maglev (đệm từ trường) và nếu công nghệ được cải tiến thì đoàn tàu này có thể đạt tốc độ 700 km/h vào năm 2027.

Điều đáng nói ở đây, công nghệ Maglev được người Đức phát minh và giữ bằng sáng chế nhưng chính người Đức cũng chưa sở hữu con tàu nào như thế. Người Nhật chỉ là học trò nhưng lại tỏ ra xuất sắc và táo bạo hơn người Đức. Nếu tàu Shinkansen Linear được đưa vào sử dụng, nó sẽ đe dọa nghiêm trọng đến ngành hàng không và cao tốc đường bộ khi vận tốc của đoàn tày này còn vượt cả vận tốc trung trình của máy bay.

Hiện có tổng cộng 8 tuyến Shinkansen đang hoạt động tại Nhật, bao gồm Tohoku, Akita, Yamagata, Joetsu, Nagano, Tokaido, Sanyo và Kyushu. Có 3 tuyến khác đang trong giai đoạn hoàn thành cùng một tuyến đặc biệt Chuo Shinkansen dành riêng cho Linear sẽ hoàn thành vào năm 2027.

Tàu siêu tốc Shinkansen - kỷ lục gia về an toàn

Có lẽ không ngoa khi nói rằng tàu siêu tốc Shinkansen là phương tiện giao thông duy nhất của loài người chưa từng xảy ra bất kỳ tai nạn gây thương tích hay chết chóc nào cho hành khách trong lịch sử hoạt động. Ngay cả việc tàu đang chạy với tốc độ 200 km/h và gặp động đất bất ngờ dẫn đến việc trật đường ray năm 2004 cũng không hề có bất kỳ hành khách nào bị thương do hệ thống dừng tự động và công nghệ thăng bằng trên Shinkansen hoạt động quá hoàn hảo.

Trong lịch sử Shinkansen, chỉ có duy nhất một sự kiện liên quan đến nhân mạng. Đó là ngày 27/12/1995, một nam sinh trung học 17 tuổi đã bị chết tại nhà ga Mishima.

Ban đầu, đoàn tàu Kodama 475 đi từ Tokyo đến Nagoya và dừng ga Mishima khoảng ba phút. Nam sinh này đã ra khỏi tàu để đến trạm điện thoại công cộng gọi cho gia đình. Do không để ý đến thời gian, khi có tiếng báo hiệu tàu sắp chạy thì thanh niên này mới gấp gáp đuổi theo. Cửa tự động lúc này đã được đóng kín lại nhưng thanh niên này vẫn cố gắng kẹp ngón tay vào nhằm mở ra. Hậu quả là thanh niên này bị kéo khoảng 160 m từ lúc tàu lăn bánh đến lúc nhân viên nhà ga phát hiện ra và nhấn nút thắng khẩn cấp, đầu bị đập xuống đường ray và tử vong tại chỗ.

Sự kiện này đáng lẽ đã trở thành vết nhơ duy nhất về độ an toàn của Shinkansen. Tuy nhiên, khi các nhà điều tra vào cuộc và kiểm tra băng ghi hình đã kết luận lỗi thuộc về thanh niên 17 tuổi này. Vì vậy, sự việc chết người tại ga Mishima không được cảnh sát liệt vào danh sách tai nạn giao thông do phương tiện gây ra mà bị liệt vào tai nạn tự tử do con người tự gây nên. Gia đình nạn nhân cũng không thể phủ nhận kết luận này. Kỷ lục an toàn tuyệt đối của Shinkansen cũng không bị lung lay khi kết quả cuối cùng được tuyên bố.

Shinkansen không chỉ có tốc độ, an toàn mà còn có cả sự chuyên nghiệp

Bên cạnh tốc độ di chuyển ngày càng được nâng cao thì ngành đường sắt Nhật Bản còn nổi danh với "7 phút thần kỳ" khi vệ sinh toàn bộ đoàn tàu chỉ trong 7 phút tính từ khi tàu vào ga. Điều này phát sinh là do thời gian đến và đi của các đoàn tàu Shinkansen rất chính xác và độ sai lệch chỉ tính bằng vào chục giây nên việc vệ sinh đoàn tàu cũng đòi hỏi sự nhanh, gọn và chính xác. Người Nhật lại một lần nữa khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

img

Người Nhật dọn dẹp tàu điện siêu tốc chỉ trong 7 phút.

Có thể nói, tàu điện siêu tốc Shinkansen là một phát minh đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hàng đầu châu Á về ngành đường sắt. Nếu gọi tàu điện cao tốc Shinkansen là niềm tự hào của châu Á trong ngành công nghiệp đường sắt thế giới thì cũng không có gì là quá bởi ngay cả những nước phương Tây cũng đang trên đường đuổi theo những công nghệ đường sắt của Nhật Bản.