Từng tiên phong với xu hướng xe lai nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu khí thải ra môi trường từ 2 thập kỷ trước, Toyota hiện lại từ chối cam kết chuyển hoàn toàn sang xe điện như nhiều hãng xe đã làm.
"Bước lùi" của gã khổng lồ
Hai thập kỷ trước, Toyota đã trở thành nhà sản xuất ô tô yêu thích của các nhà bảo vệ môi trường Mỹ và những người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường. Thành tích của họ tới từ dòng xe lai Prius, phương tiện điện khí hóa nằm trong số những phương tiện sạch và tiết kiệm nhiên liệu nhất từng được sản xuất.
Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp ô tô chuyển sang xu thế chạy điện, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã mất điểm nghiêm trọng trong mắt những người ủng hộ cốt lõi. Toyota từ chối cam kết chuyển hoàn toàn sang sản xuất xe điện .
“Thực tế là công nghệ lai mà Toyota đang sử dụng không hoàn toàn xanh. Xe lai Prius chạy bằng động cơ đốt trong gây ô nhiễm, vốn có trên bất cứ chiếc ô tô chạy năng lượng hóa thạch nào”, Katherine García, một nhà hoạt động vì môi trường, cho biết.
Tuần trước, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) cũng đã xếp Toyota ở vị trí cuối cùng trong nghiên cứu của họ về nỗ lực khử carbon của 10 doanh nghiệp sản xuất ô tô. Lý do được đưa ra là do Toyota chậm trễ trong việc chuyển sang xe điện , khi doanh số bán loại phương tiện này chưa chiếm tới 1% tổng doanh số bán hàng của họ.
Trong khi các nhà sản xuất ô tô như General Motors, Volkswagen… tuyên bố đầu tư hàng tỷ USD để phát triển các loại xe chạy hoàn toàn bằng điện, Toyota tụt lùi lại. Họ chỉ mới công bố các khoản đầu tư tương tự thời gian gần đây. Ngoài ra, họ cũng tiếp tục đầu tư vào danh mục các phương tiện “điện khí hóa”, những mẫu xe lai sở hữu động cơ đốt trong.
Toyota không đơn độc. Nhiều doanh nghiệp sản xuất khác như Stellantis, Ford và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác cũng đẩy mạnh tiếp tục đầu tư vào các dòng xe lai. Điều đó có nghĩa là cạnh tranh trong mảng này không nhỏ cũng như dấy lên câu hỏi về cam kết của Toyota trong việc trở thành công ty trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.
Lý do đằng sau quyết định của Toyota
Tuy nhiên, các lãnh đạo của Toyota có lý do của mình. Trong khi tăng cường đầu tư cho các phương tiện chạy hoàn toàn bằng điện, họ nói rằng không phải ở đâu trên thế giới xe điện cũng nhanh chóng thay thế xe xăng như vậy. Vấn đề nằm ở chi phí cao cũng như thiếu cơ sở hạ tầng phụ trợ.
“Trong khi mọi người đều muốn nói về xe điện nhưng thị trường vẫn chưa đủ sẵn sàng ở mức độ mà chúng tôi mong muốn để có thể chuyển hóa đồng loạt”, Jack Hollis, phó chủ tịch điều hành kinh doanh của Toyota Motor North America, nói tháng trước trong cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo ngành ô tô.
Vào tháng 12, Toyota đã công bố kế hoạch đầu tư 4.000 tỷ yên, tương đương 28 tỷ USD, vào dòng sản phẩm gồm 30 loại xe chạy điện vào năm 2030. Đồng thời, hãng tiếp tục đầu tư các dòng xe lai như Prius và các lựa chọn thay thế tiềm năng khác.
“Chúng tôi muốn cung cấp cho mỗi người một lựa chọn để họ có thể đóng góp nhiều nhất vào giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng tôi biết rằng điều mấu chốt là không phải đối xử với mọi người theo cách giống nhau”, Gill Pratt, trưởng nhóm khoa học kiêm Giám đốc Điều hành viện nghiên cứu Toyota, nói hồi tháng trước.
Vài tuần trước, công ty tuyên bố sẽ dành 5,6 tỷ USD để hỗ trợ các cam kết của họ ở Mỹ và Nhật. Tuy con số nghe có vẻ lớn nhưng nó lại không đáng kể so với GM và VW cam kết.
Ví dụ, GM đã đặt mục tiêu cung cấp hoàn toàn các loại xe không phát thải vào năm 2035, trong đó hạn cho các thương hiệu Cadillac và Buick là năm 2030. Một số nhà sản xuất ô tô khác cũng đưa ra cam kết tương tự hoặc đặt mục tiêu 50% doanh số bán hàng của họ ở Bắc Mỹ là xe điện.
Toyota đặt mục tiêu bán 3,5 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2030, chiếm hơn 1/3 doanh số hiệu tại. Doanh số bán hàng đó bao gồm 1 triệu chiếc từ thương hiệu Lexus sang trọng, dự định sẽ cung cấp hoàn toàn xe điện ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm đó.
Paul Waatti, giám đốc phân tích ngành tại AutoPacific, tin rằng Toyota là kẻ bảo thủ khi nói đến xe điện nhưng điều đó không phải không tốt với nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
“Tôi nghĩ họ đang phòng ngừa rủi ro với các khoản cược của mình. Từ quan điểm toàn cầu, các thị trường có độ thích ứng khác nhau với xe điện. Mỹ chậm hơn châu Âu và Trung Quốc trong việc chuyển sang xe điện nhưng còn nhiều thị trường khác, cơ sở hạ tầng hoàn toàn chưa thích hợp cho phương tiện mới này. Thực hiện cách tiếp cận đa dạng có vẻ có nhiều ý nghĩa với một nhà sản xuất ô tô toàn cầu”, ông Waatti nhận định.
Năm 2021, Toyota bán được 10,5 triệu xe tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều hơn bất kỳ nhà sản xuất ô tô toàn cầu nào khác.
Xe điện cũng chỉ là một giải pháp
Toyota tin rằng xe chạy hoàn toàn bằng điện chỉ là một giải pháp chứ không phải giải pháp duy nhất để công ty có thể đạt mục tiêu trung hòa carbon.
Mẫu xe lai Prius của Toyota.
“Trong tương lai xa, chúng tôi sẽ không đầu tư với giả định rằng xe điện chiếm 100% thị trường. Tôi không thấy như vậy mà thực tế sẽ là một thị trường hỗn hợp”, Jim Adler, giám đốc điều hành Toyota Ventures - đơn vị đầu tư mạo hiểm của nhà sản xuất xe Nhật Bản, cho biết.
Lãnh đạo Toyota phụ trách các khu vực khác nhau trên thế giới cũng áp dụng những tỷ lệ khác nhau trong doanh số bán xe điện và xe xăng, dựa vào thị phần, độ sẵn có của cơ sở hạ tầng và một loạt vấn đề khác.
Ngoài ra, Toyota cũng đang phát triển loại xe chạy bằng nhiên liệu hydro. Theo đó, năng lượng được cung cấp cho xe nhờ hydro và oxy, với sản phẩm phụ duy nhất là hơi nước. Chúng có thể được tiếp nhiên liệu một cách nhanh chóng giống các loại xe chạy nhiên liệu hóa thạch. Toyota đánh giá các dòng phương tiện này có tầm quan trọng như nhau trong việc trung hòa khí thải carbon.
Cùng với đó, khan hiếm nguyên liệu sản xuất pin xe điện cũng là lý do khiến Toyota không hoàn toàn đi theo hướng này.