Tại Nhật Bản, người dân thường sử dụng những phương tiện công cộng để di chuyển bởi tính tiện lợi và chi phí rẻ. Tuy nhiên, với mức GDP bình quân đầu người 38.894,47 USD năm 2016, việc sở hữu xe hơi tại Nhật cũng vô cùng hiếm. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người Nhật không thích sở hữu xe như vậy khi đất nước này là quê hương của nhiều hãng xe nổi tiếng như Toyota hay Mitsubishi?

Câu trả lời đầu tiên nằm ở số chi phí phát sinh khi một cá nhân muốn sở hữu xe hơi.

Sau khi tốn lượng lớn tiền để mua xe, các cá nhân sẽ phải đem xe đi kiểm tra nhằm đảm bảo chiếc ô tô này đạt đúng các tiêu chuẩn về chất lượng, thậm chí là tiêu chuẩn về khí thải. Tùy thuộc vào tình hình của chiếc xe mà chủ nhân của chúng phải thanh toán chi phí, từ vài trăm USD cho đến hơn nghìn USD. Đối với những chiếc xe cũ, việc kiểm tra này là bắt buộc cũng như lặp lại hàng năm.

Tại sao mua xe để cua gái tại quê hương của Toyota lại là điều ngày càng bất khả thi? - Ảnh 1.

Giới trẻ Nhật ít đi xe đang khiến Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota phải đau đầu

Tiếp đó, những chủ xe phải nộp thuế cho chiếc xe họ mua. Một chiếc Toyota Surf có giá bèo nhất là 27.000 USD tại Nhật có thể mất 25.000 USD tiền phí kiểm tra và 59.000 USD tiền thuế. Nghe có vẻ nực cười khi chi phí cho một chiếc xe còn lớn hơn giá trị bản thân của nó.

Chưa dừng lại ở đó, bất kỳ chiếc ô tô nào muốn lưu thông tại Nhật cũng phải chứng minh mình đã có chỗ đỗ xe đăng ký với sở cảnh sát nếu muốn được cấp đủ giấy tờ. Bất kỳ chủ xe nào đỗ sai chỗ so với đăng ký sẽ chịu phạt rất nặng, đồng thời bị tịch thu xe về đồn.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại là một nước khan hiếm không gian sống và rất nhiều căn nhà tại đây được xây dựng mà không có chỗ đỗ xe ô tô. Nhiều khu chung cư thu phí rất cao cho bãi đỗ xe và hệ quả là chủ sở hữu xe phải chật vật thanh toán lượng phí khổng lồ cho việc để xe của mình.

Tại Nhật, thông thường chỉ những người giàu có hoặc xã hội đen, chính trị gia… cần có xe riêng mới giữ xe trong nhà, còn lại đa số người dân phải để xe khá xa nơi họ sống.

Người Nhật đã chán ô tô

Cho đến năm 2009, tỷ lệ sở hữu ô tô của người Nhật vẫn khá cao và mọi người chủ yếu sử dụng chúng như phương tiện chuyên trở gia đình cuối tuần hoặc cho những người cao tuổi.

Dẫu vậy, sự tiện lợi của hệ thống giao thông công cộng cùng với chi phí đắt đỏ đã khiến giới trẻ Nhật ngày càng chán loại hình di chuyển này. Số liệu của Hiệp hội đăng ký và kiểm soát thông tin ô tô Nhật Bản (AIRIA) cho thấy tỷ lệ sở hữu xe hơi tại Nhật năm 2017 chỉ vào khoảng 1,06 xe mỗi gia đình, mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Trớ trêu hơn nữa, thủ đô Tokyo có 3,1 triệu xe đăng ký, nhiều thứ 3 toàn quốc nhưng tình bình quân lại chỉ vào khoảng 0,45 xe/hộ gia đình, mức thấp nhất trong cả nước.

Tại sao mua xe để cua gái tại quê hương của Toyota lại là điều ngày càng bất khả thi? - Ảnh 2.

Tỷ lệ xe hơi bình quân hộ gia đình tại Nhật

Tất cả các cuộc khảo sát đều cho thấy mọi người giờ đây cảm thấy phiền toái khi sở hữu xe ở Nhật do họ phải tìm chỗ đỗ trước khi đăng ký được xe.

Một nguyên nhân nữa được Viện NLI Research Institute chỉ ra là số nam giới trong độ tuổi 20-24 ở Nhật có bằng lái xe đã giảm từ 87,8% năm 2001 xuống 79,9% năm 2015. Con số này ở nữ giới là 77,3% xuống 72,2%. Việc sử dụng thuận tiện các phương tiện công cộng khiến giới trẻ Nhật ngày nay không còn quan tâm đến việc có bằng lái xe hay không.

Thậm chí, nữ giới Nhật ngày nay cũng coi nhẹ việc có xe riêng của nam giới khi đánh giá mức độ thành đạt cũng như lựa chọn bạn tình. Chính chủ tịch Akio Toyoda của tập đoàn xe lừng danh Toyota cũng phải thốt lên đầy ngạc nhiên rằng ông không hiểu làm sao các chàng trai có thể đi "tán gái" mà thiếu đi những chiếc xe.

Trái ngược với giới trẻ, những người cao tuổi Nhật Bản lại chuộng xe hơi bởi họ gặp nhiều khó khăn khi sử dụng các phương tiện công cộng. Khoảng 82,5% số nam giới Nhật trong độ tuổi 70-74 có bằng lái xe năm 2015.

Tại sao mua xe để cua gái tại quê hương của Toyota lại là điều ngày càng bất khả thi? - Ảnh 3.

Tỷ lệ xe hơi bình quân hộ gia đình tại thủ đô Tokyo

Một cuộc khảo sát năm 2014 tại nhiều nơi như Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, California, Thượng Hải, Utrecht-Hà Lan cho thấy biểu tượng quyền lực xã hội, sự thành đạt cùng với việc sở hữu xe khá nhạt nhòa tại Nhật Bản và Utrecht.

Chính bản thân Toyota cũng đã phải thừa nhận họ cần chuẩn bị cho một thị trường mà giới trẻ đã chán đi xe và nhóm khách hàng tập trung vào tầng lớp cao tuổi.