Nếu như trước đây, Ford Ranger nổi trội hơn các đối thủ về cả động cơ và công nghệ, thì nay, Mitsubishi Triton thế hệ mới với nhiều nâng cấp đắt giá là lời đáp trả sòng phẳng.
Kích thước Triton Athlete và Ranger Wildtrak gần như tương đồng. Ranger nhỉnh hơn một chút về chiều dài trục cơ sở (3.270 mm so với 3.130 mm) và khoảng sáng gầm (235 mm so với 228 mm). Triton có bề ngang lớn hơn, một phần nhờ hốc bánh xe mở rộng hầm hố. Cả 2 xe đều dùng mâm 18 inch, song, lốp Triton rộng hơn với kích thước 265/60R18 (Ranger là 255/65R18).
Do đều là phiên bản thể thao, Triton Athlete và Ranger Wildtrak đều có nhiều chi tiết sơn đen, thanh thể thao ở thùng và giá nóc. Hệ thống đèn chiếu sáng và đèn hậu đều là dạng LED. Hệ thống chiếu sáng LED ma trận của Ranger thông minh hơn với khả năng xử lý luồng sáng tốt. Thực tế, đèn LED của Triton lại sáng hơn, cho độ phủ tốt hơn. Thiết kế Ranger có điểm cộng ở bệ bước chân phía bên cạnh thùng xe.
Nội thất của cả 2 xe đều thể hiện tính thể thao. Triton Athlete nổi bật hơn với phối màu đen - cam. Vật liệu hoàn thiện Triton cao cấp hơn với da lộn. Ghế Triton cũng ôm người hơn so với Ranger. Một lợi thế khác ở bên trong Triton đến từ hàng ghế thứ 2, với lưng ngả hơn và cửa gió gắn trên trần xe có thể điều chỉnh nhiều mức gió.
Về trang bị tiện nghi, Triton Athlete so với Ranger Wildtrak như một 9 một 10. Cả 2 đều có ghế lái chỉnh điện 8 hướng, điều hòa tự động 2 vùng, chìa khóa thông minh, âm thanh 6 loa, sạc không dây… Ranger hiện đại hơn với màn hình 8 inch sau vô-lăng và màn hình 12 inch trung tâm. Trên Triton là các màn hình 7 inch và 9 inch. Phanh tay điện tử cũng là một điểm hơn của Ranger so với Triton.
Động cơ của Triton Athlete mới nay nâng cấp lên loại bi-turbo 2.4L, công suất 204 PS, mô-men xoắn 470 Nm, kết hợp hộp số 6 cấp tự động. Loại trên Ranger Wildtrak là máy bi-turbo 2.0L, công suất 210 PS, mô-men xoắn 500 Nm, kết hợp số tự động 10 cấp. Cả 2 đều dùng dẫn động 2 cầu.
Bán kính quay đầu nhỏ hơn (6.200 mm so với 6.350 mm) giúp Triton xử lý góc cua và quay đầu gọn gàng hơn so với Ranger. Vô-lăng trợ lực điện mới cũng là một điểm cộng cho Triton so với thế hệ trước khi chuyển hướng hoặc quay đầu xe trong phố. Hệ thống vào cua chủ động cũng giúp Triton ổn định hơn khi ôm cua, dù hệ thống treo có phần mềm hơn so với Ranger. So với thế hệ trước, hệ thống treo của Triton đã được cải thiện với mức độ dập tắt dao động gọn hơn.
Chạy đường trường, ADAS thể hiện rõ sự ưu việt khi trợ giúp tài xế. ADAS trên Triton gần ngang ngửa “vua công nghệ” Ranger, chỉ thiếu tính năng hỗ trợ giữ làn đường. Cả 2 đều có các tính năng cảnh báo điểm mù, hỗ trợ phanh khẩn cấp, ga tự động thích ứng hay đèn pha/cốt thông minh… Camera 360 độ, cảm biến trước/sau và 7 túi khí là điểm chung giữa 2 xe. Đặc biệt, hình ảnh tái tạo xe và màu sắc hiển thị camera 360 độ trên Triton cho chất lượng tốt hơn trên Ranger. Trên Triton còn có cảm biến áp suất lốp - tính năng hữu ích với những ai hay đi đường dài.