Đối với người Mỹ cũng như không ít khách hàng toàn cầu của Ford, Fusion là một dòng xe "gần như hoàn hảo". Sản xuất lần đầu vào năm 2005, chiếc sedan cỡ trung sở hữu phong cách ấn tượng ở tầm giá ngang Honda Civic hay Toyota Camry.

Viện Bảo hiểm An toàn giao thông đường bộ Mỹ IIHS từng gọi đây là một mẫu xe an toàn hàng đầu với giải Top Safety Pick+ vào năm 2017. Hiệu suất nhiên liệu trung bình Fusion ở mức tốt. Nhiều trang đánh giá xe như Edmunds chấm điểm cao cho Fusion, ca ngợi "nội thất tiện nghi, công nghệ thân thiện với người sử dụng và trải nghiệm lái tốt" của chiếc sedan Ford.

Sedan chưa chết, đúng hơn là xe Mỹ đã thất bại trước xe Nhật - Ảnh 1.

Ford Fusion 2017 được IIHS chấm khung an toàn cao nhất là Top Safety Pick+

Trong giai đoạn 2013 – 2014, thời điểm mà giá dầu thế giới dao động quanh mức 100 USD/thùng, Ford vẫn bán được 295.000 tới 307.000 chiếc Fusion. Ấy vậy mà trong năm ngoái, con số đó giảm gần 100.000 chiếc. Nếu xu thế này tiếp tục, tổng doanh số Fusion trong năm 2018 chỉ còn chưa đầy 180.000 xe.

Cả GM và Ford – 2 tập đoàn xe hàng đầu nước Mỹ đều công khai kế hoạch từ bỏ phân khúc sedan trên chính sân nhà ở giai đoạn vừa qua để tập trung vào các mảng mang lại lợi nhuận nhiều hơn như SUV và bán tải. Nói theo một cách khác, tình hình ở phân khúc này đã rất bết bát cho cả Ford lẫn GM và họ đã giương cờ đầu hàng các đối thủ Nhật.

Với GM, bức tranh toàn cảnh của họ bỗng dưng có một vết sạn lớn là phân khúc sedan trong những năm gần đây. Chevrolet Cruze có doanh số giảm gần một nửa so với giai đoạn chỉ 4 năm về trước (2014) – 273.000 xe/năm xuống còn chưa đầy 145.000 xe/năm. Chevrolet Impala thậm chí chưa bán được 76.000 xe mỗi năm.

Sedan chưa chết, đúng hơn là xe Mỹ đã thất bại trước xe Nhật - Ảnh 2.

Chevrolet Cruze

Hầu hết các phân tích trên thị trường đều cho thấy khách hàng cũng không mấy mặn mà với các dòng sedan của Ford và GM, thay vào đó sự đa năng vượt trội của SUV/bán tải được coi trọng hơn bao giờ hết, dẫn tới động thái của 2 tập đoàn Mỹ. Điều này không hề sai khi biết rằng 14 trên 20 mẫu xe bán chạy nhất thị trường số 2 toàn cầu này tới từ 2 phân khúc trên. Doanh số sedan vốn chiếm 50% tổng thị phần vào 5 năm trước giờ chỉ còn chưa đầy một phần ba.

Nói vậy nhưng người tiêu dùng không phải là không mua sedan nữa, chỉ là ít đi mà thôi và những người mua còn sót lại lại chọn lựa sedan Nhật chứ không phải Mỹ. So về chất lượng, 2 bên không quá chênh lệch (như Ford Fusion vs Honda Civic/Toyota Camry phía trên) nhưng người Mỹ lại ngày càng thất thế, trớ trêu là như vậy.

Nguyên nhân, theo Business Insider, là do các hãng xe Mỹ đã không nhìn được "bản chất" của các đối thủ. Quay lại thời điểm thập niên 1970 khi mà OPEC bắt đầu áp dụng lệnh cấm vận dầu và người Mỹ phải quan tâm tới hiệu suất nhiên liệu lần đầu tiên trong lịch sử, các thương hiệu xe Mỹ lúc đó trở tay không kịp. Ngược lại, người Nhật, chẳng hạn như Honda với Civic, bình chân như vại vì thông số này vốn đã là điểm mạnh của họ.

Sedan chưa chết, đúng hơn là xe Mỹ đã thất bại trước xe Nhật - Ảnh 4.

Người dùng Mỹ lần đầu phải đắn đo vì giá xăng vào thập niên 1970 (Ảnh minh họa)

Nói không quá khi cho rằng chính từ cột mốc này trở đi, cán cân đã nghiêng về phía sedan Nhật. Khi người tiêu dùng Mỹ bắt đầu để tâm nhiều hơn tới sedan Nhật, họ nhận ra dòng xe này có nhiều ưu điểm hơn chứ không riêng gì về hiệu suất nhiên liệu. Trải nghiệm lái của vài chiếc sedan Nhật không khác xe Mỹ nhưng quan trọng nhất là độ bền của chúng lại hơn đáng kể.

Chẳng thế mà cây bút huyền thoại trong làng xe Mỹ là Brock Yates – người luôn coi xe cơ bắp Mỹ là dòng xe "thượng đẳng" và ấn tượng hàng đầu, đã phải thừa nhận trong năm 1978 rằng mình đã mua 1 chiếc Honda Civic và chúng "là sự kết hợp cân bằng giữa thiết kế và tính năng, một mẫu xe làm việc hoàn hảo".

Các hãng xe Mỹ khi đó giật mình nhận ra rằng mình cần những mẫu xe như vậy, tuy nhiên họ thích ứng quá chậm. Các dòng sedan Mỹ khi đó thường rối rắm, thiết kế không hiệu quả và công nghệ thậm chí thua kém so với người Nhật, vô hình chung khiến xe Mỹ bị gắn mác thua xe Nhật trong giai đoạn đó. Slogan "Chất lượng là ưu tiên số 1" của Ford trong năm 1981 gián tiếp thừa nhận rằng họ còn rất nhiều điểm cần làm để hoàn hảo hóa những chiếc sedan của mình.

Sedan chưa chết, đúng hơn là xe Mỹ đã thất bại trước xe Nhật - Ảnh 6.

Honda Civic 1978 - một trong những dòng xe du lịch được chuộng nhất tại thị trường Mỹ từ trước tới nay.

Ngày nay, sedan Mỹ đã được cải thiện hơn về chất lượng rất nhiều. Edmunds đánh giá Chevrolet Cruze 2018 là mẫu xe "có nhiều công nghệ tiện nghi và an toàn", sở hữu "trải nghiệm lái vừa thể thao vừa tiện nghi". Impala thì "có công suất tốt", "nội thất rộng rãi" và "tiện nghi, êm ái cho hành khách".

Thế nhưng điều đó không quan trọng nữa, cũng là bởi chính các trang đánh giá trên vẫn chấm sedan Nhật cao hơn Mỹ một bậc và người tiêu dùng cũng mang tư tưởng như vậy. 3 đại gia Mỹ (Ford, GM, FCA) chưa bao giờ thuyết phục được người tiêu dùng đại chúng rằng sedan của họ tốt bằng người Nhật (chứ chưa nói là tốt hơn) từ giai đoạn 1970 tới nay.

Bởi vậy, chẳng có lý do gì để người dân Mỹ phải từ bỏ mẫu sedan đã quen thuộc với họ trong 50 năm qua để chuyển sang xe Mỹ mà chất lượng mới chỉ được kiểm chứng trong giai đoạn ngắn ngủi. Dù có yêu nước đến đâu, ô tô vẫn là một tài sản lớn mà họ phải cân nhắc rất kỹ chứ không thể ủng hộ bừa bãi.

Sedan chưa chết, đúng hơn là xe Mỹ đã thất bại trước xe Nhật - Ảnh 7.

Giờ, Ford đã chính thức ngưng bán xe du lịch tại sân nhà để dồn sức cho SUV (Explorer, Expedition...) và bán tải (F-Series, Ranger)

GM và Ford, sau khi rút lui, công bố rằng họ sẽ tập trung vào SUV và bán tải đồng thời chuyển giao dần sang xe điện và xe tự lái. Tuy nhiên, ngoài phân khúc bán tải (mà đặc biệt là bán tải cỡ lớn) chứng kiến sự áp đảo của người Mỹ, phân khúc SUV nếu không cẩn thận sẽ lại là một cuộc chơi một chiều mà người Nhật dành phần thắng.

Nhìn vào danh sách xe bán chạy nhất nước Mỹ, đứng vị trí thứ 4 là một dòng SUV Nhật (Nissan Rogue – 403.000 xe trong năm ngoái so với chỉ 18.000 vào 2007), thứ 5 (Toyota RAV4) và thứ 6 cũng vậy (Honda CR-V). Trong khi đó, dòng SUV Mỹ bán chạy nhất là Chevrolet Equinox chỉ bán được 290.000 chiếc mà thôi – con số còn thua Toyota Camry tới 100.000 đơn vị.

Tham khảo: Business Insider