LTS: Một hình ảnh rất quen thuộc trong các cuộc xung đột gần đây tại Bắc Phi và Trung Đông chính là những chiếc xe bán tải (pick-up) mang theo các loại hỏa lực hạng nặng, được gọi là "Technical".

Để lý giải tại sao dòng xe này lại được sử dụng phổ biến trên chiến trường náy, chúng tôi trân trọng giới thiệu với các bạn tuyến bài "Pick-up War - Cuộc chiến xe bán tải" của tác giả Hoàng Minh.

KỲ 1: XE BÁN TẢI - BỆ PHÓNG VŨ KHÍ CHO NHỮNG NƯỚC NGHÈO

Đây là loại xe chiến đấu bộ binh lấy nền tảng từ các xe bán tải dân sự hoặc quân sự, được độ lại để mang hỏa lực tiến công, thường là súng đại liên, pháo phòng không hạng nhẹ, vũ khí chống tăng và các loại vũ khí yểm trợ bộ binh khác.

Điểm mạnh nhất của Technical chính là tốc độ và khả năng cơ động trên nhiều địa hình. Chúng thường được dùng để tấn công từ những hướng bất ngờ với hỏa lực mạnh và chở quân đột kích.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của loại xe chiến đấu này là khả năng bảo vệ rất kém, do không có giáp bảo vệ hoặc giáp rất mỏng. Nếu phải đối mặt với các xe chiến đấu chuyên dụng như tăng và xe thiết giáp, Technical chắc chắn sẽ phải chịu tổn thất rất lớn.


Một chiếc xe bán tải có thể gá thêm được một khẩu pháo phòng không ZU-23-2 cỡ nòng 23mm.

Một chiếc xe bán tải có thể gá thêm được một khẩu pháo phòng không ZU-23-2 cỡ nòng 23mm.

Xe bán tải vũ trang đã có từ lâu...

Loại xe chiến đấu tự chế theo hình thức Technical xuất hiện lần đầu tại Nga và châu Âu. Đó là các xe Tachankas, được kéo bằng ngựa và mang súng máy hạng nặng. Tuy nhiên, phải tới Thế chiến thứ hai, loại xe này mới được sử dụng triệt để.

Các đơn vị của Anh và Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), điển hình là Cụm Sa mạc Tầm xa (Long Range Desert Group) và lực lượng đặc nhiệm SAS, đã áp dụng rất thành công chiến thuật tấn công chớp nhoáng và bất ngờ trên sa mạc Sahara.

Họ sử dụng xe Jeep được trang bị hỏa lực mạnh như các loại súng máy. Trận đánh thành công nhất với chiến thuật này diễn ra vào ngày 26-27/7/1942.

Nhóm SAS do Sir David Stirling chỉ huy đã sử dụng 18 xe Jeep để bất ngờ tấn công sân bay Sidi Haneish, phá hủy hơn 20 máy bay và chỉ để mất một người duy nhất.

Tuy nhiên, kỷ nguyên của xe bán tải trang bị hỏa lực mạnh chỉ bắt đầu từ cuộc chiến giữa Chad và Lybia năm 1987. Ngày 22/3/1987, hơn 2.000 lính Chad đã vượt qua sa mạc Sahara và tấn công căn cứ không quân của Libya tại Wadi Doum (Chad).

Phương tiện di chuyển chính của quân đội Chade là những chiếc Toyota với súng máy hạng nặng, pháo phòng không, tên lửa chống tăng MILAN và cả súng không giật.

Cuộc tấn công bất ngờ đã khiến hàng nghìn lính Lybia thiệt mạng, hàng chục xe tăng và máy bay bị phá hủy, không quân Lybia mất hoàn toàn sức chiến đấu sau trận đánh này.

Quân Chad tiếp tục lặp lại thành công sau đó vài tháng khi tập kích căn cứ không quân Maaten al-Sara trên đất Lybia. Chỉ 6 ngày sau, Lybia quyết định đình chiến với Chad.

Nhờ chiến thuật dùng xe bán tải, Quân đội Chad đã đánh bại quân đội Lybia, lực lượng đông hơn, được trang bị mạnh hơn nhiều và có vị trí phòng thủ kiên cố. Cuộc chiến này sau đó được gọi là "Cuộc chiến Toyota".

Thuật ngữ "Technical" lần đầu được sử dụng trong cuộc nội chiến Somalia. Sức mạnh của các bộ lạc được quyết định bởi số lượng technical mà tù trưởng sở hữu.

Mohamed Farrah Aidid, người chỉ huy quân Somalia trong trận đánh với quân Mỹ năm 1993, sở hữu tới hơn 30 xe bán tải có vũ trang. Tới năm 1996, khi tù trưởng này thiệt mạng, xác của ông ta đã được chở tới nơi chôn cất trên một chiếc Toyota.


Rất nhiều xe bán tải Toyota Hilux đời mới được lực lượng Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) sử dụng.

Rất nhiều xe bán tải Toyota Hilux đời mới được lực lượng Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) sử dụng.

Trong các cuộc chiến sau đó, như ở Afghanistan (2001) hay Iraq (2003), vai trò của technical không được thể hiện nhiều trước sức mạnh của thiết giáp và không quân của liên quân do Mỹ dẫn đầu.

... và đang ngày càng trở nên thông dụng

Loại xe này chỉ lấy lại sự nổi tiếng trong cuộc chiến Lybia (2011) và Syria gần đây.

Tại Lybia, phe đối lập đã tận dụng tối đa những chiếc xe bán tải của Toyota. Lực lượng này gắn các bệ súng phòng không ZPU lên xe và trang bị giáp, hay cửa nóc khoang lái để mở rộng tầm xạ kích cho súng chống tăng không giật.

Hàng trăm xe bán tải được lắp các bệ phóng rocket S-5 vốn dành cho máy bay, hoặc pháo phản lực các loại. Thậm chí một số xe còn được lắp bệ pháo của xe chiến đấu bộ binh BMP-1.

Phe đối lập đã thu giữ được hàng trăm xe tăng và thiết giáp chở quân của chính phủ, nhưng xe bán tải vũ trang vẫn là loại hỏa lực và phương tiện chở quân nòng cốt cho họ.

Tốc độ và độ cơ động cao, cùng khả năng tiết kiệm nhiên liệu đã bù đắp cho sự thiếu thốn về giáp bảo vệ và hỏa lực so với các xe T-72 và BMP.

Tình hình tiếp tục lặp lại tại Syria. Phiến quân đã tạo nên những chiếc xe tăng tự chế, với súng máy điều khiển từ xa bằng tay cầm PlayStation.

Tất cả đều được xây dựng trên khung gầm xe bán tải của Toyota. Hình ảnh quen thuộc nhất chính là hàng đoàn xe Toyota Hilux, trên lưng chở đầy lính và những hỏa lực mạnh như SPG-9 hay súng máy DShK 12,7mm.

(Còn tiếp)

Theo Trí Thức Trẻ