Dự kiến, mẫu máy bay bình dân trị giá 4,5 triệu USD HondaJet sẽ bắt đầu được giao đến tay khách hàng Mỹ vào cuối năm nay.
Honda khẳng định, mẫu máy bay HondaJet của hãng đã được Cơ quan Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) cấp chứng nhận. Hiện 25 chiếc HondaJet đang trong giai đoạn hoàn thiện ở nhà máy tại Bắc Carolina, Mỹ để chuẩn bị giao đến tay khách hàng và tập huấn cho phi công. Dự kiến, mẫu máy bay bình dân trị giá 4,5 triệu USD của Honda sẽ bắt đầu được giao đến tay khách hàng Mỹ vào cuối năm nay.
HondaJet có nhiều màu sắc khác nhau.
Với nội thất đi kèm 7 ghế bọc da dành cho hành khách, HondaJet được nhà sản xuất miêu tả như mẫu máy bay dân dụng nhanh, yên tĩnh và tiết kiệm nhiên liệu nhất phân khúc. HondaJet là thành quả phát triển trong vòng 3 thập kỷ và đã bay thử tại Nhật Bản vào hồi tháng 4/2015.
Ông Michimasa Fujino, "cha đẻ" của máy bay HondaJet.
Người chịu trách nhiệm tạo hình cho HondaJet là một nhà thiết kế có tên Michimasa Fujino. Ông đã bắt đầu phác họa HondaJet từ năm 1997. HondaJet dài 12,99 m, cao 4,54 m với sải cánh 12,12 m và trọng lượng cất cánh tối đa 4.173 kg.
Động cơ nằm trên cánh của HondaJet.
Động cơ của HondaJet được đặt trên cánh với lượng nhiên liệu tiêu thụ giảm 15%. Đồng thời, thiết kế này giúp giải phóng khoảng 20% không gian khoang hành khách so với các máy bay cùng loại. Động cơ cho phép HondaJet đạt vận tốc tối đa 777 km/h và có phạm vi bay hơn 1.300 dặm, tương đương 2.092 km.
Khoang lái của HondaJet
Bên trong HondaJet là khoang lái hình bán nguyệt hiện đại với kích thước 3,7 mét, rộng 1,52 mét và cao 1,46 mét. Những tính năng nổi bật của khoang lái HondaJet gồm có hệ thống điều khiển màn hình cảm ứng, 3 màn hình 14 inch và bộ thiết bị điện tử hàng không Garmin G3000. Trong khi đó, khoang hành khách của HondaJet dài 5,43 mét và có nhà vệ sinh khép kín.
Khoang hành khách của HondaJet.
Ông Fujino đã gọi HondaJet là “xe thể thao trên bầu trời” hay “Acura biết bay”. Cũng theo ông Fujino, hãng Honda hiện đã nhận hơn 100 đơn đặt hàng dành cho HondaJet, chủ yếu ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Chứng nhận của FAA là bước tiến quan trọng thứ hai trong nhiều tháng nay của ngành hàng không Nhật Bản. Trước đó, vào hồi tháng 11/2015, Mitsubishi Regional Jet, mẫu máy bay hành khách đầu tiên được phát triển tại Nhật Bản trong hơn nửa thế kỷ qua, đã có chuyến bay đầu tiên.