Theo thông tin được tờ Aviastar đăng tải, Piasecki từng là một công ty hàng đâu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển hệ thống nâng dạng dọc chẳng hạn như hệ thống cánh quạt trên trực thăng. Một trong những mảng nghiên cứu mà họ từng đổ tiền của vào thực hiện là làm sao chế tạo ra một phương tiện nhỏ, gọn mà vẫn có khả năng cất cánh như trực thăng đồng thời dễ điều khiển.

Chính dự án nói trên đã khiến họ lọt vào mắt xanh của Bộ Quốc phòng Mỹ và nhận được hợp đồng phát triển 1 dòng xe Jeep bay phục vụ mục đích quân sự. Cũng cần nói thêm rằng, Mỹ không phải là nước đi đầu trong việc phát triển xe bay quân sự - nhiều nước đã từng cố công phát triển một phương tiện như vậy nhưng không đạt được kết quả.

Vì thế, Piasecki lại được ghi danh là người đi sau nhưng về trước trong cuộc đua này. Cỗ máy của họ sử dụng 2 động cơ cung cấp sức mạnh cho 2 rotor 3 cánh quạt, tất cả kết nối với 1 hộp số duy nhất để đề phòng trường hợp động cơ 1 hỏng trong khi đang giao chiến thì xe vẫn vận hành được tiếp.

Piasecki VZ-8 Airgeep - Chiếc xe bay độc đáo của quân đội Mỹ

Thêm vào đó, hệ thống điều khiển đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều với độ phức tạp chỉ hơn lái ô tô thường 1 chút. Chiếc xe bay của Piasecki sau đó được đặt tên là Airgeep VZ-8P và được nâng cấp lên các dòng động cơ mạnh mẽ hơn, đồng thời cải thiện thêm khả năng vận hành và nhất là tính năng điều hướng.

Airgeep VZ-8P cất cánh lần đầu vào tháng 6/1959 và kết quả thành công mỹ mãn. Chiếc xe bay của Piasecki sau đó nhanh chóng được gửi cho Hài quân Mỹ để cải tiến thêm – nơi động cơ tiêu chuẩn bị thay thế bằng loại turbine AiResearch 331-6 mạnh mẽ mà lại nhẹ hơn.

Dần dần qua năm tháng, VZ-8P được Piasecki nâng cấp và tối ưu các chi tiết sử dụng. Từ chỗ chỉ có 2 ghế ngồi thường, chiếc Airgeep sau đó sử dụng bộ ghế chuyên dụng với nút bấm thoát hiểm cho cả phi công lẫn người điều khiển súng máy, thêm vào đó là 3 ghế phụ. Khả năng cất cánh/hạ cánh của xe cũng được cải thiện và thậm chí được Hải quân thêm vào thiết bị hỗ trợ nổi giúp bảo đảm an toàn cho phi hành đoàn khi phải hạ cánh khẩn cấp trên biển.

Thời kỳ vàng son nhất của Piasecki với Airgeep cũng là quãng thời gian đó khi Airgeep có thể đạt độ cao hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mét hoặc cũng có thể bay tà tà dưới mặt đấy để tránh radar. Dù vậy, công nghệ này cuối cùng bị quân đội Mỹ loại bỏ vì cho rằng không đủ thực tiễn, số vốn đầu tư bị chuyển hết sang phát triển... trực thăng.

Tham khảo: Jalopnik