Tesla từng là thước đo tiêu chuẩn để thị trường tài chính từ đó đánh giá cả ngành công nghiệp ô tô nhưng giờ giá cổ phiếu của họ lại đang tụt sâu vì những bất cập tồn đọng trong việc ra mắt Tesla 3 – con bài tủ của hãng để cải thiện doanh số.

Mới quý trước, Tesla đã phải cay đắng tuyên bố họ chỉ sản xuất được khoảng 260 xe một tuần thay vì con số hứa hẹn trước đó là 5.000. Chỉ độc vấn đề này đã làm hãng lỗ hơn 620 triệu USD trong quý III. Những con số trên đã chỉ ra nút thắt của Tesla quá rõ: họ chưa thể lắp ráp Model 3 theo hướng có lãi, đồng thời chưa có được cho mình một dây chuyền sản xuất hiệu quả.

Canh bạc Model 3 - Được hay mất cho Tesla? - Ảnh 1.

Model 3 đang khiến Tesla trả cái giá quá đắt.

Cùng lúc đó, tiền đầu tư từ thương hiệu Mỹ vẫn chảy ra ồ ạt với tốc độ 8.000 USD mỗi phút. Hơn 1,3 tỉ mỗi quý là một con số khổng lồ mà một công ty phải chi trả cho quy trình vận hành, hoạt động của mình.

Giá cổ phiếu của hãng trong giai đoạn trên cũng sụt giảm 17% từ 321 USD xuống chỉ còn 265 USD. Nếu CEO Elon Musk làm việc ở Ford, có lẽ ông đã bị sa thải bởi đây chính là con số buộc cựu CEO Ford Mark Fields phải rời ghế vào tháng 5 năm nay.

Vậy, Tesla sai lầm cốt yếu ở điểm nào?

Theo nhiều chuyên gia nhận định, Tesla đã quá coi thường việc sản xuất ra một mẫu xe với số lượng lớn. Họ không lường trước được mối nguy tiềm tảng của quy trình này, dẫn tới việc thắt cổ chai ở vài công đoạn và giờ chậm hơn kế hoạch tới hàng quý.

Khởi điểm từ một thành công vang dội khi nhận 230.000 đơn đặt hàng chỉ trong ngày đầu mở bán (với một khoản đặt cọc 1.000 USD/xe) có lẽ đã khiến con tàu Tesla trật bánh. Giờ nhìn lại, mục tiêu của Tesla trong năm 2017 là ra mắt Model 3 và đẩy sản lượng của Model X lẫn Model S lên 50.000 xe năm không khác một trò đùa cá tháng tư là bao. Thậm chí lúc đó tỉ phú kiêm CEO Tesla còn mạnh miệng tuyên bố có thể đạt mốc lắp ráp 500.000 xe/năm ngay trong năm 2018 thay vì mốc 2020 như trước đó, đồng thời đảm luôn cả 2 phiên bản tay lái nghịch và thuận. Giờ có lẽ ông đã biết vị thế của công ty mình ở đâu.

Canh bạc Model 3 - Được hay mất cho Tesla? - Ảnh 2.

Quá ôm đồm nhưng đồng thời lại quá vội vã.

Áp lực lên quy trình điều hành, quản lý sản xuất, mua nguyên vật liệu và lắp ráp cho một mẫu xe đại trà là khổng lồ và điều tương tự xảy ra với Tesla đã khiến bộ máy rệu rạo hẳn. Những hình ảnh được báo giới chụp lại ở nhà máy Tesla Fremont, California cho thấy phụ tùng bị vứt bừa bãi, chỏng chơ, có khả năng hư hỏng bất cứ lúc nào có lẽ đã phần nào thể hiện sự bất lực của Tesla bây giờ.

Hiện, thương hiệu Mỹ đã buộc phải tuyển thâm nhân sự đảm trách các mảng khác nhau để đẩy nhanh tiến độ lắp ráp, đồng thời thuê các công ty cung ứng ngoài chế tạo phụ tùng cho mình. Những động thái này trái ngược hoàn toàn với dự định ban đầu của CEO Elon Musk, khi ông muốn "tái định nghĩa lại các nhà máy" và tự động hóa hoàn toàn quy trình lắp ráp.

Thật sự thì, một mẫu xe quan trọng như Model 3 có đáng được dùng như một bài toán thử nghiệm cho tham vọng của vị CEO hay không? Ông hoàn toàn có thể chậm rãi, từ từ tiến bước bằng cách tự động hóa quy trình sản xuất chiếc Tesla Roadster nhưng không.

Canh bạc Model 3 - Được hay mất cho Tesla? - Ảnh 3.

Tại sao không dùng Roadster làm thuốc thử?

Hãy cùng thử liệt kê ra một vài điểm bất cập. Đầu tiên, Tesla loại bỏ hoàn toàn quy trình sản xuất ra các bản mẫu để tiến hành thử nghiệm thực tế, nhờ đó "tiết kiệm" được một năm. Thế nhưng, làm sao mà các phép tính giả lập trên máy tính có thể tái hiện đúng, chính xác đến từng mm, từng giây của quá trình sản xuất đại trà để ta biết được có gì lỗi hay bất cập hay không?

Tiếp đến là khung thân của Tesla Model 3. Về cơ bản, bộ khung này cấu thành từ nhiều tấm kim loại đặt cạnh nhau trước khi được hàn kín lại – một công đoạn có thể thực hiện tự động khá dễ dàng qua đó giúp tiết kiệm thời gian nếu bạn đã có đủ nguyên liệu hoặc phụ tùng gốc.

Thế nhưng, quá trình cung ứng phụ kiện không phải lúc nào cũng như mơ. Có bộ phận đến sau, có bộ phận đến trước. Chưa kể, chính bộ máy lắp ráp tự động cho quy trình nói trên cũng... đi tắt khi bỏ qua bước thử nghiệm, dẫn đến trục trặc khi vận hành. Hệ quả tất yếu: toàn bộ số Model 3 được sản xuất đến giờ đều lắp ráp thủ công.

Canh bạc Model 3 - Được hay mất cho Tesla? - Ảnh 4.

Thương hiệu Mỹ cần nhận ra và nhanh chóng sửa đổi trước khi mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tiếp đến, Tesla đang ôm đồm quá nhiều công đoạn, quá nhiều bộ phận. Có những chi tiết trên một chiếc xe ô tô bạn phải đầu tư rất nhiều cho quy trình sản xuất nhưng lợi ích đạt được chẳng đáng là bao và nên được giao cho các nhà cung ứng đã có tên tuổi từ trước, chẳng hạn như ghế ngồi. Tesla, với tham vọng tự sản xuất xe 100%, đã có xích mích với nhà cung ứng ghế trước đó và sau đó tự thực hiện công đoạn này. Kết quả là giờ đây cũng là một nút thắt cổ chai khá khó gỡ.

Hiện tại, khách hàng của Tesla vẫn đang phải chờ ngóng từng ngày đến thời điểm họ được bàn giao xe. Câu hỏi đặt ra là bao giờ sự "vị tha" của họ tới giới hạn?

Nếu thương hiệu xe điện số 1 thế giới không nhận ra những hạn chế của mình, bỏ đi sự tự cao và có thay đổi phù hợp, Model 3 rất có thể sẽ trở thành "mồ chôn" của họ, nơi mà họ bỏ một khoản tiền khổng lồ ra chỉ để thu về chẳng đáng bao nhiêu.