Azithromycin, Hydroxycloroquin/cloroquin là thuốc gì?

Cả thế giới đang căng mình chiếu đấu lại dịch bệnh Covid-19 với niềm hy vọng kiểm soát được bệnh, sớm tìm ra thuốc điều trị và vắc xin.

Mới đây, Tổng thống Mỹ ra tuyên bố về Cloroquin và Azithromycin chữa được Covid-19, cả thế giới nháo nhác trong đó có Việt Nam.

Thông tin này ngay sau khi được phát ngôn khiến cho 2 loại thuốc này bị khan hiếm và đẩy giá không khác gì Tamiflu trước đây mấy tháng.

Azithromycin với tên biệt dược Zithromax là thuốc đã được sử dụng khá rộng rãi vì tác dụng diệt khuẩn và dễ dùng. Vì vậy "sốt" hàng không quá nghiêm trọng và cũng chưa gây hại trực tiếp đến cộng đồng. Nhưng Hydroxycloroquin/cloroquin lại là hàng "nóng" nhất bây giờ thì lại khác.

PGS Nguyễn Lân Hiếu: 4 điều cảnh báo về loại thuốc điều trị Covid-19 khiến thế giới nháo nhác - Ảnh 1.

Gây ra nhiều tác dụng phụ cho mắt, máu và tim mạch, ảnh minh hoạ.

Hydroxycloroquin/cloroquin nói đến nỗi chị họ của tôi từ nước ngoài nhắn tin bí mật về khuyên mọi người mua dự trữ!

Hydroxycloroquin/cloroquin từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ...

Hydroxycloroquin là Cloroquin có gắn thêm nhóm (–OH) để giảm các tác dụng phụ so với Cloroquin thông thường cho dù vậy thuốc vẫn có rất nhiều tác dụng phụ, có thể lấy ví dụ như:

- Mắt: Phù, teo điểm vàng, rối loạn màu sắc, mất phản xạ hố võng mạc; ảnh hưởng đến thị trường mắt dẫn đến khó nhìn, khó đọc, sợ ánh sáng. Những tổn thương này có thể xảy ra ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc.

- Máu: Gây ra các rối loạn tạo máu khác nhau như thiếu máu bất sản, mất bạch cầu hạt, giảm bạch cầu, thiếu máu, tan máu ở bệnh nhân thiếu hụt G6PD

- Tim mạch: Bệnh lý của cơ tim… đây là tác dụng nguy hiểm nhất có thể dẫn đến xoắn đỉnh, rung thất và đột tử.

Thuốc này có tác dụng điều trị Covid-19 không?

Câu trả lời là có thể, nhưng hiện tại mới chỉ chứng minh được trên quy mô phòng thí nghiệm. Một số nghiên cứu lâm sáng không ngẫu nhiên, không đối chứng cũng cho thấy các tín hiệu khả quan về hiệu quả của thuốc.

Tuy nhiên cần lưu ý để đưa một thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe cũng giống như thử nghiệm vắcxin vậy. Hiện tại Mỹ chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc này chứ chưa cho sử dụng rộng rãi như một số báo đã đưa tin.

Có nên tích trữ, dự phòng? Câu trả lời chắc chắn là không.

- Thứ nhất, hydroxycloroquin/cloroquin là thuốc phải kê đơn, việc sử dụng thuốc như thế nào cho có hiệu quả (liều bao nhiêu, thời gian bao lâu) phải do bác sĩ quyết định. Người dân không thể tự sử dụng như các loại thuốc cảm cúm thông thường. Hiện tại, chưa có công bố chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Bộ Y tế Việt Nam về việc điều trị bằng thuốc này.

- Thứ hai, Hydroxycloroquin/cloroquin có rất nhiều tác dụng phụ đã được ghi nhận. Bệnh nhân sử dụng thuốc phải được theo dõi các chức năng gan, thận, và thị lực tại các cơ sở y tế có chuyên môn.

Đây chính là lý do mà các nhà nghiên cứu lo ngại khi sử dụng rộng rãi thuốc này trên lâm sàng với một chỉ định mới hoàn toàn mà chưa đánh giá đủ các nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn.

- Thứ ba, việc người dân thu gom, tích trữ thuốc tại nhà sẽ dẫn đến thiếu hụt lượng thuốc tại các cơ sở y tế để điều trị cho các bệnh nhân theo đúng chỉ định. Đồng thời sẽ tạo cơ hội cho các "gian thương" đầu cơ, tăng giá thuốc vô tội vạ như câu chuyện thuốc Tamiflu mới đây và khẩu trang hiện nay.

Trường hợp người dân không thể tự sử dụng thuốc như lý do thứ 2 đã nêu dẫn đến một lượng thuốc rất lớn lãng phí bị bỏ đi.

- Thứ tư, việc điều trị từng trường hợp bệnh nhân phải kết hợp với các biện pháp phòng dịch, cách ly, tránh lây nhiễm ra cộng đồng thì mới có hiệu quả phòng chống dịch lâu dài, triệt để. Việc tự ý điều trị tại nhà không khai báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với công tác phòng chống dịch bệnh chung.

Vậy nên cách ly tại nhà là rất đúng nhưng tự sử dụng thuốc biệt dược chống Covid-19 tại nhà là Sai.


PGS Nguyễn Lân Hiếu: 4 điều cảnh báo về loại thuốc điều trị Covid-19 khiến thế giới nháo nhác - Ảnh 2.