Trong văn bản mới nhất trả lời kiến nghị từ phía CTCP Tập đoàn Thành Công, Bộ Tài chính xác nhận đã nhận được văn bản này và công văn của Bộ Công Thương, trong đó có đề xuất về việc sửa đổi chính sách thuế TTĐB với phần giá trị sản xuất trong nước đối với sản phẩm ô tô.

Đổi ý, Bộ Tài chính cân nhắc ưu đãi thuế với xe lắp ráp

Bộ Tài chính đã ghi nhận ý kiến để phối hợp cùng các Bộ, Ngành liên quan nghiên cứu và báo cáo lên cấp có thẩm quyền quyết định. Động thái này khác với những gì Bộ đã nêu trong dự thảo sửa đổi các luật thuế mới nhất vào đầu năm.

Ô tô lắp ráp thêm cơ hội giảm giá, cạnh tranh xe nhập thuế 0% - Ảnh 1.

Ô tô con lắp ráp được Bộ Tài chính cân nhắc thuế TTĐB. Ảnh: Đăng Việt.

Trước đó, Bộ Tài chính từng đưa ra 2 phương án tính thuế TTĐB với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống lắp ráp trong nước. Phương án 1 là giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất bán ra không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Phương án 2 là giá tính thuế TTĐB là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính từng nghiêng về phương án 1 và muốn xây dựng dự luật theo phương án này, tức không miễn thuế TTĐB với phần giá trị sản xuất trong nước.

Ô tô lắp ráp thêm cơ hội giảm giá, cạnh tranh xe nhập thuế 0% - Ảnh 2.

Bộ từng nghiêng về phương án vẫn áp thuế TTĐB với phần giá trị sản xuất trong nước. Ảnh: Đăng Việt.

Theo lý giải của Bộ, việc miễn thuế như trên chưa phù hợp với Quy tắc đối xử quốc gia trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), có thể vi phạm cam kết của WTO. Hiệp định này cấm các nước có các khoản thuế bảo hộ hàng nội địa hoặc có các quy tắc phân chia một phần tỷ lệ nội địa.

Song giờ đây, nếu miễn thuế TTĐB phần linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước đồng nghĩa với giá thành lắp ráp ô tô sẽ giảm, mở ra thêm cơ hội cạnh tranh và đón đầu cơn bão xe nhập thuế 0% được dự đoán diễn ra vào cuối năm nay. 

Ô tô lắp ráp vẫn đang nắm thế chủ động

Trái với kỳ vọng ô tô nhập ASEAN "giá rẻ" từ năm 2018, cột mốc nửa năm kể từ khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP ban hành sắp đến, lượng xe nhập khẩu vẫn nhỏ giọt về nước. Trước mắt, xe nội vẫn đang nhận được nhiều thông tin tích cực. Nhà máy Mazda lớn nhất Đông Nam Á được khánh thành, còn nhà máy Hyundai và Mitsubishi thứ 2 với quy mô lớn sắp được khởi công.

Ông Nguyễn Minh Hoàn, Giám đốc một đại lý Mitsubishi, cho biết: "Nhiều ô tô nhập đã cập cảng nhưng vấn đề là chưa thể thông quan do chưa đáp ứng được thủ tục, giấy tờ. Chi phí để xe ở cảng mỗi ngày không hề nhỏ, trong khi chưa biết khi nào mới có thể về đại lý. Bây giờ vẫn là thời của xe CKD."

Ô tô lắp ráp thêm cơ hội giảm giá, cạnh tranh xe nhập thuế 0% - Ảnh 3.

Xe nhập về nhỏ giọt, sân chơi vẫn dành cho xe lắp ráp. Ảnh: Trần Đức.

Đối với Honda, trong số hơn 2.000 xe nhập từ Thái Lan về, mới có hơn một nửa được thông quan. Số lượng xe phân bổ tại từng đại lý không nhiều. "Đại lý mới nhận được 3 chiếc Jazz và thêm vài chiếc CR-V 2018. Khách chờ xe đợt sau có thể tới tháng cuối tháng 4. City lắp ráp thì sẵn nhiều hàng," một nhân viên kinh doanh cho biết.

Ô tô lắp ráp thêm cơ hội giảm giá, cạnh tranh xe nhập thuế 0% - Ảnh 4.

Xe Honda nhập khẩu đầu tháng 3 vẫn chưa được thông quan hết. Ảnh: Trần Đức.

Nếu tiếp tục duy trì tình trạng xe nằm cảng dài ngày, chi phí phát sinh với mỗi chiếc xe sau khi thông quan sẽ tăng lên đáng kể - thêm một bất lợi nữa cho việc cân đối giá bán xe nhập khẩu để cạnh tranh xe lắp trong nước.