Lấy những chiếc xe "uống xăng như uống nước", "gầm rú như những con quái vật" làm niềm tự hào, giờ đây Lamborghini hay Ferrari đứng trước nguy cơ phải cắt bỏ tất cả để chạy theo làn sóng ô tô điện. Liệu có ai thích những chiếc siêu xe giá trăm nghìn USD "im như thóc" mỗi khi rồ ga?
Đang chơi đùa, các nam sinh tại 1 ngôi trường cấp 3 ở Ý đã "im bặt" khi một chiếc Lamborghini đến gần. Tiếng động cơ 12 xy lanh gầm rú làm lấn át tất cả âm thanh của họ. Khi "con quái vật" rời đi, họ vỡ oà trong tiếng reo hò, nhảy lên không trung.
Đó là một biểu hiện tự phát của cảm xúc mà nhà sản xuất xe hơi thể thao của Ý truyền cảm hứng và thúc đẩy những người có khả năng chi hàng trăm nghìn USD, thậm chí triệu USD để sở hữu một chiếc Lamborghini.
Nhưng Lamborghini, Ferrari và một số công ty sản xuất siêu xe đang phải đối mặt với một mối đe doạ hiện hữu. Ngành công nghiệp ô tô đang chuyển hướng sang xe điện chạy pin - xu hướng mà các hãng này không thể chống lại. Họ đang vật lộn với việc làm thế nào để thiết kế những chiếc xe thể thao chạy điện có thể khơi dậy niềm đam mê của người dùng trong khi không thay đổi giá bán.
Tesla đã thách thức những tuyên bố của Ferrari và Lamborghini trong việc tạo ra những chiếc xe thể thao chạy điện. Hãng cho ra mắt mẫu Model S Plaid với khả năng tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 2 giây - nhanh hơn bất kỳ chiếc xe nào của Ferrari hay Lamborghini.
"Đối với các nhà sản xuất siêu xe, câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể tiếp tục dẫn đầu thị trường này trong cuộc cách mạng điện khí hoá hay không", Karl-Thomas Neumann - cựu CEO của Opel cho biết. Các công ty này đang "rất chậm chân" trong cuộc chơi xe điện, ông nói thêm.
Ferrari đã cung cấp một chiếc xe plug-in hybrid mang tên Stradale từ năm 2010 nhưng sẽ chưa thể ra mắt một mẫu xe thuần điện cho đến năm 2025. Công ty cho biết sẽ tự chế tạo động cơ điện và các thành phần quan trọng khác, phù hợp với truyền thống thủ công và tính độc quyền của họ.
"Một chiếc Ferrari chạy điện vẫn sẽ là một chiếc Ferrari thực sự", Benedetto Vigna - CEO của Ferrari cho biết.
Lamborghini, thuộc sở hữu của Volkswagen, sẽ cung cấp chiếc xe plug-in hybrid đầu tiên vào năm 2023 và một chiếc ô tô thuần điện vào nửa cuối thập kỷ này.
Sự "huyền bí" của những chiếc siêu xe Ý được cho đến từ sự cộng hưởng của âm thanh và sức mạnh của động cơ đốt trong. Andy Palmer – cựu CEO của Aston Martin cho biết: "âm thanh là một tài sản quan trọng với những chiếc xe này. Liệu những chiếc xe thể thao có tiếp tục tồn tại nếu bạn không thể phân biệt chúng dựa trên âm thanh".
Niềm tự hào và uy tín của người Ý đang bị đe doạ.
Trong khi phần lớn còn lại của ngành công nghiệp ô tô Ý đã biến mất – Fiat có thị phần còn 4% tại châu Âu, những tín đồ siêu xe vẫn bỏ ra hàng trăm nghìn USD cho những chiếc Ferrari và Lamborghini và thường đợi hàng năm để nhận xe. Các phiên bản độc quyền thậm chí có giá hàng triệu USD.
2 thương hiệu này đang đại diện cho sức mạnh của ngành ô tô nước Ý.
Lamborghini và Ferrari cũng đang làm ăn rất tốt. Ferrari báo cáo lợi nhuận ròng 250 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 1,2 tỷ USD. Trong khi đó, Lamborghini đóng góp 180 triệu euro lợi nhuận trước thuế vào lợi nhuận chung của Volkswagen với doanh số 592 triệu euro.
Năm ngoái, Ferrari bán được 11.000 xe còn Lamborghini bán 8.300 xe. Mức lợi nhuận lên đến 2 con số dựa trên doanh số của 2 công ty này là cao bất thường so với mặt bằng ngành công nghiệp ô tô, vốn có tỷ suất lợi nhuận nổi tiếng là mỏng.
Việc chuyển đổi sang mô hình xe chạy điện khiến Ferrari và Lamborghini gặp một số thách thức. Một đặc điểm nổi bật của siêu xe là chúng được làm cực thấp để giảm sức cản của gió. Nóc xe chỉ cao đến thắt lưng nhưng sẽ rất khó để giữ được độ cao đó nếu đặt các khối pin lớn dưới gầm xe.
Một thách thức khác là tính độc quyền. Những chiếc siêu xe còn được coi là món đồ sưu tập, đôi khi tăng giá trị theo thời gian. Những chiếc Ferrari cổ hiện được bán với giá hơn 20 triệu USD. Người mua có thể đợi 1,2 năm để nhận xe.
Tuy nhiên, người mua còn cảm thấy chiếc xe của họ là độc quyền hay không khi có thể mua một chiếc Tesla với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn.
Lập luận của các hãng siêu xe về vấn đề này là yếu tố trải nghiệm. "Ferrari là một trải nghiệm", CEO Vigna nói. Ông cho rằng mức chênh lệch một vài phần trăm giây trong gia tốc từ 0 đến 100 km/h không phải tất cả. Đó không phải lý do người mua Lamborghini Aventador hay Ferrari SF90 Spider bỏ tới 500.000 USD để mua. Họ muốn một cảm giác mạnh mẽ.
Một người lái xe Lamborghini sẽ ngồi cách mặt đường chỉ vài inch trong khoang lái gầm thấp, nhận thức được mọi điểm không hoàn hảo trên mặt đường. Khối động cơ đồ sộ được đặt ngay sau hàng ghế và những tiếng ầm ầm vang lên bên tai họ. Tay lái chính xác nhưng cứng nhắc, đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Rouven Mohr, Giám đốc công nghệ của Lamborghini cho biết: "Chiếc xe mang đến cho bạn cảm giác như một người hùng". Tái tạo lại cảm giác đó trên một chiếc ô tô điện "là nhiệm vụ chính của chúng tôi", ông nói.
Quan điểm mua xe của những khách thượng lưu cũng rất khác. "Họ liệu có vui không khi phát hiện ra ồ, chiếc này còn mát hơn cả chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong của tôi", ông Mohr nói.
Một số công ty cũng đang cố gắng sản xuất siêu xe chạy điện, mặc dù số lượng rất hạn chế. Rimac Automobili đã cho ra mắt chiếc Nevera, xe thể thao chạy điện có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong chưa đầy 2 giây với giá hơn 2 triệu USD. Lotus Cars cũng cho ra mắt mẫu Evija nhưng cho biết chỉ bán xe điện từ năm 2028.
Các đối thủ khác cũng chuyển động với tốc độ tương tự. Aston Martin có kế hoạch cung cấp xe thuần điện đầu tiên vào năm 2025, McLaren là năm 2028.
Ferrari và Lamborhini không có ý định ngừng sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong nhưng họ đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các cơ quan quản lý trong việc cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu. Một chiếc Lamborghini Aventador coupe hiện có mức tiêu thụ nhiên liệu là 11 dăm/gallon, gấp đôi một chiếc bán tải cỡ lớn.
Nguồn: NY Times