Từ màn ra mắt siêu xe tải Semi, Roadster thế hệ mới cho đến “cơn ác mộng” mang tên Model X hay việc Model 3 “lỡ hẹn”, đó đều là những sự kiện trong năm 2017 mà chắc chắn người hâm mộ của Tesla không thể không chú ý.
1. Tesla Semi làm "rung chuyển" ngành xe tải
Giữa tháng 11 vừa qua, Tesla ra mắt Semi – xe tải điện đầu tiên trên thế giới, cũng là một trong những xe tải lớn nhất từng được chế tạo.
Semi sở hữu tới 4 động cơ điện gắn ở các bánh xe. Đây đồng thời là loại động cơ mà hãng dùng cho mẫu sedan "giá rẻ" Model 3. Tùy thuộc vào kích cỡ pin, Semi có thể đạt phạm vi hoạt động 480km hoặc 800km sau mỗi lần sạc. Tesla cho biết sở hữu một thân hình đồ sộ nhưng Semi chỉ cần 5 giây để tăng tốc từ 0-100km/h.
Khác với những dòng xe tải truyền thống với hình dáng "thô kệch", Tesla Semi gây ấn tượng ở những đường nét mượt mà mang đậm tính khí động học. Đặc biệt, thay vì động cơ đốt trong, công nghệ điện giúp Semi trở thành một mẫu xe không khí thải thân thiện với môi trường. Ngoài ra, hãng cho biết chi phí vận hành và bảo dưỡng cũng thấp hơn, khách hàng có thể tiết kiệm hàng chục nghìn USD mỗi năm so với xe tải chạy bằng nhiên liệu diesel.
Nhờ những ưu điểm trên mà sau chưa đầy 2 tháng ra mắt, Semi đã đem về cho Tesla những đơn hàng đến từ một loạt đối tác khác nhau, bao gồm những tên tuổi quen thuộc như Wal-Mart và PepsiCo. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 410 xe đã được "đặt chỗ" dù phải đến năm 2019, mẫu xe mới lên dây chuyền sản xuất thương mại. Giá bán dự kiến từ 150.000 USD cho phạm vi 480km và 180.000 USD cho phạm vi 800km.
2.Tesla Roadster bất ngờ hồi sinh
Ảnh: The Verge
Cũng tại sự kiện giới thiệu siêu xe tải Semi, Tesla đã gây "sốc" khi bất ngờ ra mắt mẫu Roadster thế hệ thứ hai cùng những kỷ lục mới về tốc độ.
Roadster chỉ cần 1,9 giây để tăng tốc từ 0-96km/h và 4,2 giây để tăng tốc từ 0-160km/h. Với thành tích trên, đây xứng đáng là mẫu xe thương mại đầu tiên trên thế giới "chinh phục" vận tốc 96km/h trong chưa đầy 2 giây. Tốc độ tối đa hứa hẹn sẽ vượt 400km/h. Kỷ lục hiện nay đang thuộc về siêu xe Koenigsegg Agera RS với 447km/h.
Roadster mới được trang bị 3 động cơ điện và gói pin 200kWh cho phạm vi hoạt động 1.000km sau mỗi lần sạc. Tuy nhiên, để có thể trở thành chủ nhân của chiếc xe dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2020, người mua phải chi số tiền 200.000 USD với khoản tiền cọc 50.000 USD. Thậm chí, 1.000 khách hàng đầu tiên sẽ mất 250.000 USD cho phiên bản giới hạn "Founders Series".
Ngày 22/12, CEO Elon Musk đã "khoe" trên Instagram một số hình ảnh cho thấy chiếc Roadster màu đỏ mận đã sẵn sàng thực hiện chuyến bay vào không gian cùng tên lửa Falcon Heavy của SpaceX.
3. Bước tiến mới trong sản xuất pin xe điện
Nhà máyGigafactory. Ảnh: Tesla
Một trong những thành công đáng chú ý nhất của Tesla trong năm 2017 còn nằm ở việc hãng bắt đầu sản xuất hàng loạt pin lithium-ion tại nhà máy Gigafactory vào tháng 1. Nhờ quy mô lớn, Gigafactory được xem như bước đi quan trọng của hãng xe Mỹ trong nỗ lực cắt giảm chi phí pin đang là rào cản chính đối với xe điện.
Cơ sở trị giá 5 tỷ USD là kết quả sự hợp tác giữa Tesla và hãng điện tử Panasonic của Nhật Bản. Dự kiến đến năm 2018, Gigafactory có thể đạt sản lượng 35 GWh/năm loại pin lithium ion.
4. Model 3 lỡ hẹn
Ảnh: Electrek
Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, mẫu xe điện Model 3 với mức giá 35.000 USD lập tức "gây sốt" và giúp Tesla nhận về 325.000 yêu cầu đặt hàng chỉ trong một tuần. Nhưng sau khi chiếc Model 3 đầu tiên chính thức ra khỏi dây chuyền sản xuất vào tháng 7, Tesla vẫn đang chật vật để bàn giao xe cho người dùng sớm nhất có thể. Phần lớn trong số gần 500.000 đơn hàng có nguy cơ "lỡ hẹn" tới vài tháng.
Nguyên nhân của việc chậm trễ rất phức tạp, từ nút thắt cổ chai ở khâu sản xuất cho đến vấn đề về nhân sự sau đợt sa thải quy mô lớn vì lý do hiệu suất công việc.
Ban đầu, Tesla đặt mục tiêu sản xuất 5.000 xe Model 3 mỗi tuần trong năm 2017 nhưng những vướng mắc trên khiến hãng phải rời kế hoạch sang năm 2018. Mặc dù vậy, việc Tesla xác nhận bắt đầu giao hàng cho những người không phải nhân viên của hãng đang mở ra hy vọng những vấn đề đối với Model 3 sẽ nhanh chóng qua đi.
5. "Cơn ác mộng" mang tên Model X
Ảnh: Autocar.
Bên cạnh Model 3, Model X cũng là một nguyên nhân gây tổn hại đến danh tiếng của Tesla trong năm vừa qua.
Tháng 10/2017, Tesla thông báo triệu hồi tự nguyện khoảng 11.000 xe Model X do lỗi chốt khóa khiến hàng ghế sau có thể trượt về phía trước khi xảy ra tai nạn. Nằm trong diện triệu hồi là các xe được sản xuất từ 28/10/2016-16/8/2017. Hãng ước tính khoảng 3% số lượng xe triệu hồi mắc lỗi.
Chỉ vài ngày sau, Consumer Reports liệt mẫu SUV vào danh sách những xe kém tin cậy nhất năm. Kết quả được đưa ra dựa trên ý kiến của người dùng đối với 17 khía cạnh khác nhau. Model X bị "chê" ở bộ cửa cánh chim giúp cho việc ra vào dễ dàng nhưng lại tốn nhiều thời gian để đóng/mở. Không những vậy, hàng ghế thứ 2 không thể gập lại, giảm bớt sự tiện dụng.