Hãng tin CNBC nhận định rằng du thị trường xe điện còn khá nhỏ bé, nhưng nó hoàn toàn có thể gây ra một sự xáo trộn lớn tới "gã khổng lồ" xăng dầu.
Thị trường ô tô lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã bắt đầu có những kế hoạch để giảm quy mô và sản lượng sản phẩm vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch.
Ấn Độ cũng công bố, nước này đang đẩy mạnh việc chế tạo các loại phương tiện mới chạy bằng điện trước năm 2030. Hay tại Anh và Pháp, các quốc gia này đang dần cắt giảm lượng xe cộ chạy bằng xăng và động cơ diesel trong vòng 20 năm tới.
Các nhà sản xuất xe, ngành công nghiệp xăng dầu và các Chính phủ đã bắt đầu nhận thức được những sự thay đổi mà xe điện mang lại.
Ngay cả những nhà sản xuất ô tô lớn cũng nhận định "không thể làm ngơ" về khả năng kiếm lời từ một thị trường béo bở như vậy. Volvo, Jaguar, Land Rover, Volkswagen, Mercedes, Audi và BMW đều hứa hẹn sẽ triển khai những mẫu xe điện trong thập kỷ tới.
Các phương tiện di chuyển sử dụng điện ngày nay không có gì xa lạ, nhưng tác động của sự thay đổi này tới vấn đề việc làm, ngành công nghiệp xăng dầu và thậm chí là hệ thống thuế của một quốc gia sẽ khá sâu sắc.
Lượng việc làm bị biến động
Để sản xuất một chiếc xe điện, bao gồm cả pin, yêu cầu lượng nhân công ít hơn chế tạo hơn 1 chiếc xe sử dụng xăng. Chính vì thế, một báo cáo của Viện Kinh tế Ifo (Đức) cho rằng, việc loại bỏ động cơ đốt trong trước năm 2030 có thể làm giảm 600.000 công việc, chỉ tính riêng nước này.
Tuy nhiên, bức tranh việc làm sẽ không hoàn toàn đen tối đến vậy. Theo Liên đoàn các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Australia (FAPM), việc hạn chế này có thể sẽ là tín hiệu khả quan cho các nhà cung ứng tới thị trường Trung Quốc, bao gồm cả nước này.
Theo đó, dù Toyota và các nhà sản xuất xe hơi địa phương đã đóng cửa tại Úc vì sản xuất xe điện trở nên dễ dàng hơn do việc xây dựng quy trình đơn giản và có sự tham gia của robot, đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư phù hợp.
Sự biến động của thị trường xăng dầu
Việc sử dụng xe điện rộng rãi sẽ đặt một áp lực khá lớn lên các quốc gia lấy sản xuất dầu mỏ làm động lực và hơn thế, sẽ làm thay đổi bản đồ địa chính trị trên toàn thế giới.
Nhà kinh tế học tại Stanford Tony Seba và cộng sự đã vẽ ra một viễn cảnh về cuộc cách mạng của xe điện sắp tiến thêm một bước xa hơn, và dự đoán sự biến động này không lâu nữa sẽ diễn ra.
Họ lập luận rằng, lượng cầu về xăng dầu sẽ giảm ở mức 100 triệu thùng/ ngày trước năm 2020 và chỉ còn khoảng 70 triệu thùng/ ngày trước năm 2030. Vào năm 2017, các quốc gia xuất khẩu thuần như Venezuela, Nigeria, Ả Rập và Nga sẽ chịu tác động lớn nhất.
Tuy nhiên, "vị trí địa chính trị" của Liti, Niken, Coban hay Cadmiun – nguyên tố đóng vai trò "chìa khoá" cho xe điện, hoàn toàn khác với vị trí dầu mỏ.
Theo đó, mặc dù có khả năng bị biến động nguồn cung, nhưng Liti không quan trọng với xe điện như sự tác động của xăng dầu trong quá trình vận hành chiếc xe hơi truyền thống.
Nguyên nhân, Liti chỉ có một phần chức năng trong tạo ra pin xe điện, trong khi xăng dầu là nhiên liệu chính để vận hành động cơ đốt trong của phương tiện. Sự khan hiếm Liti sẽ chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất ra sản phẩm mới.
Không có Liti, động cơ hiện tại vẫn có thể vận hành trong nhiều năm. Còn xăng dầu lại là thiết yếu để vận hành động cơ hiện tại. Do đó, xăng dầu là một thành phần cần thiết hơn trong chuỗi vận hành của một chiếc ô tô.
Tác động đến ngân sách Nhà nước
Trước năm 2030, thu nhập từ thuế xăng dầu có thể sẽ bị sụt giảm đáng kể, do người dân chuyển sang sử dụng xe điện nhiều hơn. Giải pháp cho những quốc gia xảy ra hiện tượng này là có thể chuyển sang thu phí sạc điện xe trên đường.
Mô hình mà Seba và cộng sự chỉ ra rằng, khoảng 50 tỷ USD thu từ thuế xăng dầu có thể bốc hơi khỏi nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ở Australia, theo Cục Hạ tầng, Giao thông và Phát triển khu vực, thuế xăng dầu năm 2014 - 2015 đóng góp khoảng 11,03 tỷ AUD (chiếm 38% tổng thu nhập công liên quan đến giao thông), giảm khoảng 44% vào những năm đầu 2000. Nguồn thu này sẽ tiếp tục bị đe dọa trực tiếp bởi sự tăng trưởng của thị trường xe điện.
Ngoài ra, một kịch bản trong tương lai là xe điện sẽ làm cho Chính phủ thu được ít tiền hơn do sự giảm xuống về phí đăng ký, thuế bán hàng, bảo hành, bảo hiểm,...
Viễn cảnh tương lai của ngành công nghiệp xe điện
Mặc dù dự thảo của Trung Quốc và Ấn Độ còn khá sơ sài, nhưng đây cũng là đại diện cho các quốc gia thay đổi chính sách để đưa xe điện phổ biến hơn trong cuộc sống.
Một số gã khổng lồ về xăng dầu như BP hay Shell vẫn phủ nhận về một kết cục của thị trường xăng dầu như vậy.
Họ lập luận rằng, nhu cầu về xăng dầu vẫn sẽ tiếp tục tăng trong một thế giới không ngừng phát triển như hiện tại, và những nỗ lực cải thiện hiệu năng của xăng dầu sẽ giúp lợi nhuận họ thu được cao gấp nhiều lần so với xe điện.