Trong phần lớn bề dày thời gian của lịch sử ngành ô tô hơn 100 năm qua, hầu hết hãng xe đều "xe ai người ấy phát triển" trong một cuộc đua mà kẻ chậm chân sẽ bị đào thải, kẻ không có ý tưởng sáng tạo thất thế và kẻ thắng cuộc dành lấy mọi thứ về cho riêng mình.

Chỉ cho tới giai đoạn 20 năm trở lại đây, việc chia sẻ ý tưởng, nền tảng, khung gầm, động cơ và cả nhân sự giữa các hãng xe mới thi nhau xuất hiện và đã ngay lập tức làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành công nghiệp ô tô.

Nhờ phương thức sản xuất này, ô tô trong tương lai sẽ không chiếc nào giống chiếc nào - Ảnh 1.

Giờ, trên thị trường không thiếu những công ty "bắt buộc" phải dựa vào nhau mà sống, tới mức khách hàng chẳng còn biết rằng ý tưởng, cách chế tạo hay linh kiện của chính mẫu xe mà mình muốn mua chính xác tới từ đâu. Mô hình kinh doanh này được lựa chọn bởi chúng mang lại lợi ích cho những người tham gia – tất cả họ đều tiết kiệm được chi phí.

Tuy nhiên, nền công nghiệp sản xuất ô tô lại có thể sắp bước sang một trang mới nữa chỉ sau chưa đầy 30 năm thay vì phải chờ 100 năm như trước nhờ sự phát triển chóng mặt của các công nghệ tân tiến chẳng hạn như in 3D.

Sản xuất ô tô của hiện tại

Việc phát triển một dòng xe mới luôn tiêu tốn rất nhiều thời gian cũng như tài nguyên của các hãng xe. Đầu tiên họ phải phác thảo ra bản vẽ kỹ thuật, tiếp đến là xây dựng các phiên bản chạy thử, vận hành thử xem chúng có hoạt động ổn định và đúng ý hay không. Nếu thành công, một tổ hợp dây chuyền lắp ráp các linh kiện được xây dựng để sản xuất hàng loạt phiên bản thành phẩm cuối cùng.

Xe lăn bánh ra khỏi dây chuyền sản xuất cũng chưa phải đã là "ngưỡng cửa" cuối cùng. Chúng còn cần được tiếp thị đúng đắn và sau đó vận chuyển tới hệ thống đại lý phân phối. Tiếp theo nữa là giai đoạn quảng cáo làm sao cho xe bán ra nhanh nhất. Cuối cùng, chạy xuyên suốt dòng đời xe là bảo trì, bảo dưỡng. Tất cả các công đoạn nói trên cần chiến lược đúng đắn cùng sự đầu tư thời gian và tiền của hợp lý của các hãng xe.

Hiện, không một thương hiệu nào thoát ra được khỏi "vòng xoáy" nói trên. Mẫu xe nào cũng cần dây chuyền sản xuất. Những dây chuyền này lại cần được nâng cấp, sửa đổi và làm mới mỗi khi có 1 mẫu xe lắp ráp tại đây.

Chia sẻ công nghệ đồng nghĩa với chi phí sản xuất xe giảm xuống, do đó trên thị trường ngày nay không ít dòng xe tới từ các hãng xe khác nhau "tuy 2 mà 1", chỉ khác mỗi logo. Một số dòng xe khác thì động cơ lấy từ hãng này, khung gầm lấy từ hãng nọ, phần mềm điều khiển lại lấy tiếp từ 1 bên thứ 3 khác. Điều này không hẳn là xấu khi số lượng dây chuyền sản xuất không bị đội lên quá cao do linh kiện đã được dùng chung 1 phần, đồng thời chi phí được chia đều giữa các bên thay vì mỗi bên lại phải bỏ ra 1 khoản như vậy để phát triển cho riêng mình.

Sản xuất ô tô trong tương lai

Sự xuất hiện của công nghệ in 3D hứa hẹn trong tương lai không một chiếc xe nào giống một chiếc xe nào. Thay vì dập khuôn theo hình mẫu từng dòng xe như trước (người dùng chỉ có thể tùy chọn trang bị hay cấu hình), công nghệ này cho phép người sở hữu xe có thể tự chọn phong cách thiết kế, nội thất, động cơ... cho riêng mình, qua đó loại bỏ bộ khung truyền thống và cũng biến dây chuyền lắp ráp thành một thứ thừa thãi. Chỉ cần máy in, các chất liệu cần thiết trong chế tạo xe, người dùng có thể chế tác bất cứ linh kiện nào và sau đó ráp chúng lại bằng tay và máy, hiểu đơn giản là vậy.

Nhờ phương thức sản xuất này, ô tô trong tương lai sẽ không chiếc nào giống chiếc nào - Ảnh 2.

Không gò bó công nghệ, không giới hạn thiết kế là ưu điểm lớn nhất của việc ứng dụng in 3D trong chế tạo ô tô.

Phương thức riêng của Hackrod

Hackrod – một "công ty sản xuất kỹ thuật số" như họ tự nhận bản thân, đang phát triển công nghệ của riêng mình cho phép "chế tạo nhanh chóng các linh kiện trang trí xe cũng như chính mẫu xe mà khách hàng có trong đầu". Hiểu đơn giản thì bạn chỉ cần nghĩ ra ý tưởng xe, mang tiền đến "gửi gắm" cho Hackrod và họ sẽ xây dựng mẫu xe trong mơ, không đụng hàng cho riêng bạn. Đúng như lời Hackrod nói, chiếc xe mà bạn nhận được là chiếc xe mà bạn mong muốn chứ không phải là chiếc xe mà ai đó (các thương hiệu phổ thông) muốn bán cho bạn.

Không còn chuyện "khách hàng có thể chọn bất cứ màu nào mà họ muốn miễn là nó... màu đen", như lời Henry Ford đã từng nói.

Nhờ phương thức sản xuất này, ô tô trong tương lai sẽ không chiếc nào giống chiếc nào - Ảnh 3.

Hiện Hackrod đang gây quỹ cho mô hình sản xuất của mình. Theo startup tới từ Mỹ này, họ có thể chế tạo bất cứ chiếc xe nào bằng "công nghệ thực tế ảo, trí thông minh nhân tạo, công nghệ in 3D và chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng đám mây". Tất nhiên, hãng cũng sẽ tạo ra một số khuôn mẫu nhất định cho khách hàng nếu muốn nhưng họ khuyến khích người dùng nên sáng tạo 1 chiếc xe của riêng mình.

Một điểm độc đáo nữa của Hackrod là việc cho phép khách hàng chọn hình thức xe và cấu hình rồi sau đó xem cách xe được chế tạo trong thời gian thực qua công nghệ thực tế ảo. Các giải pháp đám mây, theo họ, cho phép xử lý mọi tình huống và công đoạn.

Nhờ phương thức sản xuất này, ô tô trong tương lai sẽ không chiếc nào giống chiếc nào - Ảnh 4.

Trong khi đó, trí thông minh nhân tạo ảo sẽ lo việc thiết kế, chế tạo cơ khí, giả lập hiệu suất, điều hành chuỗi cung ứng, đặt hàng, tích hợp phần cứng, lên lịch lắp ráp và cuối cùng là vận chuyển xe tới tay khách hàng, tất cả thông qua Internet.

Tiến độ xây dựng "chiếc xe trong mơ" sẽ được cập nhật trực tiếp cho các khách hàng tìm tới Hackrod. Thậm chí họ còn có thể can thiệp vào tiến trình này bằng cách yêu cầu thêm trang thiết bị hay bổ sung một vài đường nét độc đáo của riêng mình, tương tự những gì mà người ta thường thấy trên... game.

Nhờ phương thức sản xuất này, ô tô trong tương lai sẽ không chiếc nào giống chiếc nào - Ảnh 5.

Nhắc tới game, Hackrod cũng cho phép người dùng chạy thử chiếc xe của mình sau khi máy tính đã tính toán xong công suất và khả năng vận hành dựa trên thiết kế xe mà họ nghĩ ra thông qua một trò chơi đua xe giả lập.

Thành quả ban đầu

Để chứng minh rằng mình "nói được làm được", Hackrod đang trong quá trình chế tạo mẫu xe đầu tiên là "con lai" giữa thế giới thực và ảo, do trí thông minh nhân tạo (AI) đảm nhiệm. Dự kiến chiếc xe có tên La Bandita sẽ hoàn tất trước 2019.

Nhờ phương thức sản xuất này, ô tô trong tương lai sẽ không chiếc nào giống chiếc nào - Ảnh 6.

Điều đầu tiên Hackrod làm là thu thập dữ liệu "gốc" cần thiết để AI có thể từ đó xây dựng nên những bản thiết kế khả thi. Họ sử dụng hàng trăm máy quét để quét lại một khung gầm xe có sẵn, sau đó dựng nên cấu trúc 3D hoàn chỉnh cho khung gầm này rồi đẩy lên đám mây cho AI xử lý. Kết quả là AI đã "vẽ" ra được nhiều hướng thiết kế khác nhau từ khung gầm nói trên.

Nhờ phương thức sản xuất này, ô tô trong tương lai sẽ không chiếc nào giống chiếc nào - Ảnh 7.

Về phần ngoại thất, hãng không dựng thử ngoài đời thực mà làm hoàn toàn trong thực tế ảo thông qua Autodesk Fusion 360. Thực tế ảo cũng là nơi Hackrod sẽ chạy thử các sản phẩm của mình. Vào ngày 6/1 vừa qua, hãng cho biết đã chế tạo thành công bộ khung kim loại hoàn chỉnh kích thước thật cho La Bandita bằng công nghệ 3D và đã sẵn sàng in bộ khung nhôm thành phẩm bất cứ lúc nào.

Mở ra cánh cửa mới

Nhờ những ứng dụng của công nghệ in 3D, những startup mới lạ như Hackrod chắc chắn sẽ còn xuất hiện nhiều. Số lượng các hãng xe để tâm vào công nghệ này đang ngày 1 nhiều (chẳng hạn như Bugatti hay Ford) nhưng chưa một ai dám thử nghiệm in 3D một chiếc xe hoàn toàn cả. Sẽ cần 1 thời gian nữa trước khi khả năng này trở thành hiện thực và còn lâu hơn nữa để chúng biến thành tiêu chuẩn trong ngành chế tạo ô tô, tuy nhiên với khả năng đang được cải thiện từng ngày của in 3D, câu nói không có gì là không thể đang tiến ngày một gần hơn tới hiện thực.

Tham khảo: AutoEvolution