Đối tượng Nguyễn thị Nhung (trú tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) vừa bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản .

Trước khi bị cơ quan công an bắt giữ, Nguyễn Thị Nhung đã tự giới thiệu mình làm việc tại Văn phòng Chính phủ, có khả năng mua được 2 chiếc xe ô tô thanh lý tại đây để lừa đảo một nạn nhân nhằm chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Theo nhận định của cơ quan công an, với thủ đoạn tạo ra vỏ bọc là cán bộ của một cơ quan nhà nước, có mối quan hệ với những người có chức vụ, quyền hạn hoặc những người giàu có, thành đạt, các đối tượng lừa đảo rất dễ dàng tiếp cận những trường hợp có nhu cầu tìm mua ô tô giá rẻ.

Sau khi nạn nhân tin tưởng vào việc có thể mua được những chiếc xe thanh lý chất lượng vẫn còn tốt, đối tượng lại tiếp tục tạo ra nhiều màn kịch khác nhau để dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền thành nhiều đợt hoặc tạm ứng trước một khoản tiền lớn để đặt cọc. Khi đã nhận được tiền, chúng sẽ đưa ra nhiều lý do thủ tục nhận xe chậm nhằm kéo dài thời gian rồi sau đó tránh mặt nạn nhân để tẩu thoát.

Nhận cọc rồi bỏ trốn, tráo giấy tờ xe để lừa bán ô tô giá rẻ - Ảnh 1.

Thời gian qua, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều hội nhóm rao bán xe ô tô cũ đã qua sử dụng, ô tô nhập khẩu giá rẻ. Những lời quảng cáo có cánh như xe đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng nhưng thực chất nhiều loại giấy tờ này đều được làm giả rất tinh vi.

Khách muốn mua xe phải đóng các khoản phí và chuyển tiền đặt cọc từ 30- 50% cho bên bán. Cũng giống như thủ đoạn trên, các đối tượng khi nhận được tiền đặt cọc liền chặn ngay liên lạc với nạn nhân hoặc giao cho họ những chiếc ô tô là tài sản của người khác do chúng thuê lại bằng giấy tờ giả..

Mới đây, 2 đối tượng Phùng Bá Hiền và Bùi Thị Thơm trú tại Cẩm Thủy, Thanh Hóa đã bị cơ quan công an khởi tố bắt tạm giam về hành vi lừa bán ô giá rẻ. Các đối tượng này đã liên tiếp gây ra 11 vụ chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng của các nạn nhân.

Phòng ngừa rủi ro khi mua ô tô cũ

Trong hoạt động mua bán, giao dịch nếu không tìm hiểu kỹ hay nhẹ dạ cả tin cũng sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Ô tô giá rẻ cũng là mặt hàng kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo bởi không phải ai cũng am hiểu về lĩnh vực này. Vậy người dân cần làm gì để tránh gặp phải những rắc rối khi mua bán loại phương tiện này?

Khi có nhu cầu mua ô tô thanh lý giá rẻ, mỗi người hãy tìm hiểu kỹ các thông tin về ô tô và người bán. Hãy đến trực tiếp những đơn vị, trụ sở cơ quan để tìm hiểu kỹ thông tin về việc có đúng là các tổ chức, đơn vị đó đang có nhu cầu thanh lý ô tô giá rẻ hay không.

Nhận cọc rồi bỏ trốn, tráo giấy tờ xe để lừa bán ô tô giá rẻ - Ảnh 2.

Nên đến các showroom và phải tìm hiểu kỹ về giá cả thị trường xe cũ. Tìm hiểu rõ nguồn gốc cũng như tính pháp lý của chiếc xe. Kiểm tra xe phải có giấy tờ đầy đủ, đăng ký, đăng kiểm, số khung, số máy có trùng khớp với số ghi trong giấy tờ hay không. Khi giao dịch, phải có hợp đồng mua bán, giấy tờ tùy thân, địa chỉ của người bán

Khi mua xe cũ, để tránh rủi ro, người mua nên sang tên tại văn phòng công chứng và đăng ký sang tên tại cơ quan cảnh sát giao thông. Khi không may bị mắc lừa cần trình báo ngay cho cơ quan công an để giải quyết.

Nhận "cọc" rồi bỏ trốn; Làm giấy tờ xe ô tô giả; Tráo giấy tờ xe ô tô là ba trong số những chiêu thức lừa đảo mà những người chơi ô tô cũ đã tổng kết sau nhiều vụ việc. Vì thế khi quyết định mua 1 chiếc ô tô đã qua sử dụng, người dân phải rất thận trọng, cần một người có hiểu biết về luật pháp để tư vấn trong công tác kiểm chứng thông tin liên quan đến phương tiện.