Chia sẻ với Autocar tại gian triển lãm của Ford tại Geneva – thương hiệu ông đã 2 lần làm việc cùng trong sự nghiệp đã hơn 45 năm (một lần thời còn thực tập và lần sau là giám đốc thiết kế toàn cầu với các mẫu xe nổi tiếng như Mustang hay F-150), Peter Horbury, cũng đang đảm đương chức vụ tương tự tại Geely từ 2011 tới nay cho biết giờ khó có thiết kế nào có thể làm ông ngạc nhiên nữa.  

Cái tên Horbury bắt đầu xuất hiện trong làng thiết kế xe từ năm 1973, thời điểm ông lấy được bằng Thạc sĩ của Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Anh và gia nhập Chrysler UK. Từ đó tới nay, ông đã công tác với Volvo (3 lần), Ford (2 lần), Tập đoàn Premier Automotive Group (với các thành viên Jaguar, Land Rover, Volvo, Aston Martin và Lincoln) cùng nhóm thiết kế MGA.

Nhà thiết kế đứng đằng sau thành công và tham vọng bá chủ của Geely là ai? - Ảnh 1.

Peter Horbury là người vẽ ra tương lai cho Geely bằng chính đôi tay của mình.

Giờ, công việc của ông là tìm ra hướng đi về thiết kế cho các thương hiệu Geely, Lynk&Co, Proton và Lotus mà theo ông, cũng là nhiệm vụ khó nhất mà mình từng đảm nhiệm. Chủ tịch và cũng là nhà sáng lập tập đoàn Geely, ông Li Shufu khởi nghiệp với công việc sản xuất tủ lạnh và không hề tham gia vào mảng xe cho tới giai đoạn cuối 1990 đầu 2000. Ông được biết đến như người luôn muốn tiến nhanh nhất có thể và dù sản lượng của Geely đã tăng gấp 3 trong 2 năm trở lại đây (biến họ thành tập đoàn sản xuất xe lớn thứ 2 Trung Quốc), ông vẫn cho rằng như vậy là chưa đủ.

Hiện, mỗi thương hiệu xe thuộc Geely đều có bài toán riêng cần giải và ông Li Shufu cần Horbury tạo ra một tính cách riêng, một tiếng nói riêng cho mỗi thương hiệu. Việc cả 2 đến với nhau cũng khá bất ngờ. Sau khi dẫn đầu mảng thiết kế của Ford, ông Horbury được mời về làm việc tại Volvo lần thứ 2 sau lần thứ nhất rất thành công (giai đoạn 1990-2000) khi giám đốc thiết kế của thương hiệu Thụy Điển đột ngột rời đi.

Nhà thiết kế đứng đằng sau thành công và tham vọng bá chủ của Geely là ai? - Ảnh 2.

Chiếc ECC do ông Horbury thiết kế đã khởi đầu cuộc cách mạng thiết kế tại Volvo vào những năm 1990.

Tuy vậy, sau đó một năm, thương hiệu Thụy Điển đổi chủ từ tay Ford sang Geely. CEO mới người Đức của họ lúc đó là Stefan Jacoby không có quan hệ tốt với Horbury và 2 người "chia tay" chỉ sau 2 tuần làm việc chung ngắn ngủi. Ngỡ tưởng mình sẽ phải rời đi, nhà thiết kế kỳ cựu người Anh sau đó cực kỳ bất ngờ khi Chủ tịch Li công bố ông sẽ trở thành giám đốc thiết kế chung cho cả tập đoàn Geely.

Phân nhánh thiết kế Geely tại châu Âu vốn còn non trẻ tại thời điểm đó bắt đầu đi vào hoạt động. Khởi nguồn từ 1 tòa nhà vắng vẻ với chỉ 5 nhà thiết kế làm việc mượn lại từ Volvo, giờ họ đã có trung tâm thiết kế tại hơn 10 thị trường trọng yếu trên toàn cầu với 600 nhân viên. Thượng Hải hiện vẫn là trung tâm thiết kế và tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực này của Geely.

Nhà thiết kế đứng đằng sau thành công và tham vọng bá chủ của Geely là ai? - Ảnh 3.

Lynk&Co 02

Horbury cho biết nhiệm vụ đầu tiên của ông và nhóm là tạo dựng một hình ảnh, một nhận dạng thương hiệu riêng cho Geely. "Vào lúc đó, không có mẫu xe Geely nào giống nhau cả. Chúng được lắp ráp tại các nhà máy khác nhau, nghiên cứu bởi các đội ngũ khác nhau", ông hồi tưởng lại. Buổi thuyết trình đầu tiên tại Geely đôi lúc vẫn hiện lại rõ mồn một trong tâm trí ông. Khi đó, một loạt loài động vật chẳng liên quan gì tới nhau lần lượt hiện lên trên màn hình: lừa, gấu trúc, cá mập rồi hươu cao cổ. Chúng cũng giống như các dòng xe Geely lúc đó vậy. Sau đó, hình ảnh các loài động vật thuộc họ mèo xuất hiện, từ sư tử, báo cho tới hổ. Chúng là thông điệp mà ông muốn gửi tới ban lãnh đạo Geely: thiết kế các dòng xe của họ có thể khác nhau nhưng luôn phải có một nền tảng chung.

Thành tựu đầu tiên mà ông đạt được với Geely là concept saloon 4 cửa KC1 khá ấn tượng ra mắt vào năm 2013. Từ đó, mọi thứ trở nên trôi chảy hẳn. Tới giờ, doanh số Geely tại Trung Quốc đã tăng mạnh dù hãng không thực sự đặt kỳ vọng quá cao vào mảng kinh doanh nội địa. Theo Horbury, người tiêu dùng Trung Quốc tìm đến với Geely bởi họ thấy chất lượng và thiết kế xe thuộc tập đoàn đều rất ấn tượng, thậm chí được đánh giá là tiệm cận các dòng xe Đức. Tốc độ phát triển của họ cũng thăng tiến rất nhanh khi khoảng cách giữa các thương hiệu con Trung Quốc và Volvo đã bị rút ngắn đáng kể.

Nhà thiết kế đứng đằng sau thành công và tham vọng bá chủ của Geely là ai? - Ảnh 4.

Các dòng xe Lynk&Co cho thấy sự rút ngắn đáng kể cả về thiết kế lẫn công nghệ giữa Geely với các thương hiệu toàn cầu, trong đó có cả thương hiệu con của họ là Volvo.

Lynk&Co chính là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy khoảng cách giữa Volvo và phần còn lại của Geely giờ ngắn tới chừng nào. Tập đoàn Trung Quốc cho rằng thương hiệu này đã đủ sức "chinh chiến" tại châu Âu và giờ đã ra mắt 2 dòng xe đầu tiên tại đây là 01 (SUV cỡ lớn) và 02 (crossover cỡ trung), đều có thiết kế được đánh giá cao. Công nghệ được tích hợp trên chúng cũng đều không thua kém các dòng xe tương đồng của Volvo.

Theo Horbury, Lynk&Co muốn thành công phải sở hữu thiết kế tách biệt hoàn toàn với các dòng xe Trung Quốc bởi sự khác biệt nhận thức giữa người tiêu dùng 2 nơi. Người châu Âu thường coi kính chắn gió trước là đôi mắt và tản nhiệt như miệng trong bộ mặt của 1 dòng xe, trong khi với người phương Đông, đôi mắt lại là cặp đèn pha. Geely không thể áp dụng chung 1 khuôn mẫu cho cả 2 thị trường và đó là lý do Lynk&Co ra đời.

Nhà thiết kế đứng đằng sau thành công và tham vọng bá chủ của Geely là ai? - Ảnh 5.

Geely đang đặt kỳ vọng rất lớn cho Lotus trong tương lai. Ảnh: Lotus Evora 400.

Về phần Proton, họ từng là niềm tự hào của đất nước Malaysia và được bảo hộ khá chặt chẽ trước khi thị trường tại đó mở cửa tự do khiến doanh số hãng lao dốc không phanh. Nguyên nhân chính mà Geely thâu tóm Proton hiện tại là vì dây chuyền sản xuất tự động công nghệ cao mà thương hiệu Malaysia sở hữu, tới mức các dòng xe Geely và Lynk&Co có thể lắp ráp tại đây. Còn lại, ông Horbury cho biết giờ Geely tạm thời chưa có hướng đi mới cho Proton.

Trong khi đó, Lotus lại là 1 câu chuyện hoàn toàn khác khi Chủ tịch Li "luôn muốn sở hữu 1 công ty xe thể thao" cho riêng mình. Dù dưới quyền tân CEO Jean-Marc Gales doanh số của họ đã phần nào cải thiện nhưng giờ hãng xe Anh đang cần đầu tư hơn bao giờ hết. Theo Horbury, Geely có "tham vọng khá lớn" đặt lên Lotus nhưng chưa tìm được hướng đi phù hợp, trong khi ông cũng đang loay hoay trong công đoạn tạo ra diện mạo mới cho hãng xe Anh.

Ảnh: Autocar