Vì đâu người Việt Nam nóng tính, ít đọc sách, ít sáng tạo?

"Người Việt nóng tính vì đi xe máy!"- đây là nhận xét của Tiến sĩ, doanh nhân Lương Hoài Nam trong cuốn sách Kẻ trăn trở do chính ông đặt bút viết. Ông Nam là người kiên trì và nhiệt tâm với đề xuất cấm xe máy.

Ông chia sẻ: "Do tính chất công việc, có điều kiện đi đến nhiều nước trên thế giới, tôi không thấy nơi nào có nền giao thông xe máy kinh khủng như ở nước ta. Rồi tôi thấy mỗi năm trên dưới 10.000 người chết, hơn 20.000 người bị thương vì tai nạn giao thông, có đến 70% số vụ liên quan đến xe máy. Mỗi một giờ trôi qua, có một người Việt Nam đã bị chết vì tai nạn giao thông.

Tôi cũng cố gắng giải thích tại sao người Việt Nam bị ung thư và chết vì ung thư với tỷ lệ cao nhất nhì thế giới. Tôi nghĩ đó là hậu quả của các loại hóa chất trong thực phẩm bẩn, nước uống bẩn, không khí bẩn, trong rác rưởi, bụi bặm... Những thứ đó là một phần của nền giao thông xe máy, của lối sống bám vào xe máy.


Tiến sĩ Lương Hoài Nam

Tiến sĩ Lương Hoài Nam

Tôi cũng thấy, về mặt bằng chung, người Việt Nam nóng tính, ít đọc sách, ít sáng tạo. Tôi hình dung, mỗi một ngày mất vài ba giờ ngồi trên xe máy, chen chúc nhau trên đường với thần kinh căng thẳng, về đến nhà thấy oải cả người, thì những cái tôi vừa nêu cũng dễ hiểu. Nếu người dân được sử dụng các loại giao thông công cộng văn minh, hiện tại như ở Singapore, chắc tính người sẽ khác.

Tôi chỉ sử dụng ô tô khi đi làm. Cả nhà tôi chỉ có một chiếc xe Mazda đời 2001, không đủ cho nhu cầu đi lại của cả nhà. Gia đình tôi còn có nhiều xe máy, tôi có lúc cũng đi xe máy. Nhưng không vì thế mà tôi yêu thích xe máy. Tôi đi xe máy và sợ nó chứ không hề yêu thích nó.

Tôi biết đi xe máy rất nguy hiểm, kể cả khi mình đi đúng. Nhiều người bị tai nạn xe máy khi mình đi đúng luật."

Muốn văn minh cần cấm xe máy?

Vị doanh nhân này cho rằng các cơ quan quản lý giao thông vận tải (GTVT) nước ta đã và đang thất bại trong việc giải thích cho người dân hiểu và chia sẻ một chủ trương rất lớn và vô cùng quan trọng cho việc xây dựng một nền giao thông công cộng hiện đại, an toàn, văn minh với một lộ trình, cách thức thực hiện hợp lý.

Giao thông công cộng là điều kiện không thể thiếu để hình thành đô thị hiện đại, văn minh, có môi trường sống đáng sống. Họ không có hành động nào để đông đảo người dân biết sự thật về trên dưới 30 thành phố ở Trung Quốc đã cấm hoàn toàn xe máy. Xe máy cũng bị cấm hoàn toàn tại thành phố Yangon (Myanmar), các đường phố lớn ở Jakarta (Indonesia). Họ biết nhiều nơi trên thế giới làm nhưng không hiểu cặn kẽ lý do tại sao và làm bằng cách nào, để thẳng thắn trao đổi với dân nước ta, tạo sự đồng thuận với chương trình hành động chung.

Do thiếu thông tin, nhiều người nghĩ một cách sai lầm rằng nếu cấm xe máy thì các đô thị nước ta thiếu đường cho xe buýt.

Bình quân, số ô tô của các tổ chức, cá nhân trên 1 km đường ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là khoảng 45-50, ở Singapore là hơn 200 xe và Hồng Kông hơn 300. Hồng Kông có 10.000 xe buýt lớn, nhỏ đảm nhiệm một nửa vận tải công cộng, nửa còn lại do tàu điện và các phương tiện khác. Nếu "thả" 20.000 xe buýt lớn, nhỏ vào thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để thừa giao thông công cộng thì mật độ ô tô bình quân ở hai đô thị này tăng thêm chưa tới 10 xe/km đường, chưa là gì so với Singapore và Hồng Kông.

Mặt đường ở các đô thị nước ta đang "gánh" xe máy là chính (hơn 1.500 xe/km ở thành phố Hồ Chí Minh và hơn 500 xe/km đường ở Hà Nội). Nếu thay hết bằng xe buýt, đường phố ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ rất thoáng.

Vấn đề là ai dám mạnh dạn đầu tư vốn vào xe buýt để cạnh tranh với xe máy và tâm lý ra khỏi nhà là lên xe máy, lười đi bộ của người dân ta? Khi nào xe buýt không phải cạnh tranh với xe máy, kinh doanh xe buýt có lãi thì sẽ có nhiều người đầu tư. Chờ nhà nước đầu tư tàu điện và xe buýt đủ thay thế xe máy ở các đô thị lớn thì còn rất lâu, thậm chí là không bao giờ.

img

Ở Trung Quốc, Myanmar hay Indonesia cũng vậy, họ cấm xe máy theo lộ trình chính là để tạo môi trường, điều kiện thu hút vốn tư nhân vào giao thông công cộng. Có lộ trình cấm xe máy thì sau 10, 15 hay 20 năm, các giải pháp phát triển giao thông công cộng đồng bộ sẽ xuất hiện bằng những nỗ lực chung của cả nhà nước, các nhà đầu tư và người dân.

Hạn chế và từng bước tiến tới loại bỏ xe máy, phát triển giao thông công cộng là một việc rất quan trọng để phát triển các đô thị văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt và an toàn cho mọi người dân. Đó là những điều dễ nhìn thấy ở Singapore, Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, thậm chí là Yangon.

Hãy chỉ ra một cuộc sống văn minh và an toàn ở các đô thị tương lai mà nhà nước và người dân cần cùng đầu tư ngay từ hôm nay thay vì đưa ra các chính sách, giải pháp không rõ mục tiêu, chỉ tốn tiền dân. Những đô thị đó dứt khoát phải là đô thị của nền giao thông công cộng, không phải là đô thị của nền giao thông xe máy, chợ cóc và quán xá vỉa hè lộn xộn, nhếch nhác, bẩn thỉu, đày đọa con người, trực tiếp và gián tiếp uy hiếp tính mạng người.

Không sợ sao được khi mỗi giờ ở nước ta bình quân có một người chết và hai người bị thương do tai nạn giao thông mà nạn nhân phổ biến là đang đi xe máy. Đó là sự "ổn định" từ năm này qua năm khác nhưng là sự "ổn định" rợn người. Có không ít vụ cả vợ chồng, con cái đều chết khi đang đi xe máy. Nếu đi bằng giao thông công cộng thì họ đã không chết oan nghiệt.

Theo Trí Thức Trẻ