Thị trường xe máy tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018 với doanh số gần 3,4 triệu xe, bất chấp nhiều dự đoán bão hòa từ nhiều năm trước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), thị trường Việt Nam tiêu thụ 3.386.097 xe máy trong năm 2018, tăng trưởng 3,5% so với năm 2017. Doanh số Quý 4 cao nhất với 933.996 xe.
VAMM bao gồm 5 thành viên là Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM. Không bao gồm các thương hiệu khác như Kymco, Peugeot, VinFast, một số thương hiệu mô tô như Ducati, Kawasaki, Harley-Davidson, KTM,... Bên cạnh đó là các cửa hàng nhập khẩu xe máy tư nhân.
Người Việt mua gần 3,4 triệu xe máy trong năm 2018.
Thị trường xe máy được dự đoán là bão hòa từ nhiều năm trước, dẫu vậy doanh số vẫn tăng trưởng đều đặn qua các năm. Theo một nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, đến năm 2030, xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu tại Việt Nam, bất chấp những đề án cấm xe máy trong nội thành ở một số thành phố lớn. Nền kinh tế và cơ sở hạ tầng là những rào cản lớn khiến chưa nhiều người tiêu dùng chuyển đổi lên phương tiện ô tô.
Về miếng bánh thị phần, Honda chiếm lĩnh 76% doanh số của cả thị trường xe máy Việt Nam. Theo báo cáo bán hàng hàng tháng của hãng này, Vision liên tục giữ vị trí là mẫu xe tay ga bán chạy nhất của Honda, trong khi danh hiệu xe số bán chạy nhất thuộc về mẫu Wave Alpha. Thị phần còn lại thuộc về Yamaha, Suzuki, Piaggio, và SYM.
Dù thị trường xe máy vẫn tăng trưởng đều đặn, nhưng sản phẩm đang có dấu hiệu nhàm chán ở tầm giá dưới 50 triệu đồng, người dùng chủ yếu lựa chọn sản phẩm của Honda, trong khi Yamaha vẫn trông chờ vào Exciter và Sirius.
Những đổi mới ở phân khúc này cũng không nhiều. Vài năm gần đây nổi bật có công nghệ Smartkey và đang dần phổ biến công nghệ chống bó cứng phanh ABS. Điểm mới hàng năm chủ yếu là thay tem, đổi màu. Vòng đời sản phẩm xe máy phổ thông tại Việt Nam kéo dài trung bình khoảng 5 năm.
Ở phân khúc trên 50 triệu đồng, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, các công nghệ mới cũng sớm được phổ biến so với nhóm xe tầm dưới. Sau SmartKey, ABS và gần đây là công nghệ hybrid cùng công nghệ kết nối với điện thoại thông minh.
Để tìm kiếm doanh số, các thương hiệu mở rộng sang mảnh kinh doanh mô tô phân khối lớn. Suzuki, Ducati, Kawasaki, KTM hay Harley-Davidson là những thương hiệu tham gia thị trường Việt Nam khá sớm. Rồi tiếp tục đến "ông lớn" Honda cũng bước vào phân khúc này từ đầu năm 2018. Đến cuối năm, "người đồng hương" Yamaha cũng bước chân vào phân khúc xe phân khối lớn trên 500 cc, với MT-10 và XSR900.
Trong năm nay, thương hiệu Việt VinFast sẽ tăng cường các chiến dịch bán hàng để lấn thị phần sau khi tập trung làm thương hiệu vào cuối năm qua. Đây sẽ là đối thủ khó lường của các thành viên VAMM, đặc biệt là Honda khi xe điện Klara có ngưỡng giá khá tương đương xe tay ga nhưng có nhiều ưu/nhược điểm được quan tâm.
Ngoài ra, để tìm "cơn giá lạ", không ít người tiêu dùng tìm đến các đại lý xe máy nhập khẩu tư nhân, nhất là nhóm người trẻ sinh sống ở khu vực phía Nam. Dải sản phẩm ở các đại lý trải rộng vào vài chục triệu đến hàng tỷ đồng với rất nhiều lựa chọn.
Một trong những dòng xe đang được nhiều người tìm đến các đại lý tư nhân là Honda Vario/Click và một số dòng mô tô cỡ nhỏ như YZF-R15, Honda CBR150R hay Suzuki GSX-150R nhờ giá bán tốt và mẫu mã mới lạ, ít đụng hàng. Dẫu vậy, miếng bánh dành cho các đại lý xe máy nhập khẩu tư nhân không thể so sánh với doanh nghiệp chính hãng.